Nhằm huy động nguồn lực trong xã hội cho phát triển y tế, Nhà nước đã ban hành chính sách về xã hội hóa (XHH) y tế nhằm thúc đẩy việc huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển y tế nước nhà. XHH không chỉ là việc thành lập nhiều cơ sở y tế ngoài công lập, tăng thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh mà cần quan tâm tới thu hút nguồn lực xã hội cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nhà nước thông qua chủ trương và các chính sách ưu đãi để khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế bỏ vốn, bỏ nguồn lực, trí tuệ vào dịch vụ y tế.
Điều trị cho bệnh nhân BHYT. Ảnh: Trần Minh
Mặt được từ XHH
Một là, huy động, khơi thông các nguồn lực của xã hội cho phát triển y tế. XHH dịch vụ y tế không có nghĩa giảm đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước mà là huy động được mọi nguồn lực cho phát triển y tế, góp phần quan trọng trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến của y học thế giới vào học Việt Nam.
Hai là, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Đây là việc không chỉ của ngành y mà là trách nhiệm của mỗi người, làm thay đổi nhận thức trong việc huy động vốn để có trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn, không trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước.
Ba là, XHH dịch vụ y tế gắn với việc tăng cường đầu tư từ ngân sách và thực hiện tốt việc trợ giúp cho các đối tượng chính sách, người nghèo. Việt Nam là một trong những nước được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rất cao về chính sách an sinh xã hội (hỗ trợ người nghèo, người già, trẻ em từ 6 tuổi trở xuống 100% BHYT và hỗ trợ đến 70% mệnh giá cho đối tượng cận nghèo...).
Bốn là, chính sách XHH dịch vụ y tế ngoài việc huy động nguồn lực cho phát triển còn đóng góp quan trọng cho quá trình cải cách hệ thống y tế Nhà nước.
Những mặt hạn chế
Một là, chính sách phát triển dịch vụ y tế còn nhiều lúng túng, đặc biệt là về chính sách giá (cơ cấu giá mới tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp). Chưa có sự minh bạch, rõ ràng trong quan điểm kinh tế về phí và giá dịch vụ.
Hai là, tình trạng đầu tư trang, thiết bị ngoài danh mục thiếu minh bạch, lúng túng trong tính giá dịch vụ, chia tỷ lệ phần trăm, khấu hao thiết bị... giữa bệnh viện và chủ đầu tư khiến cho giá dịch vụ khám, chữa bệnh tăng cao, người bệnh chịu nhiều thiệt thòi.
Ba là, khi thực hiện chính sách XHH, nhiều cơ sở y tế ngoài công lập ra đời góp phần cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ y tế song chưa có sự bình đẳng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng dịch vụ.
Bốn là, khi thực hiện chính sách XHH, ngay trong từng cơ sở y tế công lập chưa có sự tách bạch rõ ràng “công - tư” nên tỷ lệ chia lợi nhuận giữa bệnh viện và nhà đầu tư tại các đơn vị đang có sự chênh lệch khá lớn (Ví dụ: Qua giám sát của Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội phát hiện việc liên doanh, liên kết tỷ lệ thụ hưởng rất khác nhau, ví dụ: Bệnh viện Vân Ðình, tỷ lệ này là 50% - 50%; Bệnh viện Tim Hà Nội 40% - 60%, Bệnh viện đa khoa Hà Ðông 30% - 70%, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội 30% - 70% trong 5 năm đầu và 5 năm tiếp theo là 50% - 50%...)
Năm là, ngoài việc liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, nhiều bệnh viện công lại triển khai công tác XHH trong hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Tại nhiều bệnh viện, dù luôn trong tình trạng quá tải giường điều trị nhưng vẫn dành diện tích đáng kể tại các buồng bệnh được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để kê giường điều trị theo yêu cầu. Hệ lụy là tăng quá tải tại các bệnh viện, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh nghèo, các đối tượng chính sách và cả người bệnh khám, chữa bệnh dịch vụ khi họ phải nằm xen kẽ trong phòng điều trị công lập nhưng phải trả thêm một khoản tiền phí dịch vụ.
Sáu là, quá trình XHH dịch vụ y tế trong các cơ sở y tế công lập chưa có sự minh bạch tài chính, tài sản công và tư nên dễ sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, xảy ra tiêu cực trong liên doanh, liên kết, trong đấu thầu thuốc...
Giải pháp nhằm đẩy mạnh dịch vụ y tế
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường dịch vụ y tế. Nghiên cứu thay đổi cơ chế chuyển từ viện phí sang cơ chế giá gắn với chất lượng dịch vụ y tế trên cơ sở nguyên tắc thu đảm bảo bù đắp chi phí, tạo môi trường cạnh tranh, từng bước hình thành giá thị trường các dịch vụ y tế; Xây dựng cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ y tế theo hướng phân định rõ phạm vi, nội dung, mức độ liên doanh liên kết; Thay đổi cơ chế giao ngân sách cho cơ sở y tế nhưng phải có chế độ kiểm tra chặt chẽ kết quả đầu ra; Trên cơ sở chính sách hiện hành, khuyến khích các cơ sở y tế phát triển các dịch vụ mới, kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả chẩn đoán và điều trị, hạn chế tình trạng quá tải... Mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở y tế, sớm sửa đổi chế độ tiền lương cho nhân lực y tế; Xây dựng và ban hành chuẩn mực chuyên môn, nội dung nghiệp vụ y tế, chuẩn mực đạo đức nghề y.
Hai là, nghiên cứu chuyển đổi mô hình tổ chức, hoạt động các cơ sở y tế có nguồn thu từ xã hội hoá dịch vụ y tế như doanh nghiệp. Việc chuyển đổi các cơ sở công lập sang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp - tự chủ, tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm phải được quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi tự chịu trách nhiệm.
Ba là, cần hoàn thiện quản trị bảo hiểm y tế và đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế. Mở rộng diện bao phủ và nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với chất lượng dịch vụ; Thay đổi phương thức thanh toán bảo hiểm sang cơ chế tự tuân thủ thay vì kiểm soát thanh toán như hiện nay; Đổi mới cơ chế kiểm soát thu, chi, quản lý quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tạo điều kiện để các hiệp hội y học chuyên ngành tham gia vào quá trình xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và giá cơ sở dịch vụ y tế.
Bốn là, các giải pháp hỗ trợ khác: Tăng cường ngân sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế; Có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ dịch vụ y tế dựa trên lợi thế so sánh gắn với quy hoạch phát triển hệ thống y tế; Ngoài ra, để có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện và có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cần tổ chức công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 46/NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Kết luận số 43- KL/TW ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó các nội dung liên quan đến đổi mới chính sách tài chính và XHH y tế là những nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá trong cải cách và phát triển hệ thống y tế Việt Nam.