Cấy ghép nội tạng động vật để chữa bệnh hiện đang được nghiên cứu triệt để, trong số này có dự án mang tên Xenotransplantation do Công ty Dược phẩm United Therapeutics (UT) ở Maryland Mỹ thực hiện để điều trị bệnh tăng huyết áp động mạch phổi (PAH), căn bệnh nguy hiểm thông qua giải pháp cấy ghép bộ phận khác loài. Để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về dự án này, tạp chí Khoa học phổ thông Mỹ (PM) vừa có cuộc phỏng vấn ngắn với ông Martine Rothblatt, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc của UT liên quan đến dự án nói trên.
Ông Martine Rothblatt - người sáng lập Công ty Dược phẩm UT
United Therapeutics đang thực hiện Dự án Xenotransplantation, đưa bộ phận nội tạng khác loài vào cơ thể của nhau. Cụ thể, nếu đưa phổi lợn vào cơ thể con người có gây ảnh hưởng gì và giải pháp khắc phục?
Trước tiên xin được nói rằng, sở dĩ tôi quan tâm đến dự án này là do con gái tôi, cháu tên là Jenesi, mắc bệnh PAH, căn bệnh rất nguy hiểm. Chúng tôi đã thành công trong việc bào chế thuốc để làm chậm tiến trình phát triển của bệnh, nhưng thực tế vẫn chưa cán đích điều trị khỏi bệnh, vì vậy nếu áp dụng giải pháp cấy ghép phổi sẽ làm giảm bệnh PAH. Vấn đề nan giải hiện nay là có tới 90% bệnh nhân PAH không có nguồn phổi hiến tặng nên việc dùng phổi lợn được xem là giải pháp tình thế. Nhờ thành tựu trong lĩnh vực công nghệ di truyền nên trong vòng 10 năm trở lại đây con người đã “chế tạo” được những con lợn chuyển gen và phổi của nó có thể thay cho con người, không bị cơ thể con người đào thải. Nếu con người tạo ra được nhiều loại lợn như vậy thì sẽ có đủ phổi để cấy ghép cho những người mắc bệnh PAH và cả những căn bệnh khác như xơ nang, xơ phổi, thậm chí cả bệnh khí phế thũng.
Ông đang nói về việc loại bỏ thuốc chống đào thải (thải ghép) mà bệnh nhân cấy ghép bắt buộc phải uống. Để làm được điều này, Dự án Xenotransplantation phải làm thế nào?
Trước tiên, cần phải hiểu rằng để giúp được người bệnh không phải uống thuốc chống đào thải thì người ta phải giải quyết đồng thời 2 vấn đề, là hệ thống miễn dịch và hệ thống đông tụ của cơ thể.
Thứ nhất, các bộ phận của lợn cũng có các kháng nguyên, liên thông các chuỗi phân tử của từng tế bào, quá trình này tạo ra phản ứng trong cơ thể con người và cần được triệt tiêu. Bằng công nghệ chuyển gen cho lợn sẽ hạn chế những hiện tượng này có trong hệ gen của lợn, đưa các kháng nguyên này ra ngoài tế bào lợn. Kết quả khi cấy ghép vào cho cơ thể con người sẽ không bị đào thải nữa. Thứ hai là việc đông tụ, hay còn gọi là hiện tượng đông máu. Trước tiên, các thông số máu của con người và lợn hoàn toàn khác nhau, nhưng qua kỹ thuật chuyển gen, hiện tượng đông tụ này sẽ được hạn chế, nói cách khác là thông số máu giữa người và lợn sẽ được đồng hóa và không còn hiện tượng đào thải nữa. Đến nay, các nhà khoa học đã tiến hành 4 dự án chuyển gen thành công và khắc phục được sự cố nói trên, vì vậy trong tương lai nếu cấy ghép phổi để chữa bệnh PAH, người bệnh không phải uống thuốc chống đào thải nữa.
Lợn chuyển gen phục vụ cho mục đích chữa bệnh.
Xin ông nói chi tiết hơn về dự án lợn chuyển gen?
Về cơ bản, trong dự án này người ta tiến hành lập trình lại các AND trong nhân tế bào lợn, cách ly nhiều loại tế bào khác của các gen, quá trình nói trên sẽ có ích, đảm bảo sự tương thích giữa cơ thể lợn với cơ thể người. Tiếp đến là truyền nhân vào cho hệ gen mới của lợn, khi đã có các phôi lợn mới, người ta cấy ghép vào cho lợn mang thai, chờ 3 tháng cho đến khi lợn ra đời. Khi những con lợn chuyển gen phát triển đủ tuổi, đặc biệt có kích thước nội tạng giống như kích thước nội tạng con người thì tiến hành thu hoạch nội tạng, đưa qua khâu xét nghiệm tính tương thích về máu và tương thích miễn dịch.
Khi nào thì dự án nói trên được đưa vào thương phẩm, đặc biệt là “lắp” vào cho cơ thể con người?
Hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch đưa các bộ phận của lợn chuyển gen cho các chuyên gia tim mạch, thận và gan kiểm nghiệm chất lượng. Ngoài ra, dự án còn chuyển bộ phận giác mạc của lợn đến các nước khác như Trung Quốc để nghiên cứu và cấy ghép cho bệnh nhân. Về tiến độ, trong khoảng 10 năm nữa, chúng tôi sẽ tiến hành cấy ghép phổi lợn cho bệnh nhân và hy vọng sẽ thành công bởi thử nghiệm cho thấy mọi thứ diễn ra tốt đẹp.
Được biết ông có bằng tiến sĩ y đức, Dự án Xenotransplantation đang phải đối mặt với những vấn đề gì có liên quan đến đạo đức?
Điều đầu tiên tôi muốn dự án công khai để dư luận hiểu rõ vấn đề và hỗ trợ dự án thành công cũng như nghe các thông tin phản hồi, cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. Chúng tôi không thể làm được bất cứ điều gì kể cả trên động vật lẫn con người nếu không có sự chấp thuận của Ủy ban Đạo đức ở bất kỳ trung tâm y học tại bất kỳ quốc gia nào. Cũng phải nói thêm rằng giống như các lĩnh vực khác, kỹ thuật chuyển gen đang gặp phải những trở ngại cho nên cần có sự hỗ trợ đắc lực của cộng đồng, kể cả việc sửa đổi pháp lý để giúp Dự án Xenotransplantation nói riêng và những dự án tương tự triển khai được “thuận buồm xuôi gió”.
(Theo Popular Machanics, 2013)
NAM BẮC GIANG