Ngày 7/6, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe báo cáo về kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012. Dù có nhiều kết quả tích cực trong xóa đói, giảm nghèo nhưng nhiều ĐB cũng cho rằng việc giảm nghèo đang còn thiếu bền vững.
Đề nghị trích lại 20% phần kết dư quỹ BHYT để tăng cường chất lượng dịch vụ y tế
Theo báo cáo giám sát, ở cấp quốc gia thành tựu giảm nghèo có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gia và quốc tế. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hàng năm, 5 năm cho thấy, giai đoạn 2005-2012 tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 2,3-2,5%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Quốc hội
Về chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe, từ năm 2002, ngân sách nhà nước đã thực hiện hỗ trợ khám chữa bệnh đối với người nghèo thông qua Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Năm 2009, Luật bảo hiểm y tế (BHYT) quy định Nhà nước hỗ trợ mua BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, trong đó hỗ trợ 100% cho người nghèo, 50% cho người cận nghèo. Năm 2012, để khuyến khích cho hộ cận nghèo tham gia BHYT, mức hỗ trợ đóng BHYT được nâng lên 70%, đối với một số đối tượng sống ở địa bàn khó khăn mức hỗ trợ là 100%. Nhìn chung, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo được quan tâm ở tất cả các cấp, công tác quản lý, phương thức chi trả khám, chữa bệnh đã có những cải tiến phù hợp hơn. Chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế cùng với sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng y tế cơ sở, … đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế với sự hỗ trợ của Nhà nước đã tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ, đáp ứng cơ bản mục tiêu đảm bảo an sinh trong chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 7/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chính sách xóa đói giảm nghèo và đầu tư cho y tế, đặc biệt là BHYT là một trong những chính sách rất ưu việt của Đảng và nhà nước ta. Đặc biệt, các chỉ số về xóa đói giảm nghèo của y tế là những chỉ số và mục tiêu thiên niên kỷ mà tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng. Tuy nhiên, như nhiều đại biểu đã phát biểu tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, đặc biệt là thể thấp còi, vấn đề tiếp cận dịch vụ y tế, vấn đề về các tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng nghèo đều cao hơn hẳn so với vùng thành thị và những vùng tỷ lệ hộ nghèo giảm.
Liên quan đến các vấn đề cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, Chính phủ đã có Quyết định 47 để đầu tư cho khoảng hơn 600 bệnh viện huyện trong cả nước. Vì thế đối với bệnh viện tuyến huyện, kể cả vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện khá rõ về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Đối với bệnh viện tỉnh, theo Quyết định 930 nhiều bệnh viện tỉnh ở vùng núi như Lào Cai, Lai Châu, Phú Yên, nhiều tỉnh nữa đã khánh thành những bệnh viện rất khang trang và cơ sở vật chất, thu hút được cán bộ. Tuy nhiên, đối với trạm y tế xã đây là vấn đề như các đại biểu đã nói, Chính phủ đã có Quyết định 950 từ năm 2007 nhưng từ đó đến nay cũng chưa tìm được nguồn, kể cả ngân sách lẫn trái phiếu đầu tư, cho nên nhiều trạm y tế xuống cấp, nhiều trạm y tế gần như hư hỏng nặng. Hiện ngành y tế đang tìm các nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hai là các tổ chức quốc tế viện trợ không hoàn lại
Về nhân lực, những tỉnh vùng núi, vùng sâu vùng xa, việc tuyển bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ giỏi rất khó, nhiều trạm y tế xã không có bác sỹ về làm việc. Để giải quyết vấn đề này, ngành y tế đã tăng chỉ tiêu đào tạo về các loại hình cho miền núi như cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ và đào tạo chính quy, kết quả là từ năm 2013-2014 trở đi, tỷ lệ bác sỹ ra trường và dược sỹ hàng năm sẽ tăng gần gấp đôi những năm trước. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành một thông tư để thực hiện Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ là nghĩa vụ luân phiên, các bác sỹ tuyến trên từ trung ương, tỉnh, huyện sẽ có nghĩa vụ mỗi năm một lần, đặc biệt là các bác sỹ giỏi. Cùng đó, ngành y tế đã triển khai đề án thí điểm đưa bác sỹ giỏi, đào tạo chuyên khoa xung phong về 63 huyện nghèo, cũng như biển đảo.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị trong Luật BHYT lần này Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho đề nghị của Ban soạn thảo về phần kết dư, tức là phần Quỹ BHYT chưa dùng đến thì trích lại 20% để cho các địa phương, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế cao, hộ nghèo lại nhiều, cho nên tỷ lệ tham gia nhiều trên kết dư còn nhiều thì trích lại 20% để họ tăng cường thêm dịch vụ chất lượng y tế, đặc biệt ở tuyến trạm y tế xã.
Đại biểu Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư phát triển tại Quốc hội.
Cần có sự phân loại các đối tượng, tránh tình trạng lười lao động, không muốn thoát nghèo
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam đã được khẳng định qua kết quả của các chỉ tiêu KT - XH, được cộng đồng quốc tế đánh giá và ghi nhận trên tất cả các khía cạnh và tiêu chí. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã bước sang giai đoạn mới, chuyển từ diện rộng trong phạm vi cả nước sang tập trung ở một số vùng miền núi, vùng ĐBKK, trong một số nhóm dân cư; chính sách giảm nghèo đã hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo và chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng cho thấy còn nhiều tồn tại trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Đó là tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn. Đến năm 2012, chỉ có 3 vùng tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%, đó là Đông Nam Bộ (1,27%), Đồng bằng sông Hồng (4,89%) và Đồng bằng sông Cửu Long (9,24%); các vùng có tỷ lệ nghèo cao là miền núi Tây Bắc (28,55%), miền núi Đông Bắc (17,39%) và Tây Nguyên (15%); có 1/5 số tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo ở mức trên 20%. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo cao trong đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 50% trong tỷ lệ nghèo chung cả nước ) là khó khăn, thách thức trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới, hầu hết các huyện 30a là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Ngô Thị Minh ( Quảng Ninh) phát biểu tại Quốc hội.
Thảo luận ở hội trường về giải pháp để cho người nghèo thoát nghèo bền vững, các ĐB Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đều cho rằng cần có sự phân loại các hộ nghèo, cận nghèo để từ đó chính sách hỗ trợ cho từng loại đối tượng, tránh tình trạng những đối tượng đang hưởng hỗ trợ lười lao động, không muốn thoát nghèo vì sợ mất trợ cấp. Đồng tình với quan điểm của các đại biểu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ, trong hỗ trợ người nghèo vừa qua có thực tế là ai nghèo cũng được hỗ trợ. Điều này đã làm cho hiệu quả của việc giảm nghèo thậm chí phản tác dụng, khuyến khích người nghèo lười lao động. Theo ông Vinh, việc hỗ trợ giúp đỡ người nghèo là việc làm nhân đạo nhưng phải tạo ra động cơ, động lực để người nghèo thoát nghèo. Bên cạnh đó cũng cần thay đổi tiêu chuẩn hộ nghèo (hiện thành thị là 500.000 đồng/người/tháng và nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng) vì thực tế tiêu chí này chưa thay đổi nên dù số người nghèo giảm nhưng nhiều nơi, nhiều người xin ở lại làm hộ nghèo vì dù thoát nghèo nhưng thực tế thu nhập không đủ sống. Cùng với đó là tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên.
Ngoài ra, các đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp để họ đầu tư vào khu vực nông thôn. Bởi thực tế, doanh nghiệp ngại đầu tư vào lĩnh vực này do rủi ro cao, lợi nhuận thấp.
Văn Hậu – Anh Tuấn