Thành tựu 25 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng - Một minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về Y tế dự phòng

18-12-2012 12:25 | Tin nóng y tế

Thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về Y học dự phòng tích cực, chủ động và những cam kết quốc tế về quyền trẻ em, trong thời gian qua,

(SKDS) - Thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về Y học dự phòng tích cực, chủ động và những cam kết quốc tế về quyền trẻ em, trong thời gian qua, ngành y tế Việt Nam đã được đầu tư nguồn lực cho công tác Y tế dự phòng, đặc biệt là cho các hoạt động bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tiêu biểu cho những nỗ lực đó là việc triển khai thành công Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam.

Ngày 05/12/1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị số 373/CT giao nhiệm vụ cho ngành y tế tổ chức triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc. Sau hơn 25 năm thực hiện Chương trình này, ngành y tế đã hoàn thành xuất sắc những mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình tiêm chủng mở rộng và đã thực hiện đầy đủ các mục tiêu cam kết quốc tế về tiêm chủng mở rộng.
 
Dịch vụ tiêm chủng đã đến được với mọi gia đình, mọi dân tộc, mọi vùng miền trong cả nước, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo công bằng trong thụ hưởng các dịch vụ y tế của trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung. Việc mở rộng diện bao phủ trên toàn quốc và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng chẳng những đã bảo vệ được cho hàng trăm triệu lượt trẻ em khỏi bị mắc bệnh, hàng trăm nghìn trẻ em tránh khỏi tử vong hoặc tàn phế bởi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao thể chất của người Việt Nam, nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định xã hội.
 
Thành tựu 25 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng - Một minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về Y tế dự phòng  1
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là điểm sáng về tiêm chủng mở rộng trong các nước đang phát triển. Đây là minh chứng rõ nét về chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cho công tác y tế dự phòng, về tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe và thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hoạt động tiêm chủng mở rộng đã được triển khai ở 100% xã, phường trong cả nước, ngay cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đã thực hiện tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai 11 loại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, bệnh do haemophilus influenzae týp B.
 
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi và tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai liên tục được duy trì ở mức cao trên 90% qua nhiều năm. Việt Nam đã thực hiện thành công cam kết với cộng đồng quốc tế như: thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, hiện đang tiến gần đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi và khống chế bệnh viêm gan B. Nhằm bảo đảm nguồn vắc-xin phục vụ chương trình, Việt Nam đã tự sản xuất được 10 trong số 11 loại vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng có được thành quả nêu trên là nhờ sự quan tâm và đầu tư của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban ngành, đoàn thể xã hội với ngành y tế, sự hưởng ứng và tích cực tham gia của các bậc cha mẹ và toàn cộng đồng trong các hoạt động tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Chính phủ các nước, đặc biệt là Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Luxembourg và của các tổ chức quốc tế như Tổ chức liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA)...

Một trong những nhân tố quyết định sự thành công của Chương trình là những cống hiến quên mình của đội ngũ cán bộ Y tế dự phòng. Sự hy sinh thầm lặng, bền bỉ của các chiến sĩ áo trắng trên mọi miền của Tổ quốc, sự không quản ngại khó khăn, ngày đêm kiên trì triển khai các hoạt động phòng bệnh cho người dân của cán bộ y tế cơ sở ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo đã góp phần tạo nên những thành tựu của hoạt động tiêm chủng mở rộng. Chương trình cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của lực lượng quân dân y và bộ đội Biên phòng. Những cống hiến này chính là nền tảng đảm bảo cho sự thành công của Chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.

Thành tựu 25 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng - Một minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về Y tế dự phòng  2
 Di chuyển tủ lạnh bảo quản vắc-xin tại Trung tâm YTDP tỉnh Quảng Trị sau bão lụt.
Thành quả đạt được về tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam là rất lớn, nhưng thực tế vẫn còn không ít tồn tại và thách thức. Vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường, sự gia tăng dân số, quá tải ở bệnh viện, biến đổi khí hậu toàn cầu, một số căn bệnh mới bùng phát và một số căn bệnh tái xuất hiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng… đang đặt ra những thách thức mới cho hoạt động y tế dự phòng. Bên cạnh đó, sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn - thành thị, miền núi - đồng bằng, giao thông khó khăn ở thôn bản vùng sâu, vùng xa… đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ tiêm chủng của phụ nữ có thai và trẻ em.
 
Việc giữ vững những thành quả đạt được về thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh hiện còn gặp nhiều khó khăn khi bệnh bại liệt chưa được thanh toán trên phạm vi toàn cầu, nhiều loại vắc-xin phòng chống các bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em chưa được triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng: như bệnh Rubella, bệnh tiêu chảy do Rota, viêm phổi do phế cầu... Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân nên các hoạt động nhằm giữ vững diện bao phủ và bảo đảm chất lượng tiêm chủng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong 25 năm thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động và thực hiện các mục tiêu như:

Thành tựu 25 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng - Một minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về Y tế dự phòng  3
 Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vắc-xin.

1. Đặt công tác tiêm chủng mở rộng là một trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc vận động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức trong nước và nước ngoài, cộng đồng và người dân đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng.

2. Xây dựng lộ trình bảo đảm tính bền vững của Chương trình từ nguồn ngân sách Nhà nước và địa phương cũng như từ chính sự đóng góp của người dân để tạo nguồn kinh phí ổn định cho Chương trình trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế có xu hướng giảm dần. Đảm bảo trẻ em và phụ nữ có thai được tiêm chủng đầy đủ các vắc-xin có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

3. Tiếp tục bảo vệ thành quả đã đạt được trong thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; tiến tới mục tiêu loại trừ sởi và hạ thấp tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B xuống dưới 1% ở trẻ em dưới 5 tuổi trong những năm tới. Bảo đảm duy trì thường xuyên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 90% trên quy mô huyện. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch tễ và năng lực các phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc gia.

Thành tựu 25 năm Chương trình tiêm chủng mở rộng - Một minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về Y tế dự phòng  4
 Tiêm nhắc vắc-xin cho trẻ em miền núi.

4. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục làm cho mỗi địa phương, mỗi gia đình, mỗi người dân coi tiêm chủng là một phần công việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của con em mình.

5. Xây dựng kế hoạch và lộ trình để nâng cao và giữ vững tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cũng như bảo đảm chất lượng tiêm chủng cho đối tượng ở miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có nhiều dân di biến động. Coi đây là một trong những biện pháp hàng đầu giữ vững thành quả tiêm chủng mở rộng và đảm bảo công bằng trong thụ hưởng dịch vụ tiêm chủng của người dân.

6. Đầu tư sản xuất vắc-xin trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng vắc-xin đầy đủ và có chất lượng, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em Việt Nam được thụ hưởng những vắc-xin mới, vắc-xin phối hợp, các vắc-xin thuộc thế hệ tiên tiến.

7. Tiếp tục tăng cường và đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế; tìm tòi những phương thức hợp tác mới nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Với những thành công trong 25 năm qua và những định hướng trong thời gian tới, chúng ta tin tưởng rằng Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tựu mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe trẻ em, tạo dựng những thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe mạnh trong tương lai, góp phần thực hiện thắng lợi Mục tiêu thiên niên kỷ.

TTND. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến
- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế

Ý kiến của bạn