Tròn một tháng trước, tỉnh Cao Bằng ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên sau 4 đợt dịch bùng phát tại nước ta. Với việc hiểu về dịch bệnh và kinh nghiệm điều trị của các đoàn đi hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh phía Nam đã giúp Cao Bằng giữ được thế trận phòng chống dịch hiệu quả.
Ca mắc đầu tiên trong cộng đồng ở Cao Bằng bùng phát tại xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm khi người mắc COVID-19 xuất hiện tại đám tang khiến nhiều người tham dự đám tang bị lây nhiễm.
Ca F0 này có lịch sử di chuyển phức tạp, thường xuyên di chuyển đi về giữa tỉnh Hà Giang (vùng đang có dịch) và khu vực Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng).
Sau khi khống chế được ổ dịch tại huyện Bảo Lâm, đến cuối tháng 11/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng công bố phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Các trường hợp này đều có lịch trình di chuyển rất phức tạp với nhiều địa điểm đông người như quán ăn, karaoke, chợ, trường học với hơn 100 người thuộc diện F1, F2. Thành phố Cao Bằng và huyện Thạch An nhanh chóng cho học sinh nghỉ học và tập trung truy vết. Tình hình trở nên phức tạp khi nhiều học sinh thuộc diện F1 chuyển thành F0.
Với hệ thống y tế còn nhiều thiếu thốn và năng lực xét nghiệm còn hạn chế, lực lượng y tế tỉnh Cao Bằng căng mình làm việc liên tục cả ngày, cả đêm. Quy trình lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện khẩn trương khi địa bàn có dịch nằm ở xa trung tâm thành phố. Mỗi lần lấy mẫu tại huyện Bảo Lâm, các mẫu được chuyển ra thành phố cách đó khoảng 80km để chạy kết quả.
Là tỉnh cuối cùng của cả nước bị dịch bệnh xâm nhập, tuy nhiên Cao Bằng thừa hưởng nhiều bài học kinh nghiệm chống dịch trước đó của các tỉnh. Đặc biệt, với ba đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng đi hỗ trợ TP.HCM chống dịch trong thời điểm căng thẳng nhất đã "đào tạo" được những nhân viên y tế có kinh nghiệm thực tế để ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới.
Mặc dù ghi nhận số ca nhiễm tăng cao trong một khoảng thời gian ngắn (thống kê đến tối 5/12 là 195 F0) tuy nhiên đến nay Cao Bằng chưa ghi nhận trường hợp F0 nào chuyển biến nặng. Đa phần là triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đây là một trong những lý do để tỉnh Cao Bằng thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại nhà và đang mang lại nhiều hiệu quả đáng ghi nhận.
Sau khi tham khảo mô hình điều trị F0 không triệu chứng tại nhà ở tỉnh Hà Giang – nơi có điều kiện khí hậu, hạ tầng y tế tương đồng; đặt trong bối cảnh lượng vaccine đã bao phủ đạt tỉ lệ cao và đội ngũ y tế có kinh nghiệm điều trị khi đi chi viện miền Nam; tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nặng gần như không có là các lý do khiến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Cao Bằng đưa ra quyết định điều trị tại nhà.
Ngoài ra, việc điều trị F0 không triệu chứng tại nhà đã góp phần giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung tại tuyến xã và các bệnh viện. Các bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng như vậy sẽ giảm tải cho cơ sở y tế, đồng thời đảm bảo nhân lực y tế để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Việt Nam tăng cường kiểm soát dịch tễ, nhiều quốc gia nỗ lực tìm cách ứng phó với biến thể Omicron