Hệ thống Thanh tra Y tế phát triển cả 'lượng và chất'
Hôm nay 5/9, hội trường tầng 3, nhà B của Bộ Y tế rất đông các thế hệ cán bộ thanh tra y tế tay bắt mặt mừng, vui cười gặp nhau, bởi ngày này ghi một dấu mốc quan trọng của hệ thống Thanh tra Y tế Việt Nam đó là lễ kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển Thanh tra Y tế.
60 năm - một chặng đường đầy vinh quang, tự hào nhưng cũng có không ít khó khăn, thử thách với chuyên ngành Thanh tra Y tế và cả những cán bộ đã dành cả thanh xuân, tâm huyết gắn bó với nghề - nghiệp thanh tra.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm. Cùng dự ngày vui của Thanh tra Y tế, có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyên Tri Thức; các đồng chí lãnh đạo nhiều Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện, Trường, các Trung tâm và Báo Sức khoẻ và Đời sống; Sở Y tế các tỉnh, thành phố...; Đại diện Thanh tra Chính phủ.
Trong lời mở đẩu của cuốn kỷ yếu đặc biệt, ấn phẩm kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển Thanh tra Y tế, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã viết: Thanh tra là một trong những chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước nhằm làm tốt công tác quản lý, giúp cho việc thực thi pháp luật được tiến hành một cách có hiệu quả.
Chính vì vậy, ngay từ những năm đầu sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, ngành Y tế được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Bộ Y tế đã luôn coi trọng công tác thanh tra, quan tâm bố trí cán bộ làm công tác khiếu tố nhằm giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ôn lại truyền thống của Thanh tra Y tế, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Mạnh Cường cho biết, 60 năm trước, năm 1964 - Ban Thanh tra thuộc Bộ Y tế được thành lập. Ngay từ những ngày đầu đó, Bộ Y tế đã quan tâm chỉ đạo, tăng cường lực lượng và tạo điều kiện về cơ sở vật chất để Ban Thanh tra làm việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Đến năm 1991, Thanh tra Nhà nước về y tế từ Trung ương đến địa phương lần lượt được thành lập, hình thành hệ thống Thanh tra Nhà nước về y tế, được gọi tắt là Thanh tra Y tế, bao gồm Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo Chánh Thanh tra Nguyễn Mạnh Cường, sau 60 năm kể từ khi tổ chức thanh tra đầu tiên trong ngành Y tế được thành lập (Ban Thanh tra thuộc Bộ Y tế 1964) và sau 33 năm hình thành hệ thống Thanh tra Nhà nước về y tế (Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra Sở Y tế 1991), Thanh tra Y tế đã có những bước phát triển, không chỉ có cán bộ làm công tác thanh tra tại Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Y tế mà còn có thêm lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành.
Lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra y tế không ngừng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có tổ chức Thanh tra thuộc Sở Y tế. Biên chế hiện tại của Thanh tra Bộ là 38 với nhiều công chức có trình độ tiến sỹ, cử nhân chính trị. Tại Thanh tra Sở Y tế các địa phương có gần 300 cán bộ, trong đó 100% là cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, có trên 60% tổng số cán bộ có trình độ sau đại học và 2 bằng đại học trở lên.
Bên cạnh đó, các thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành trong ngành Y tế không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; phương thức hoạt động thanh tra y tế không ngừng được đổi mới, đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về y tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nỗ lực cống hiến, khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của Thanh tra Y tế
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt nhấn mạnh: Thanh tra chỉ có thể đảm đương được chức năng, nhiệm vụ được giao khi "cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì soi không được". Bác đã căn dặn "Cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt thì đó mới là tiền đồ vẻ vang, là xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và Chính phủ".
Học tập và làm theo lời huấn thị của Bác, Thanh tra Y tế trong 60 năm qua đã không ngừng phát triển, trưởng thành, qua từng thời kỳ đã hoàn thành trọng trách của mình; vinh dự được Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ tăng thưởng nhiều phần thưởng ghi nhận nỗ lực, cống hiến của ngành, trong đó Huân chương Lao động Hạng Nhất là phần thưởng cao quý và rất đỗi tự hào…
Thanh tra ngành Y tế đã chủ động tham mưu, giúp làm tốt công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra y tế, tiếp công dân; xử lý đơn thư; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng kế hoạch thanh tra và triển khai đầy đủ theo kế hoạch góp phần hoàn thành công tác quản lý nhà nước của ngành y tế.
Các cuộc thanh tra được thực hiện tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về thanh tra, bám sát những vấn đề nổi cộm của ngành y tế được quan tâm. Hoạt động của Thanh tra Bộ đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhà nước thuộc ngành y tế và các lĩnh vực liên quan khác được bổ sung, từng bước hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra và xử lý vi phạm.
Trong thời gian qua, Thanh tra y tế đã tham mưu Bộ Y tế xây dựng trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra y tế và các quy trình thanh tra theo từng lĩnh vực; tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hệ thống tổ chức, công tác cán bộ và hoạt động của Thanh tra y tế trong cả nước; đồng thời là công cụ pháp lý quan trọng phục vụ công tác thanh tra, xử lý các vi phạm, góp phần làm tốt công tác quản lý nhà nước về y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các cán bộ làm công tác Thanh tra Y tế.
Thực hiện quyền thanh tra theo quy định của pháp luật, hàng năm, Thanh tra Y tế cả nước đã tổ chức các đợt thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về y tế dự phòng, khám chữa bệnh, dược, an toàn thực phẩm, hành nghề y, dược cả công lập và ngoài công lập của các cơ quan, tổ chức và cá nhân …Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các Đoàn đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế trong công tác quản lý và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.
Từ thực tiễn hoạt động của ngành y tế cho thấy, Thanh tra Y tế đã có những đóng góp quan trọng, giúp Bộ Y tế làm tốt công tác quản lý nhà nước về y tế; chủ động tham mưu công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, xác minh tài sản, thu nhập…
Công tác thanh tra y tế từ chỗ thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách và xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo là chủ yếu, đến nay đã mở rộng bao gồm cả thanh tra chuyên ngành và thực hiện thanh tra có kế hoạch, mang tính chủ động, dự phòng; chất lượng các cuộc thanh tra được nâng lên, hiệu lực và hiệu quả thanh tra được tăng cường, góp phần làm tốt công tác quản lý nhà nước về y tế bằng pháp luật và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới…
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong thời gian qua ngành y tế cả nước đã tiếp nhận, giải quyết hàng chục nghìn lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Các đơn thư thuộc thẩm quyền đều được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, mang lại lòng tin cho nhân dân. Đồng thời, Thanh tra y tế cả nước đã tham mưu Lãnh đạo ngành Y tế tiếp hàng ngàn lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo các vấn đề liên quan đến công tác quản lý của ngành…
6 yêu cầu để công tác Thanh tra Y tế ngày càng hiệu quả
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế biểu dương những thành tích xuất sắc mà thanh tra y tế đã đạt được trong thời gian qua.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề nghị thanh tra ngành y tế tiếp tục phát huy kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian qua, khẳng định vai trò, nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.
Theo đó, trước hết, Thanh tra Y tế cần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra đến kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra và công bố Kết luận thanh tra theo quy định pháp luật; nhất là yêu cầu về tiến độ và chất lượng của cuộc thanh tra; không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, công chức không được làm; góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật.
Quá trình thanh tra, phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách để kiến nghị, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về y tế, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho xã hội và cán bộ, nhân viên y tế.
Ba là, kiện toàn hệ thống tổ chức, tăng cường lực lượng thanh tra y tế từ Trung ương đến địa phương.
Bốn là, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra trong lĩnh vực y tế.
Năm là, tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí cho công tác thanh tra, tăng cường năng lực, bao gồm cả con người và cơ sở vật chất cho các cơ quan chuyên môn có liên quan phục vụ công tác thanh tra.
Sáu là, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kết hợp chặt chẽ, không để chồng chéo giữa công tác thanh tra các cấp, các ngành và thanh tra với kiểm toán.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong giai đoạn sắp tới, cùng với định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Y tế cần tập trung xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện đầy đủ các nội dung theo tinh thần nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các vấn đề mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong ngành y tế.
Xây dựng kế hoạch thanh tra tránh chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, hay vi phạm; tổ chức các đoàn thanh tra chuyên đề trên diện rộng để phát hiện các sơ hở, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách pháp luật, để kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung; tích cực thực hiện phương châm phòng ngừa, hạn chế các sai phạm, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường tham mưu về công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong lĩnh vực y tế...
Có thể nói, thành tựu trong chặng đường lịch sử 60 năm xây dựng, phát triển của Thanh tra Y tế là nền tảng, là hành trang trong thời gian tới. Nhưng những khó khăn, trở ngại phía trước còn nhiều, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng đang là thử thách lớn lao đối với ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra Y tế nói riêng, đòi hỏi toàn hệ thống Thanh tra Y tế cần phải vững vàng, tự tin, bản lĩnh, quyết tâm hơn, có phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện khoa học, khách quan, đúng pháp luật… quyết tâm đổi mới và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…