Thanh tra sẽ tập trung điểm “nóng” về quảng cáo thuốc, mỹ viện, thực phẩm chức năng

05-02-2018 08:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong năm 2017, Thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành 45 đoàn thanh, kiểm tra và tham gia 15 đoàn thanh, kiểm tra các sở ngành khác trong đó bao gồm các đoàn thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm, quản lý công tác quản xử lý chất thải y tế, khám chữa bệnh, thanh tra dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.

Các thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 Thanh tra Bộ Y tế, triển khai công tác thanh tra y tế năm 2018 được tổ chức tại Bình Dương mới đây. Đặc biệt, trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã triển khai 8 đoàn thanh tra, trong đó có 1 đoàn thanh tra đột xuất. Theo đó, 16 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số 400 triệu đồng đã được ban hành.

Còn tại các địa phương, theo báo cáo của các Sở Y tế tỉnh, thành phố đã thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực dược đối với tổng số 15.307 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, trong đó có 4.508 cơ sở vi phạm, đã xử lý vi phạm hành chính 1.551 cơ sở, với hình thức cảnh cáo 197 cơ sở, đình chỉ hoạt động 212 cơ sở, tước giấy phép hoạt động 16 cơ sở, tước quyền sử dụng 12 chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn 2 tháng, đình chỉ 12 nhà thuốc hoạt động không phép.

Thanh tra sẽ tập trung điểm “nóng” về quảng cáo thuốc, mỹ viện, thực phẩm chức năngThứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra an toàn thực phẩm những ngày cận Tết tại TP.HCM.

Đồng thời, các địa phương đã tiêu hủy 1.200kg thuốc không còn nguyên bao bì nhãn mác và mỹ phẩm, 3.143 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm chưa có số công bố của 5 cơ sở trị giá gần 240 triệu đồng; 3.210 hộp thuốc Đông y Thần Khúc, 36 khoản thuốc hết hạn sử dụng, 16 khoản thuốc phi mậu dịch và 2.823 lít cồn thành phẩm được đóng trong các lọ có thể tích 50ml, 100ml, 500ml trị giá hơn 128 triệu đồng của Công ty Cổ phần Quốc tế Đại Lợi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế TS. Trương Quốc Cường, trong năm 2018, thanh kiểm tra của Bộ Y tế tập trung vào những điểm nóng như quảng cáo thuốc, quảng cáo mỹ phẩm quảng cáo mỹ viện, quảng cáo thực phẩm chức năng… quá phạm vi cho phép. Trong thời gian qua, nhiều người dân thay vì dành thời gian đi khám chữa bệnh, lại đi mua các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như hỗ trợ điều trị ung thư hoặc có khả năng chữa được bệnh này bệnh nọ. Kết quả cuối cùng, tiền mất và mất luôn cơ hội chữa bệnh ở những giai đoạn sớm. “Nguy hiểm nhất là đưa ra những khuyến cáo, công dụng không đúng, quảng cáo sai sự thật, không đúng đối tượng. Đưa ra những sản phẩm điều trị cho cả trẻ em, người già và phụ nữ có thai”, TS. Quốc Cường khuyến cáo.


Bài, ảnh: An Quý
Ý kiến của bạn