Thanh tra, kiểm tra điện tử: Phương thức mới ngăn chặn trục lợi BHXH, BHYT

11-05-2022 08:02 | Thời sự

SKĐS - Theo ông Lò Quân Hiệp, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam): Thanh tra, kiểm tra điện tử đang là một trong những phương thức mới giúp giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo BHXH, BHYT.

TTKT điện tử giúp phát hiện nhiều sai sót, vi phạm về BHXH, BHYT 

Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 diễn biến hết sức phức tạp, tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra, kiểm tra (TTKT), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã thay đổi cách thức tổ chức triển khai các đoàn TTKT, tiếp tục tăng cường cải tiến phương pháp TTKT, tăng tỷ trọng thời gian tự rà soát, phân tích dữ liệu và cắt giảm tối thiểu thời gian làm việc trực tiếp với đối tượng TTKT là doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

Thông tin về các kết quả khi áp dụng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử, ông Lò Quân Hiệp, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) cho biết, trước tiên, phương thức này giúp công tác TTKT được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; Tổ chức rà soát, phân tích dữ liệu ở giai đoạn trước khi làm việc trực tiếp với đối tượng TTKT đã giúp đoàn đánh giá, khoanh vùng, lựa chọn mẫu cần kiểm tra thực tế; nâng cao khả năng phát hiện, nhận diện dấu hiệu sai sót, vi phạm một cách toàn diện giúp nâng cao chất lượng và kết quả TTKT.

Thanh tra, kiểm tra điện tử: Phương thức mới ngăn chặn trục lợi BHXH, BHYT
 - Ảnh 1.

Ông Lò Quân Hiệp, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam)

Đồng thời qua phân tích dữ liệu cũng có thể phát hiện kẽ hở trong quản lý hoặc các hạn chế trong thực hiện các quy trình nghiệp vụ của cơ quan BHXH.

Tiếp đó, với khả năng rà soát, phân tích dữ liệu lớn, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp các đoàn TTKT kiểm tra được 100% hồ sơ nghiệp vụ (kể cả đối với các doanh nghiệp có hàng ngàn lao động hoặc cơ sở y tế có hàng triệu lượt KCB bảo hiểm y tế (BHYT), so với phương pháp TTKT truyền thống trước đây chỉ kiểm tra xác suất được một số hồ sơ nhất định do bị giới hạn về thời gian.

Đồng thời, TTKT điện tử giúp phát hiện nhiều sai sót, vi phạm mà trước đây rất khó phát hiện hoặc không thể phát hiện bằng phương pháp truyền thống như: dùng thẻ BHYT cùng lúc khám bệnh ngoại trú ở nhiều cơ sở y tế; sử dụng 1 thẻ BHYT thanh toán chi phí KCB với tần suất lớn (có trường hợp thanh toán đến 27 lần/tháng);

Thanh toán BHYT sau khi người có thẻ đã chết; cơ sở y tế thu trùng của người bệnh BHYT khoản chi phí đã được cơ quan BHXH thanh toán; nhân viên y tế hành nghề trùng thời gian tại nhiều cơ sở KCB.

Việc TTKT điện tử cũng giúp các Đoàn TTKT tăng năng suất công việc, nâng cao chất lượng, kết quả TTKT nhưng đã rút ngắn thời gian đáng kể, trong đó có rút ngắn thời gian làm việc của Đoàn TTKT và rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị, hạn chế tối thiểu thời gian đối tượng TTKT phải dành để làm việc với Đoàn, đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được TTKT.

Việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động TTKT và thay đổi phương pháp TTKT là một tất yếu khách quan

Theo BHXH Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và áp dụng linh hoạt cách thức tổ chức tiến hành trong hoạt động TTKT đã giảm thiểu việc thanh tra trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, không vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID -19 nhưng vẫn đem lại hiệu quả; kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT.

Kết quả cụ thể: năm 2021 do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã rà soát trên cơ sở dữ liệu ngành đang quản lý của 5 BHXH tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Hải Phòng, Kiên Giang, Ninh Bình, Nam Định) với 22 đơn vị có dấu hiệu vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BTTN. Kết quả khắc phục số nợ của các đơn vị tính đến ngày 31/12/2021 là 28/42 tỉ đồng, đạt gần 70%.

Thanh tra, kiểm tra điện tử: Phương thức mới ngăn chặn trục lợi BHXH, BHYT
 - Ảnh 2.

BHXH Việt Nam tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý rủi ro, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cho rằng, việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động TTKT và thay đổi phương pháp TTKT là một tất yếu khách quan. Vì thế, để thực hiện tốt vấn đề này, cần: tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của Ngành theo hướng dữ liệu tập trung toàn quốc và có sự đồng bộ, liên kết giữa các cơ sở dữ liệu thu, chi, hưởng chế độ để đáp ứng được yêu cầu về thời gian, hiệu suất khai thác; có sự liên thông dữ liệu với các ngành hữu quan và có quy chế phối hợp trong khai thác, sử dụng dữ liệu.

Ngoài ra, phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ như: đường truyền Internet, thiết bị mạng, máy tính, thiết bị lưu trữ và các phần mềm, giải pháp an ninh, bảo mật… để việc ứng dụng CNTT trong hoạt động TTKT được kịp thời, an toàn, hiệu quả; hoàn thiện Phần mềm "Dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT"; sửa đổi pháp luật thanh tra cho phù hợp với tình hình mới về chuyển đổi số, cụ thể: xác định giá trị pháp lý "dữ liệu" của các đơn vị như là một báo cáo quyết toán và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ là dữ liệu trong hoạt động TTKT.

Tăng cường thanh tra việc dự toán, quyết toán chi phí quản lý BHXHTăng cường thanh tra việc dự toán, quyết toán chi phí quản lý BHXH

SKĐS - Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện dự toán, quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện.


Thái Bình
Ý kiến của bạn