Hà Nội

Thanh tra cổ phần hóa tại VNPT: Kiến nghị thu hồi gần 100 tỷ đồng

24-11-2009 10:39 | Thời sự
google news

Hơn 89,1 tỷ đồng sau cổ phần hóa (CPH) tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) và 4 đơn vị thành viên đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị phải thu hồi sau khi kết thúc thanh tra CPH tại các đơn vị trên.

Hơn 89,1 tỷ đồng sau cổ phần hóa (CPH) tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) và 4 đơn vị thành viên gồm Nhà máy Thiết bị bưu điện, Công ty Xây dựng bưu điện, Công ty Vật tư bưu điện và Công ty Công trình bưu điện đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị phải thu hồi sau khi kết thúc thanh tra CPH tại các đơn vị trên.

Chậm cổ phần hóa

Tại thời  điểm thanh tra, trong số 39 DN đã hoàn thành CPH thì VNPT vẫn chưa thu hồi 43,8 tỷ đồng giá trị vốn nhà nước còn lại của 12 DN đã cổ phần và hơn 17,5 tỷ đồng cổ tức mà phần vốn nhà nước được hưởng của 21 đơn vị. Theo quy định, các khoản chậm nộp này phải tính thêm lãi suất tương đương với lãi suất vay NHTM. Theo tính toán của TTCP, tính đến 17/8/2009, số tiền lãi do chậm nộp cổ tức tới hơn 6 tỷ đồng.

Một gian hàng VNPT trong hội chợ công nghệ.

Cũng theo TTCP, tính đến hết năm 2005, Thủ tướng đã quyết định phê  duyệt 42 DNNN và bộ phận DNNN thuộc VNPT thực hiện CPH. Tuy nhiên, đến tháng 8/2009 mới có 39 DN hoạt  động theo mô hình công ty cổ phần. Còn 3 DN có  số vốn nhà nước tương đối lớn, mặc dù Thủ tướng đã giao CPH từ năm 2005 nhưng hiện vẫn đang trong quá trình triển khai. Trong đó, Công ty In tem do chưa xử lý xong các sai phạm trong việc quản lý tài chính của giám đốc DN khiến Tổng công ty Bưu chính VN phải đề nghị Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ xử lý nên chưa thể hoàn thành CPH. Với giá trị vốn nhà nước lên tới hơn 10.492 tỷ đồng, Công ty Thông tin di động còn đang chờ kết luận về phương pháp tính giá trị DN. Công ty TNHH một thành viên cáp quang FOCAL (giá trị vốn nhà nước 118,9 tỷ đồng) bị chậm do đội ngũ cán bộ quản lý của công ty từ liên doanh chuyển sang chưa theo kịp mô hình quản lý của công ty TNHH một thành viên nên chưa xử lý được công nợ với các đối tác để xác định giá trị DN.

Sai phạm và nợ đọng

Sai phạm phổ biến trong quá trình CPH như quản lý sử dụng đất đai, xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị lợi thế kinh doanh vào giá trị DN không đúng quy định... không phải là ngoại lệ ở VNPT. Chẳng hạn, khi CPH Nhà máy Thiết bị bưu điện, việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh vào giá trị DN thiếu tới hơn 3 tỷ đồng và xác định thiếu giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần hơn 1 tỷ đồng. Công ty Vật tư bưu điện 1 thì vẫn chưa nộp cổ tức của phần vốn và khoản lãi chậm nộp về VNPT tới hơn 4,6 tỷ đồng...

Theo TTCP, tại thời điểm xác định giá trị DN, các đơn vị thành viên của VNPT quản lý sử dụng hơn 343.981m2. Sai phạm rõ nhất là Công ty Cổ phần phát triển công trình viễn thông. DN này đã góp vào liên doanh với Công ty Cổ phần viễn thông Thăng Long tài sản là nhà cửa trên 3.940m2 đất tại Dương Nội (Hoài Đức, Hà Nội), hàng năm không nộp tiền thuê đất.

Còn Công ty Công trình bưu điện cũng đã được HUD chuyển nhượng 2.276m2 đất tại Khu đô thị Định Công để xây dựng trụ sở với giá 1,7 triệu đồng/m2. TTCP khẳng định, việc áp dụng giá thỏa thuận này là chưa có căn cứ. Ngoài ra, suốt từ năm 1998 đến nay, công ty cũng không làm thủ tục thuê đất diện tích nói trên.  

Việc sử dụng đất cũng chưa đúng quy định và có liên quan đến một số thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện chủ trương, mục đích đầu tư của Dự án đầu tư khu xây dựng tập trung Định Công (rộng 350.000m2). Để xác định đúng giá trị DN của Công ty Công trình bưu điện, TTCP kiến nghị tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật, quản lý sử dụng đất đai tại dự án Định Công do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD, Bộ Xây dựng) HUD làm chủ đầu tư.

Ngọc Anh


Ý kiến của bạn