Hà Nội

Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Ngăn chặn thực phẩm “bẩn” từ cơ sở

07-12-2018 07:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 47/2018/QĐ-TTg về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại các huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, TP của 9 tỉnh, TP.

Trước đó, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý ATTP của chính quyền địa phương.

Những chuyển biến tích cực về ATTP tại các địa bàn thí điểm

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, đã có tổng số 232 người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường (mỗi thành phố 5 quận, huyện và 10 xã, phường). Sau hơn 3 năm triển khai đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về công tác ATTP tại các địa bàn thí điểm.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho rằng, việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP đã giúp cho việc xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, số tiền xử phạt tăng, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm. Đặc biệt, ở các quận, huyện, xã, phường thí điểm thanh tra chuyên ngành, nhận thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, của người tiêu dùng cũng được nâng lên rõ rệt, có tác dụng lan tỏa đến các địa phương khác.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác ATTP  TP. Hà Nội, 10 tháng năm 2018, trên địa bàn thành phố đã thực hiện 938 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm ATTP, trong đó, có 745 đoàn liên ngành, 193 đoàn kiểm tra chuyên ngành của nông nghiệp, công thương, y tế. Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 102.098 lượt cơ sở, qua đó phát hiện lập biên bản, xử phạt 6.810 cơ sở hơn 25 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 120 cơ sở.

Thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩmTừ tháng 1/2019, thí điểm thanh kiểm tra chuyên ngành ATTP tại 9 địa phương.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở tuyến quận, huyện, xã, phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP, huy động nguồn lực cho công tác quản lý ATTP, nhất là nhận được sự nhiệt tình, ủng hộ của người dân trên địa bàn... Đặc biệt, tại các quận và các địa phương triển khai đã có những chuyển biến rõ nét, đó là nhận thức, kiến thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người dân trên địa bàn quận được nâng lên.

Nhân rộng 9 địa phương triển khai mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP

Ngày 26/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 47/2018/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.

Riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 100% đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã sẽ triển khai thí điểm; tại 7 tỉnh, thành phố còn lại, sẽ có tối đa 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và 25% đơn vị hành chính cấp xã tham gia thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm là 1 năm, bắt đầu từ ngày 10/1/2019.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng, với một địa bàn rộng, tập trung số lượng lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm như Hà Nội, việc nhân rộng mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã là rất cần thiết. Tuy nhiên, để mô hình này tiếp tục đạt được những hiệu quả đề ra, các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cụ thể, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm, thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm như: rau, thịt..., đặc biệt là tập trung kiểm tra những sản phẩm có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm và truy xuất tận nguồn gốc nếu phát hiện sai phạm. Sau khi xử lý vi phạm hành chính cần công khai danh sách các cơ sở vi phạm, các cơ sở bị đóng cửa và những cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.

Cũng theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương nêu trên phải am hiểu pháp luật về thanh tra và ATTP; có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến ATTP và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP.


Lê Mai
Ý kiến của bạn