Là chợ thứ 6 trên địa bàn Hải Phòng bước vào áp dụng thanh toán không tiền mặt khi bán hàng, từ sáng 25/10, chợ Lương Văn Can, quận Ngô Quyền, Hải Phòng chính thức sử dụng phương thức này trong giao dịch. Cách làm này được đánh giá văn minh, hiện đại tuy nhiên cũng có nhiều bất cập cho người áp dụng.
Như mọi ngày, cô Mai Thị Ngà, tiểu thương chợ Lương Văn Can lại bày sạp đồ ăn vặt quen thuộc Bánh giò, Bánh Do, Bánh bèo ra bán. Chỉ khác với mọi hôm, trên cột ô của sạp hàng, cô Ngà treo thêm tấm biển in bạt khổ 35 x 50 với nội dung "chuyển tiền mua bán chỉ với số điện thoại".
Sau hồi ngẩn ngơ nhìn đi nhìn lại tấm biển thông báo ở sạp hàng, cô Ngà thở dài: "Cô chỉ treo biển lên thôi chứ không biết thanh toán thẻ đâu. Hôm qua, Ban quản lý chợ phát cho tờ giấy hướng dẫn để về đọc nhưng đọc mãi vẫn không hiểu. Họ bảo thứ 2 sẽ có người đến hướng dẫn các tiểu thương cách sử dụng".
Cô Ngà cho biết thêm, BQL khuyến khích kêu gọi tất cả các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Lương Văn Can đặt biển thanh toán QR để giao dịch phục vụ khách mua có nhu cầu.
Cùng cảnh ngộ với cô Ngà, chị Lê Ngọc Hà – chủ sạp rau ở chợ Lương Văn Can tâm sự: "Mua cọng hành có 3.000 đồng thì chuyển khoản làm sao được. Mà nếu khách có chuyển khoản thì điện thoại không kết nối mạng cũng chẳng nhận được mà kiểm tra tiền vào hay chưa".
Ghi nhận tại chợ Cát Bi, quận Hải An, Hải Phòng – một trong những chợ áp dụng thanh toán không tiền mặt đầu tiên ở Hải Phòng cho thấy, trên các khung ki-ốt quầy hàng đều treo mã QR code và thông tin quảng cáo thanh toán không tiền mặt. Đặc biệt, tại khu vực ẩm thực của chợ này, gần như quầy nào cũng đặt biển mã QR code trên bàn giúp khách hàng giao dịch thanh toán. Một số quầy hàng ăn không đặt mã QR code nhưng thông báo số tài khoản để khách hàng chuyển khoản.
Chủ quầy bánh đúc chợ Cát Bi cho hay, từ khi có giao dịch qua mã quét QR, thi thoảng mới có người thanh toán bằng hình thức này, còn lại hầu hết dùng tiền mặt. Những người trả tiền bằng tài khoản chủ yếu là giới trẻ, dân văn phòng; người già hay công nhân thì không dùng.
Một sinh viên K62 trường Đại học Hàng Hải hào hứng, nói: "Chợ Lương Văn Can, chợ Cát Bi là một điểm đến được rất nhiều người yêu thích khi đi Foodtour nên mình nghĩ, việc đưa mã QR vào thanh toán sẽ hiện đại, văn minh. Xu hướng du khách giờ đi du lịch không mang tiền mặt nhiều nên việc giao dịch thanh toán qua tài khoản rất tiện lợi".
Khách hàng Nguyễn Minh Hà, 24 tuổi (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: "Khi đi chợ, mình vẫn dùng tiền mặt vì mức thanh toán ở chợ khá ít tiền. Thường mình chỉ dùng thanh toán bằng thẻ khi mua trên 50.000 đồng. Dù BQL chợ đưa ra yêu cầu thanh toán kiểu Chợ 4.0 song vẫn nên duy trì cả hình thức tiền mặt để thuận tiện hơn cho người bán, kẻ mua".
Theo chia sẻ của BQL chợ Cát Bi, cả chợ có hơn 300 quầy kinh doanh cố định nhưng cũng chỉ có 50% trong số này thực hiện được giao dịch không tiền mặt. Số còn lại có treo biển cũng không ai thanh toán mã quét. Việc áp dụng thanh toán qua mã QR code đã áp dụng từ đầu năm 2022 nhưng nhìn chung, tới thời điểm này nhiều người mua và người bán vẫn chưa thành thạo hình thức thanh toán mới này.
Để thực hiện thanh toán không tiền mặt, người dùng chỉ cần mở ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động vào phần quét QR để quét mã và thanh toán. Cách làm này nghe qua thì có vẻ rất tiện lợi song trên thực tế có những mặt hàng như rau, củ, thịt, cá, đồ ăn vặt,… mức giá chỉ từ 5.000 đồng đến 50.000 đồng thì việc phải thanh toán chuyển khoản lại rất cồng kềnh.
Ngoài ra, thiết bị wifi ở chợ không có dẫn đến khách hàng nào không có sẵn 3G, 4G sẽ không thể chuyển khoản được.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Chợ Cát Bi là 1 trong những chợ truyền thống đầu tiên ở Hải Phòng áp dụng thanh toán không tiền mặt.