Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến

16-03-2020 07:42 | Thời sự

SKĐS - Sau nhiều năm quen rút tiền mặt để chi tiêu, nhiều người đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Dự báo xu hướng này ngày càng thắng thế trong năm 2020 khi có đến 63% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng.

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa tạo đà tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và đặc biệt các ngân hàng cũng số hóa nên các dịch vụ ngân hàng nói chung cũng dựa trên nền tảng số hóa hiện đại. Do đó, các phương tiện thanh toán như: thẻ đã phát hành, ví điện tử, các công nghệ như thẻ phi tiếp xúc, công nghệ 1 chạm trong thời gian tới chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện có trên 40 triệu người Việt Nam có tài khoản ngân hàng, chiếm 63% số người trưởng thành. So với năm 2015, số người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng đã tăng gấp đôi.

Cùng với sự gia tăng số người có tài khoản ngân hàng, các giao dịch như giao dịch thanh toán nội địa của thẻ hay giao dịch qua kênh internet cũng tăng rất nhanh. Trong đó, tăng nhanh nhất là kênh giao dịch ngân hàng qua điện thoại di động với mức tăng 196% về số lượng và 225% về giá trị. Cơ cấu giao dịch có sự dịch chuyển đáng kể. Người dân chuyển dịch thói quen từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng ngày sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet tăng nhanh qua từng năm. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng; nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ.

Từ thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước định hướng sẽ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mà trọng tâm là thanh toán trên di động. Đây cũng là câu chuyện sống còn của ngành ngân hàng vì khảo sát cho thấy một khách hàng thanh toán điện tử có thể sử dụng dịch vụ gấp 3 lần khách hàng truyền thống.

Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay đang còn có những vấn đề đặt ra. Cụ thể như: do thói quen, tâm lý của người dân chưa chịu thay đổi từ thanh toán truyền thống sang thanh toán điện tử, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán còn hạn chế.

Thực tế hiện nay còn thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn như dịch vụ công với định hướng là tất cả dịch vụ phải được thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt, nhưng thực tế thời gian qua chuyển biến rất chậm.

Hơn nữa, lượng lớn người dân sống ở nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Trong khi các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Bên cạnh đó, thủ tục mở tài khoản, đổi pin, sử dụng thẻ chưa tiện lợi với nhiều người dân. Mặt khác, vẫn còn rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật thông tin khi thanh toán theo hình thức này.

Vì vậy, để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển hơn nữa thì rất cần sự phát triển đồng bộ của các đơn vị liên quan. Về phía người sử dụng, cần tự trang bị  kiến thức về bảo vệ tài khoản cá nhân và các thông tin cá nhân phải được bí mật tuyệt đối khi tham gia internet và thanh toán điện tử, tránh bị kẻ xấu lợi dụng và trục lợi.


Minh Hoàng
Ý kiến của bạn