Thanh toán bệnh phong và những thách thức mới

06-12-2010 15:51 | Tin nóng y tế
google news

Bệnh phong dễ gây kỳ thị và phải điều trị lâu dài. Dù đã có các biện pháp điều trị hiệu quả, bệnh phong vẫn là một thách thức không nhỏ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Bệnh phong dễ gây kỳ thị và phải điều trị lâu dài. Dù đã có các biện pháp điều trị hiệu quả, bệnh phong vẫn là một thách thức không nhỏ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chương trình mục tiêu y tế quốc gia phòng chống bệnh phong của nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Những quan niệm sai lầm về bệnh phong trong nhân dân đã được xóa bỏ, bệnh nhân phong được điều trị tại nhà, hòa nhập với cộng đồng. Phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Da liễu châu Á nhân dịp tổng kết 5 năm Chương trình Phòng chống phong Quốc gia giai đoạn 2006-2010.

 PGS.TS. Trần Hậu Khang.
PV: Ông có thể cho biết đôi nét về khái niệm “loại trừ bệnh phong” và “thanh toán bệnh phong”?

PGS.TS. Trần Hậu Khang: Đây là những thuật ngữ do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra để áp dụng cho từng giai đoạn của chương trình. Bệnh phong là một bệnh lây song lây chậm và rất khó lây. Thời gian ủ bệnh cũng rất lâu, trung bình 3-5 năm, tuy nhiên có thể là 10 hay 20 năm. Chính vì vậy bệnh diễn biến từ từ, âm thầm lặng lẽ. Theo WHO, với tỉ lệ lưu hành dưới 1/10.000 dân số thì bệnh phong không gây ra những vấn đề phức tạp cho y tế công cộng. Chính vì vậy ở vùng nào đạt được tỉ lệ này thì coi như đã loại trừ được bệnh phong (Leprosy Elimination). Tuy nhiên vẫn phải duy trì các hoạt động chống phong để đạt được mục tiêu cuối cùng là thanh toán bệnh phong. Thanh toán bệnh phong (Leprosy Eradication) có nghĩa là vùng đó/quốc gia đó không còn trực khuẩn gây bệnh phong nữa (tức là không còn bệnh nhân phong mới xuất hiện).

PV: Xin ông cho biết những thành tựu của Chương trình Phòng chống phong của Việt Nam?

PGS.TS. Trần Hậu Khang:Với việc áp dụng đa hóa trị liệu (ĐHTL) từ năm 1982, dịch tễ bệnh phong ở Việt Nam đã thay đổi một cách đáng kể. Hàng trăm ngàn bệnh nhân đã được chữa khỏi. Tỉ lệ lưu hành giảm từ 6,78/10000 (1983) xuống còn 0,04/10.000 năm 2009. Số bệnh nhân phát hiện hằng năm giảm tương đối nhanh: từ 2.020 người năm 1983 xuống còn 413 người năm 2009. Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại từ bệnh phong của WHO trên bình diện quốc gia năm 1995. Cuối năm 2000 tất cả các tỉnh/thành cũng đạt được tiêu chuẩn này. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là chúng ta đã xây dựng, củng cố được mạng lưới chống phong lồng ghép trong mạng lưới da liễu từ Trung ương tới địa phương. Vì vậy công tác giáo dục y tế trong cộng đồng đã phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy quan niệm về bệnh phong đã được thay đổi một cách tích cực.

PV: Tỉ lệ bệnh nhân phong tàn tật vẫn còn khá cao. Vậy, cần điều trị bệnh phong thế nào và phải phòng chống tàn tật như thế nào để có hiệu quả, thưa ông?

PGS.TS. Trần Hậu Khang: Trước năm 1982 bệnh phong chỉ được điều trị bằng sulfone nên trực khuẩn phong kháng thuốc, rất khó khỏi bệnh. Từ năm 1982, với việc áp dụng nhiều loại thuốc, tức là đa hóa trị liệu: ĐHTL (rifampicine, chlofazimine, sulfone), việc điều trị bệnh phong đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Bệnh nhân được điều trị miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên cần uống thuốc đều, đủ liều mới tránh được hiện tượng kháng thuốc (Resistance) và tồn lưu (Persistance) của trực khuẩn phong. Với thể phong có trực khuẩn, thời gian điều trị là một năm, thể không có trực khuẩn thời gian điều trị chỉ một tháng. Trong quá trình điều trị cần giáo dục y tế cho bệnh nhân biết cách đề phòng và phát hiện các biến chứng (phản ứng phong, viêm dây thần kinh) để tránh được các tàn tật có thể xảy ra.

PV: Mặc dù tỉ lệ lưu hành bệnh phong đã giảm đáng kể nhưng số bệnh nhân phong mới hằng năm vẫn cao ở một số tỉnh. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này, thưa ông? 

 PGS.TS. Trần Hậu Khang (người ngoài cùng bên trái) cùng các chuyên gia các nước tham dự hội nghị Da liễu châu Á tại Malaysia.

PGS.TS. Trần Hậu Khang:

Chương trình chống phong của Việt Nam đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên dịch tễ bệnh phong rất đặc biệt và phức tạp. Chính vì vậy nó ảnh hưởng tới chiến lược chống phong của toàn cầu, không chỉ riêng ở Việt Nam. Do thời kỳ ủ bệnh của bệnh phong rất lâu, trung bình là 3-5 năm, nhưng có thể lâu hơn (10-20 năm) nên có những vùng không còn bệnh nhân trong một giai đoạn dài, bỗng nhiên xuất hiện hàng loạt bệnh nhân mới. Vì vậy cần thiết phải duy trì mạng lưới phòng chống phong ở tất cả các tỉnh, thành. Nếu không duy trì các hoạt động chống phong thì bệnh phong sẽ có nguy cơ trở lại với tỉ lệ lưu hành cao như trước đây.

Ngoài ra hiện nay số bệnh nhân tàn tật trong cả nước đang tăng lên. Đây là những người đã được điều trị khỏi (hết trực khuẩn phong) nhưng còn di chứng tàn tật cần phải được chăm sóc và phục hồi chức năng.

PV: Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn, tồn tại trong công tác phòng chống phong hiện nay?

Tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong

Năm 2000, Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn “loại trừ bệnh phong” của WHO ở cấp tỉnh, thành (tỷ lệ lưu hành dưới 1/10.000 dân). Tuy nhiên, mỗi năm vẫn còn hàng ngàn bệnh nhân phong mới xuất hiện. Vì vậy Việt Nam đã xây dựng 4 tiêu chuẩn “loại trừ bệnh phong” để phấn đấu gần với mục tiêu cuối cùng là “thanh toán bệnh phong”. 4 tiêu chuẩn đó là:
- Tỉ lệ lưu hành dưới 0,2/10.000 dân số.
- Tỉ lệ phát hiện dưới 1/100.000 dân số trong 3 năm liên tục.
- Tỉ lệ tàn tật trong số bệnh nhân phong mới phát hiện là dưới 15%.
- Kiểm tra ngẫu nhiên 15% cán bộ y tế, cán bộ chính quyền: 100% biết được kiến thức cơ bản về bệnh phong.
Đến tháng 11/2010, có 42 tỉnh, thành đã “loại trừ bệnh phong” theo 4 tiêu chuẩn của Việt Nam.
PGS.TS. Trần Hậu Khang:
Chương trình phòng chống phong được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế. Ngoài ra sự giám sát về kỹ thuật của WHO, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đã tạo điều kiện cho các cán bộ chống phong của Việt Nam giao lưu, học hỏi kinh nghiệm hơn ở nhiều nước trên thế giới. Mạng lưới chống phong với nhiều cán bộ có kinh nghiệm từ Trung ương tới địa phương ở đa số các tỉnh/thành là yếu tố quan trọng để đạt được những thành tựu đáng kể trong những năm qua.

Tuy nhiên, hiện nay ở một số tỉnh, số bệnh nhân phong mới chẳng những chưa giảm mà còn tăng. Tại nhiều tỉnh miền núi, mạng lưới da liễu, mạng lưới chống phong còn yếu và còn thiếu. Hơn nữa địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt (mùa mưa 6 tháng/năm) ảnh hưởng tới các hoạt động của chương trình. Đa số bệnh nhân phong là những người nghèo khổ nên công tác phòng chống tàn tật ảnh hưởng đến hiệu quả. Ngoài ra, một số nơi, sau khi đã đạt được 4 tiêu chuẩn loại trừ đã có xu hướng sao nhãng, giảm nhân lực, giảm đầu tư cho công tác chống phong vì vậy số bệnh nhân mới lại xuất hiện tăng lên.

PV: Các giải pháp để khắc phục những khó khăn, tồn tại đó?

PGS.TS. Trần Hậu Khang: Với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban Chủ nhiệm chương trình đã đề ra một chiến lược trong 5 năm tới nhằm khắc phục những khó khăn, giải quyết các tồn tại, cụ thể: tiếp tục duy trì các hoạt động chống phong, ưu tiên hơn ở những vùng có tỉ lệ lưu hành cao; tăng cường giáo dục y tế trong cộng đồng về bệnh phong bằng nhiều hình thức; lồng ghép một số hoạt động chống phong và mạng lưới y tế đa khoa; tăng cường các hình thức đào tạo cho cán bộ thôn/bản; lồng ghép công tác phòng chống tàn tật và phục hồi chức năng vào mạng lưới phục hồi dựa vào cộng đồng (CBR).

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Linh (thực hiện)  


Ý kiến của bạn