Hà Nội

Thành tích đáng nể của 9 “nữ tướng” ngày đêm “làm bạn” với virus

06-03-2020 14:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Bộ Y tế vừa được lựa chọn để trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019. Họ là những ai và đã có những thành tích xuất sắc gì để có thể được lựa chọn trao giải thưởng danh giá mang tên nhà toán học nữ người Nga lỗi lạc thế kỷ 19 Sophia Kovalevskia?

Tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019

1. PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai (SN 1967) - Phó Viện trưởng, Trưởng Phòng Thí nghiệm Cúm, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Y sinh.
2. TS. Hoàng Vũ Mai Phương (SN 1977) - Trưởng Khoa Virus.
3. PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng (SN 1977) - Phó trưởng Khoa Virus, Phó chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh vật học.
4. ThS. Lê Thị Thanh (SN 1982) - Ban chấp hành Công đoàn Khoa Virus.
5. ThS. Ứng Thị Hồng Trang (SN 1987) - Phó Bí thư Ban chấp hành Đoàn thanh niên Viện VSDT TW.
6. ThS. Nguyễn Phương Anh (SN 1986) - Nghiên cứu viên.
7. ThS. Trần Thị Thu Hương (SN 1976) - Nghiên cứu viên.
8. CN. Phạm Thị Hiền (SN 1984) - Ban chấp hành Công đoàn Khoa Virus.
9. CN. Hoàng Thu Hương (SN 1965) - Nghiên cứu viên.

Phòng Thí nghiệm (PTN) Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Bộ Y tế có 9 cán bộ nữ trên tổng số 12 cán bộ. Công việc nghiên cứu mang tính chất đặc thù và khá vất vả, nhưng các “chị chị em em” lại chiếm đến 75% nhân sự ở PTN Cúm.

PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng, Trưởng PTN Cúm cho biết, PTN Cúm tiền thân là Phòng thí nghiệm các virus Hô hấp, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là Trung tâm Cúm quốc gia vào tháng 3/2000. Với chức năng, nhiệm vụ giám sát, phát hiện, nghiên cứu các tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp, PTN là đơn vị đầu tiên thu thập, phân lập và xác định căn nguyên gây dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng tại Việt Nam tháng 3/2003 là tác nhân virus lạ.

Mới đây nhất, nhóm các nhà nghiên cứu của PTN - trong đó có các nhà khoa học nữ đã phân lập thành công virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), đưa Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia phân lập thành công virus này. Thành công nói trên tạo điều kiện cho việc sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus SARS-CoV-2; nâng khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, thành công đó còn giúp cho nghiên cứu về độc lực của virus này trên người, đặc điểm lây nhiễm, giúp công tác điều trị và chống dịch hiệu quả...

Hiện tại, PTN Cúm là thành viên của Hệ thống Giám sát cúm toàn cầu (GISRS), thường xuyên cập nhật số liệu virus học cúm hàng tháng vào mạng lưới Flunet của WHO và chia sẻ các chủng cúm mùa đại diện của Việt Nam hàng năm (50 chủng/năm) tới các trung tâm nghiên cứu Cúm chuẩn thức để lựa chọn thành phần vắc xin cúm hàng năm.

Các nghiên cứu của PTN Cúm hiện tại và trong tương lai đều hướng đến mục tiêu chung giảm gánh nặng bệnh tật của dịch bệnh cúm mùa và giảm nguy cơ, ảnh hưởng của đại dịch cúm nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao bằng khen cho một tập thể và 6 cá nhân của Viện Vệ sinh Dịch tễ TW vì đã nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2.

Tham gia khống chế dịch SARS, phát triển quy trình thực hành An toàn sinh học

PGS. Quỳnh Mai cho biết, PTN Cúm đã tham gia công tác khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm (SARS) năm 2003, phát triển quy trình thực hành An toàn sinh học tại Việt Nam.

Định hướng nghiên cứu của PTN Cúm đã được xây dựng từ những năm 2003, khi dịch SARS xảy ra và Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với WHO về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh với tỷ lệ tử vong cao.

Tại thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của PTN Hô hấp, đứng đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, trực tiếp tham gia điều tra, thu thập mẫu, tiến hành chẩn đoán, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm đầu tiên điều trị tại bệnh viện Việt-Pháp (3/2003). Cùng với các đồng nghiệp quốc tế, virus SARS-CoV – một tác nhân hoàn toàn mới đã được định danh vào tháng 4/2003. Các khái niệm và thực hành về an toàn sinh học lần đầu tiên được cập nhật tại Việt Nam, PTN được giao trách nhiệm phát triển các quy trình đánh giá nguy cơ và quy trình thực hành An toàn sinh học trong PTN ở các mức độ khác nhau. Những quy trình kỹ thuật này đã được Bộ Y tế phê duyệt và phổ biến trong toàn bộ hệ thống PTN trên phạm vi toàn quốc vào đầu năm 2005.

Ghi nhận cống hiến đóng góp của PTN trong khống chế dịch SARS , Chủ tịch nước CHXHCN Việt nam đã trao tặng Huân chương lao động hạng 3 vì “Đã có thành tích xuất sắc trong việc phòng, chống và khống chế dịch SARS, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân” năm 2004.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng, Trưởng phòng Thí nghiệm cúm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: NĐT

Xây dựng Trung tâm chuẩn thức Quốc gia, đầu ngành về nghiên cứu virus cúm

Các cán bộ, trong đó có cán bộ nữ tại PTN Cúm đã xây dựng PTN trở thành Trung tâm chuẩn thức Quốc gia, đầu ngành về nghiên cứu virus cúm, thành viên trong mạng lưới cúm toàn cầu (GISRS), đóng góp vào chẩn đoán, nghiên cứu virus cúm gia cầm độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người A/H5N1 (2003-2014).

Với bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch SARS năm 2003, nhóm nghiên cứu tiếp tục trực tiếp xét nghiệm xác định trường nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 trên người đầu tiên tại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 12/2003. Những kết quả PTN và các vật liệu nghiên cứu (virus cúm A/H5N1, bệnh phẩm lâm sàng) đã được PTN chia sẻ cho nhiều đơn vị nghiên cứu quốc tế như: Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật (CDC, Atlanta, Mỹ); Viện Quốc gia Nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm (NIID, Nhật Bản), PTN Vi sinh Quốc gia Canada (National Microbiology Laboratory, Winnipeg, Manitoba, Canada)…

Virus cúm A/H5N1 do PTN phân lập được đã được WHO lựa chọn là virus dự tuyển để phát triển vắc xin phòng chống cúm A/H5N1 (A/Vietnam/1194/2004 và A/Vietnam/1203/2004).

Các nữ cán bộ nghiên cứu Phòng Thí nghiệm, khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW. Ảnh: NĐT

Nghiên cứu phát triển vắc xin phòng chống cúm và kiểm soát sự kháng thuốc của các virus cúm

Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, nhóm nghiên cứu cũng đã tham gia tạo chủng virus cúm A/H5N1 trong sản xuất vắc xin cúm tại Việt Nam. Dẫn đầu là PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai cùng nhóm nghiên cứu đã tham gia tạo chủng virus rgA/H5N1 không độc lực bằng phương pháp di truyền đảo ngược. Thiết lập được hệ chủng gốc và chủng sản xuất vắc xin cúm A/H5N1 với đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của WHO.

Từ những kết quả đã đạt được khi phát triển vắc xin cúm A/H5N1, vắc xin cúm A/H1N1/2009 đại dịch cũng đang được tiến hành phát triển trên tế bào thận khỉ tiên phát (PMKc). Các kết quả nghiên cứu cho thấy vắc xin cúm A/H1N1/2009 đại dịch đáp ứng đầy đủ tính an toàn, hiệu lực và có giá thành hợp lý.

Hiện tại, thuốc kháng virus (Oseltamivir- Taminflu) được đánh giá là thuốc đặc hiệu nhất trong điều trị nhiễm virus cúm A (A/H5N1; H1N1) và chưa có các chế phẩm khác thay thế hoặc bổ sung. Nhóm nghiên cứu đã xác định 01 chủng virus cúm A/H5N1 (2005) xuất hiện đột biến liên quan đến kháng thuốc oseltamivir, 02 virus cúm A/H5N1 cũng xuất hiện đột biến liên quan đến sự giảm độ nhạy của thuốc kháng virus. Các phát hiện này đã thúc đẩy sự phát triển các thuốc kháng virus cúm thế hệ mới và các phương pháp phát hiện đột biến chỉ điểm kháng thuốc của virus cúm A/H5N1. Phát hiện chùm ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1pdm09 nhưng chưa có khả năng lan truyền rộng trong quần thể virus cúm A.

Với sự hợp tác của CDC Hoa Kỳ, nghiên cứu về sự tương tác giữa virus cúm A/H5N1 trên người và trên gia cầm tại miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 2003-2010 đã khẳng định giả thuyết các trường hợp người nhiễm virus H5N1 tại Việt Nam là kết quả của việc truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.

Mở rộng, phát triển các phương pháp nghiên cứu toàn diện

Một đóng góp nữa của PTN Cúm là giúp mở rộng, phát triển các phương pháp nghiên cứu toàn diện đánh giá vai trò của virus cúm trong nhóm bệnh viêm đường hô hấp do căn nguyên virus và miễn dịch cộng đồng với virus cúm.

Các nhà nghiên cứu làm việc miệt mài tại Phòng Thí nghiệm Cúm. Ảnh: NĐT.

Trong giai đoạn 2006-2015, cùng với sự hỗ trợ của US-CDC và WHO, hệ thống Giám sát Cúm đã được triển khai trên 15 điểm tại 4 vùng trên toàn quốc: miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Hệ thống giám sát đã đưa ra bức tranh tổng thể về sự lưu hành của virus cúm mùa tại Việt Nam với đặc điểm di truyền và đặc tính kháng nguyên tương đồng cao với các virus dự tuyển vắc xin cho khu vực Nam bán cầu. Tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp nặng (SARI) rất đa dạng: virus cúm vẫn là căn nguyên chính gây viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm, ngoài ra các virus khác: hợp bào đường hô hấp (RSV), viêm phổi (hMPV), á cúm (Parainflueza) cũng đóng vai trò quan trọng.

Hiện tại, việc sử dụng vắc xin cúm mùa tại Việt Nam bắt đầu được quan tâm, tuy nhiên phát triển các chính sách, chiến lược cho sử dụng vắc xin cúm cần rất nhiều các thông tin về dịch tễ, virus, miễn dịch đã có trong cộng đồng. PTN đã cùng với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng đại học Oxford (OUCRU - Hà Nội) đã tiến hành nghiên cứu thuần tập tại Hà Nam từ năm 2007 đến nay. Kết quả công bố trên gợi ý cho việc sử dụng để phát triển vắc xin cúm mùa tại Việt Nam để làm tăng hiệu quả của vắc xin, đồng thời cũng bổ sung thêm minh chứng để thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển vắc xin cúm phổ rộng trong tương lai.

Tuân chỉ mục tiêu nghiên cứu, PTN cúm tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các nghiên cứu hiện tại tập trung xác định ảnh hưởng của tình trạng miễn dịch đã có sau khi tiêm vắc xin cúm mùa đến khả năng dự phòng của vắc xin nhắc lại hàng năm, đặc biệt với virus cúm A/H3N2.

Các nhà khoa học Việt Nam đang nỗ lực tiếp tục các nghiên cứu về COVID-19.

Các cơ hội và thách thức trong nghiên cứu về tác nhân virus gây viêm đường hô hấp cấp, đặc biệt là virus cúm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều trong tương lai. Tuy nhiên, với các kết quả đã đạt được, các nhà khoa học nữ của Phòng thí nghiệm Cúm - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã thành công trong việc kết nối, hệ thống những thành tựu nghiên cứu tại Việt Nam và phát triển lý thuyết khoa học, đi từ virus cúm tới chế phẩm vắc xin cúm mùa và vắc xin cho đại dịch cúm.

Ngoài những đóng góp xuất sắc nói trên, PTN Cúm còn đóng góp nhiều đề tài, dự án hợp tác quốc tế; các bài báo khoa học; công tác đào tạo và các hoạt động chuyên môn khác… Một số nhà khoa học nữ được mời phản biện từ các tạp chí quốc tế…

Trong suốt 30 năm công tác, PGS. Mai – “nữ tướng” đứng đầu PTN Cúm đã liên tục duy trì các nghiên cứu thế mạnh cùng với các đồng nghiệp để góp phần chia sẻ thông tin khoa học với cộng đồng các nhà khoa học trong nước và trên thế giới; xây dựng chiến lược dự phòng các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Với những cống hiến to lớn đó, các "nữ tướng" đã vinh dự giành được nhiều phần thưởng cao quý, bằng khen, giấy khen... ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của mình cho sự phát triển chung của đất nước.

Chia sẻ về quá trình “bắt” thành công virus SARS-CoV-2, TS. Hoàng Vũ Mai Phương cho biết: “Xét nghiệm trên phân tử chỉ biết được dấu vết của con virus thôi, phải nhìn thấy con virus bằng mắt mới khẳng định chắc chắn được đã có được virus SARS-CoV-2. Khi xác định virus này là một chủng nguy hiểm, Viện Vệ sinh Dịch tễ TW đã nâng cấp độ nguy hiểm an toàn sinh học của virus lên một mức độ mới, cao hơn mức của WHO khuyến cáo. Điều này vừa để bảo vệ cho các bác sĩ làm việc trong phòng thí nghiệm, vừa để bảo vệ cho cộng đồng.
Để có được kết quả này, phòng thí nghiệm đã làm việc hết sức nghiêm túc và căng thẳng. Chúng tôi liên tục có những cuộc điện thoại hỏi về kết quả, chúng tôi càng nhận thấy trách nhiệm và cố gắng để có kết quả một cách chính xác nhất. Vừa nghiên cứu để phân lập SARS-CoV-2 mới, trung tâm mỗi ngày phải tiếp nhận và xét nghiệm hàng chục mẫu bệnh phẩm từ miền Trung trở ra đều được gửi đến Viện. Áp lực và trách nhiệm là điều mọi người đều cảm nhận được…”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng – Phó trưởng khoa Virus Viện Vệ sinh Dịch tễ TW chia sẻ: Sau 72h, nồng độ của virus tăng một mức đáng kể. Ngay lúc đó, các bác sĩ đã nghĩ đến việc xác định hình ảnh của SARS-CoV-2 bằng kính hiển vi điện tử truyền quang. Chỉ khi đã xác định được nồng độ và bản chất con virus trên hình ảnh, thì mới khẳng định được rằng đã phân lập thành công SARS-CoV-2.
“72 giờ chiến đấu với COVID-19 là 72 giờ các nhà khoa học phải đối mặt với hiểm nguy, chỉ cần một sơ sảy nhỏ thì chính họ cũng có thể bị nhiễm virus này. Chưa kể, thời gian làm việc trong điều kiện áp suất âm trong phòng an toàn sinh học cấp III ảnh hưởng đến sức khoẻ rất nhiều. Những công việc thầm lặng và rất ít người biết đến những những gì mà các bác sĩ đã làm đã giúp cho ngành y tế sẵn sàng đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Phạm Hiệp - Thuý Huyền
Ý kiến của bạn