Theo Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ, có ba loại ngưng thở khi ngủ, trong đó chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn - gây ra bởi tắc nghẽn đường thở - là phổ biến nhất. Ước tính chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến gần 30 triệu người trưởng thành, với hầu hết các trường hợp không được chẩn đoán, nhưng nó cũng ảnh hường đến nhiều trẻ em.
Nghiên cứu mới đã xem xét 421 trẻ em, từ 5 đến 12 tuổi, được theo dõi qua đêm tại phòng thí nghiệm về giấc ngủ. Khoảng 12% mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nhẹ. Sau hơn bảy năm theo dõi, hơn một nửa số trẻ, chứng ngưng thở “biến mất” ở độ tuổi từ 12-19.
Sau khi điều chỉnh các yếu tố như giới tính, chủng tộc / dân tộc, tuổi tác, mức độ béo phì, phẫu thuật amidan, tuyến yên… các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ em bị ngưng thở khi ngủ kéo dài đến tuổi vị thành niên, có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao gấp 2,9 lần so với trẻ không có vấn đề này. Nếu chứng ngưng thở khi ngủ bắt đầu ở tuổi thiếu niên có nguy cơ bị huyết áp cao gấp 1,7 lần.
TS Julio Fernandez-Mendoza, Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị Giấc ngủ của Đại học Y Penn State University ở Hershey, Pennsylvania, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi chất lượng giấc ngủ của trẻ như một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tăng huyết áp ở trẻ em.
Theo các nhà khoa học, giấc ngủ, tăng huyết áp và béo phì là những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim. Ở người trẻ tuổi, các yếu tố này trở thành tiền đề cho bệnh tim tiến triển nặng hơn ở tuổi trưởng thành nếu họ không được điều trị. Huyết áp cao có thể dẫn đến tác hại nghiêm trọng, nên việc chú ý đến chất lượng giấc ngủ của trẻ là rất quan trọng và không nên bỏ qua chẩn đoán ngưng thở khi ngủ...