Chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi công bố kế hoạch, ngày 3/2, Trung Quốc khai trương Hỏa Thần Sơn - bệnh viện dã chiến để chống lại virus nCoV có quy mô 1 nghìn giường - tại Vũ Hán - trung tâm dịch. Đến ngày 5/2, bệnh viện chuyên chống dịch nCoV khác có tên gọi Lôi Thần Sơn, công suất 1.600 giường, cũngtại Vũ Hán, được đưa vào hoạt động.
Trung Quốc quyết tâm dập dịch do nCoV.
Các toà nhà lớn như phòng tập Gym Hồng Sơn, Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế Vũ Hán và một khu phức hợp văn hóa có tên là “Phòng khách Vũ Hán” - cũng được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến nhằm phục vụ công tác điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ do virus 2019-nCoV gây ra. Các cơ sở y tế dã chiến này sẽ cung cấp 3.400 giường bệnh, có chức năng điều trị khẩn cấp và xét nghiệm lâm sàng. Hàng trăm giường bệnh đã được bố trí sẵn sàng đón bệnh nhân.
Ngoài ra, một số dự án bệnh viện “thần tốc” khác với quy mô hàng nghìn giường cũng được thực hiện tại Hoàng Cương, thành phố lân cận Vũ Hán với số ca nhiễm bệnh lớn thứ hai, ngoại ô Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến hay ở tỉnh Hắc Long Giang.
Khi nhận nhiệm vụ phải hoàn thành các bệnh viện dã chiến lớn ở Vũ Hán trong 10 ngày, nhiều người nghĩ đó là “nhiệm vụ bất khả thi”. “Đối với một dự án bệnh viện quy mô tương tự, thường phải mất ít nhất 2 năm. Phải mất ít nhất 1 tháng để xây dựng một tòa nhà tạm thời, chưa kể một bệnh viện mới cho các bệnh truyền nhiễm” - Giám đốc dự án cho hay.
Báo Tân Hoa xã mô tả rằng nhà chức trách Trung Quốc mất đúng 5 tiếng để lên kế hoạch thiết kế Bệnh viện Hỏa Thần Sơn và cho ra đời một bản phác thảo thiết kế trong vòng 24 giờ. 3 công ty đã nhận được yêu cầu tham gia công trình. “Tôi chưa bao giờ tham gia vào một nhiệm vụ khẩn cấp và cũng chưa bao giờ thấy nhiều công ty tham gia vào một dự án duy nhất. như vậy” - ông Thần Khái, cán bộ của Công ty TNHH Xây dựng số 3 nói.
Hàng nghìn công nhân vận hành hơn 800 thiết bị cùng lúc khi chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Vào lúc cao điểm, hơn 4.000 công nhân và khoảng 1.000 máy móc và xe tải xây dựng có mặt tại đây. Để đảm bảo tiến độ, các công nhân được chia 2-3 ca luân phiên trong 24h mỗi ngày. Công trình cũng thực hiện các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa bệnh nghiêm ngặt như yêu cầu công nhân đeo khẩu trang và khử trùng toàn bộ hiện trường.
Trong suốt 10 ngày, quá trình xây dựng 2 bệnh viện mới ở Vũ Hán được Đài truyền hình Trung ương phát trực tiếp, cung cấp cho người dân Trung Quốc cái nhìn toàn cảnh trong thời gian thực của công trường xây dựng. Theo các quan chức Trung Quốc, đây thành quả những nỗ lực suốt ngày đêm của gần 7.000 công nhân, những người làm nên sự “thần tốc Trung Quốc”.
“Từ kinh nghiệm về SARS, tôi nhận thấy các bệnh viện như trên có thể chữa trị hiệu quả, giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong. Các bệnh viện như vậy đặc biệt quan trọng trong việc xử lý các ca nghiêm trọng” - Giáo sư Xu Xiaoyuan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bắc Kinh, từng tham gia chữa trị nhiều ca nhiễm SARS nghiêm trọng cách đây 17 năm, cho hay.
Bộ Y tế Ai Cập cam kết nước này sẽ cung cấp cho Trung Quốc 10 tấn thiết bị, vật tư và dụng cụ y tế dự phòng nhằm giúp Bắc Kinh đối phó với dịch virus nCoV. Trong khi đó, đáp ứng đề nghị hỗ trợ của Trung Quốc, Trung tâm Điều phối trong tình huống khẩn cấp (ERCC) thuộc Ủy ban châu Âu đã thông báo tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và đã nhận được 12 tấn đồ bảo hộ y tế. Số hàng này đã được vận chuyển tới Trung Quốc. Trước đó, Đức đã chuyển 10.000 bộ trang phục bảo hộ y tế tới thành phố Vũ Hán. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chuyển một lô hàng nặng 6 tấn gồm khẩu trang, quần áo bảo hộ dành cho nhân viên y tế tới Vũ Hán.
Việt Nam đã viện trợ bằng hàng hóa vật dụng y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang phải đối mặt với đại dịch nCoV gây ra. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000 USD và 7 tỉnh biên giới phía Bắc cũng có các hình thức hỗ trợ giúp đỡ cho nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước.