Theo những thông tin từ Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) nghiên cứu, xây dựng thì tình trạng sức khỏe thể chất, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện chỉ đạt 164,4cm (thấp hơn 13cm so với chuẩn), trung bình chiều cao nữ Việt Nam là 153,4cm (thấp hơn 10cm so với chuẩn). Vấn đề đặt ra là việc cải thiện thể trạng người Việt hàng chục năm qua chỉ “nhúc nhích” chậm chạp, trong khi các thói quen xấu như ăn quá mặn, ngọt, thiếu rau, canxi, uống bia rượu, thuốc lá tràn lan, nước giải khát có gas… lại có chiều hướng gia tăng.
Thói quen ăn uống và thiếu vận động khiến thể lực người Việt thua kém.
Thể chất kém mọi mặt
Theo báo cáo nêu trên, tính đến năm 2014, số thanh niên trên toàn quốc là hơn 25 triệu người, chiếm 27,7% dân số cả nước. Về tình trạng sức khỏe thể chất, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện chỉ đạt 164,4cm (thấp hơn 13cm so với chuẩn), trung bình chiều cao nữ Việt Nam là 153,4cm (thấp hơn 10cm so với chuẩn). Chiều cao của thanh niên Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, ví dụ so với Nhật Bản, Hàn Quốc (kém 8cm), với Trung Quốc (kém 7cm), kém Thái Lan và Singapore là 5 - 6cm.
Các số liệu được báo cáo này dẫn ra cũng cho thấy tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.
Trăm sự tại... miệng?
Có một thống kê khác tương đối thú vị nhưng cũng rất đáng lo ngại, đó là trung bình mỗi người Việt Nam chỉ sử dụng 12 lít sữa/năm, trong khi lượng bia tiêu thụ lên tới 38 lít/người, còn nước giải khát lên tới 53 lít/người.
Theo nhiều chuyên gia, chính thói quen ăn uống thiếu khoa học của người Việt là một trong những nguyên nhân chính khiến chúng ta vẫn thấp bé nhẹ cân. Nhiều người chủ yếu là ăn theo sở thích và thói quen hơn là ăn uống theo chế độ khoa học. Nhiều bếp ăn tập thể cũng không có mô hình dinh dưỡng hợp lý. Đa số gia đình còn “thả nổi” việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em từ 6 tuổi đến hết tuổi dậy thì, bỏ lỡ thời kỳ thuận lợi phát triển về thể lực và tầm vóc con người.
Theo TS. Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, việc tăng chiều cao không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố di truyền mà có thể cải thiện bằng nhiều phương pháp như thể thao, môi trường, dinh dưỡng đầy đủ và các biện pháp can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời. Bà tỏ ra lo ngại trước tình trạng thiếu canxi đối với sức khỏe của người Việt khi kết quả các cuộc tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng từ 1985-2010 cho thấy khẩu phần canxi của người Việt Nam chỉ đạt 500-540mg/người/ngày, bằng 50-60% so với khuyến nghị.
Nguyên nhân là do thói quen ít sử dụng sữa, chế phẩm sữa và các thực phẩm nguồn gốc thủy sản. Ở Việt Nam, sữa chỉ dùng trong khẩu phần cho trẻ em, người ốm, người già còn đồ hải sản như tôm, cua, cá thường bỏ vỏ, bỏ xương. Lượng canxi hấp thụ vào đã thấp lại tiếp tục bị thói quen ăn nhiều đạm, ăn quá mặn đào thải. Người Việt đang ăn khoảng 15mg muối/ngày, gấp 3 lần khuyến cáo.
“Việc tiêu thụ ít sữa cũng khiến gia tăng hàng loạt các bệnh tật khác như còi xương, suy dinh dưỡng, loãng xương… Hiện 100% người trên 70 tuổi ở Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến cơ xương khớp”, bà Mai nhận định.
Về cơ cấu bữa ăn, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về khẩu phần ăn của người Việt, hiện trung bình mỗi người Việt chỉ sử dụng 200g rau xanh/người/ngày, chỉ tương đương một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Đáng chú ý, mức tiêu thụ rau như thế này không tăng trong 30 năm qua, từ năm 1985, khi người Việt đang rất thiếu thực phẩm, kể cả rau.
Trong khi ăn ít rau xanh, loại thực phẩm cung cấp nguồn chất xơ và vitamin rất quan trọng, thì bữa ăn người Việt đang rất nhiều đường, tinh bột và là nguồn cơn của chứng rối loạn chuyển hóa, của nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh đái tháo đường mà tốc độ gia tăng ở Việt Nam vào loại nhanh nhất thế giới.
Một thói quen lâu đời của người Việt là coi bữa ăn là bữa cơm, quá nhiều tinh bột. Từ năm 2011, trên tháp dinh dưỡng của người Nhật, bát cơm trắng đã được đưa lên nhóm cần hạn chế như muối và dầu mỡ, nhưng Việt Nam vẫn ăn nhiều cơm, bánh mì trắng, mì ăn liền.
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy, người Việt rất thích đồ ngọt, trong đó có uống nước ngọt. 1 lon nước ngọt có gas sinh đến 138,6kcl năng lượng và chứa đến 36,3g đường. Mà để tiêu hao hết 100kcl tương đương 45 phút đi bộ. Tức là uống mỗi lon nước ấy thì phải đi bộ hơn 1 giờ mới hết. Nếu không sử dụng hết năng lượng thì cơ thể “cất” đi, dễ nhất là cất vào mỡ ở vòng eo. Trẻ em Việt Nam có thói quen uống rất nhiều nước ngọt, sữa cũng ngọt mà không dùng nước lọc.
Một hệ lụy nữa cũng đáng lo là các bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, tăng huyết áp ở Việt Nam đều tăng gấp đôi sau 10 năm, căn nguyên là tình trạng thừa năng lượng, thừa muối, thừa đường mà người Việt đã ăn vào. Cũng trong 10 năm, số lượng trẻ thừa cân béo phì đã tăng 9 lần. Đây là hệ quả của cả nước ngọt có gas, chế độ ăn nhiều đường và tinh bột, thức ăn nhanh, thiếu thời gian và không gian cho vận động.
Có thể thấy rằng, dinh dưỡng hay thói quen ăn uống, sinh hoạt chính là yếu tố quyết định tình trạng sức khỏe, thể lực của con người. Để cải thiện sức khỏe một con người thì gia đình cần có sự chăm sóc cẩn thận, để cải thiện sức khỏe cả một dân tộc thì cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp và có chính sách lâu dài, bài bản.