Hà Nội

Nam thanh niên nhiễm lậu ở... mắt hiếm gặp

07-09-2022 13:40 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng mới đây các bác sĩ phát hiện ca bệnh nhiễm lậu ở mắt khá hiếm gặp.

Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam giới trẻ tuổi, bị sưng nề mắt phải và được bác sĩ nhãn khoa chuyển khám để tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bệnh diễn biến 10 ngày, khởi đầu bệnh nhân xuất hiện tình trạng đỏ mắt phải kèm cộm mắt khi chớp. Ngày sau, mắt phải sưng nề nhanh chóng, phù mi và hốc mắt, hạn chế mở mắt kèm tăng tiết dịch mủ vàng xanh liên tục, số lượng nhiều.

Bệnh nhân đau rát nhiều, đi khám tại phòng khám tư chẩn đoán viêm kết mạc mắt điều trị thuốc uống, thuốc nhỏ mắt không rõ loại trong 7 ngày, tổn thương không thuyên giảm. Bệnh nhân khám lại tại Bệnh viện Mắt Trung ương theo dõi tình trạng lậu mắt, chuyển Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Khám tại thời điểm vào viện thấy bệnh nhân tỉnh, toàn trạng ổn định; không sốt, nhiệt độ 36,5 độ C.

Các tổn thương cơ bản gồm:

  • Sưng nề mi mắt và hốc mắt phải, chảy dịch mủ vàng xanh liên tục số lượng nhiều.
  • Giác mạc mắt phải đục, kết mạc mắt phải đỏ, cương tụ
  • Mắt trái chưa phát hiện bất thường
  • Không phát hiện tổn thương tại vị trí niêm mạc họng – miệng và sinh dục
  • Không tiểu buốt, tiểu rắt
  • Cơ năng: Đau rát nhiều, khó mở mắt phải, nhìn mờ

Khai thác tiền sử bệnh nhân cho biết có quan hệ tình dục đường sinh dục với bạn gái quen qua mạng trước khi xuất hiện tổn thương mắt 2 ngày, có sử dụng bao cao su.

Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm vi khuẩn soi tươi dịch mủ mắt thấy nhiều song cầu Gram (-) hình hạt cafe trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính. Khám mắt bệnh nhân có loét giác mạc, đáy mỏng, dọa thủng, có nhiều mủ tiền phòng.

Bệnh nhân đã được nhập viện điều trị bằng kháng sinh Rocephin và Azithromycin kết hợp chăm sóc tích cực tại chỗ. Sau 1 ngày bệnh nhân đáp ứng tốt, mắt phải bớt sưng nề và giảm chảy dịch mủ rõ rệt.

1. Vì sao lại mắc lậu ở mắt?

Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn do song cầu Gram (-) Neisseria Gonorrhoeae gây ra. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến thứ hai ở Hoa Kỳ. Bệnh thường lây trực tiếp qua quan hệ tình dục không an toàn đường âm đạo, hậu môn và sinh dục - miệng, ngoài ra có thể được truyền sang các cơ quan khác như mắt khi tiếp xúc với vi khuẩn lậu.

Bệnh lậu ở mắt xảy ra ở cả nam và nữ với mọi lứa tuổi, tập trung chủ yếu ở đối tượng trẻ sơ sinh trong khi ở người lớn thường hiếm gặp, nên việc chẩn đoán lâm sàng có thể bị trì hoãn và dễ bỏ sót.

Lậu mắt là một nhiễm trùng nặng nề do Neisseria gonorrhoeae có thể gây ra viêm loét giác mạc nhanh chóng dẫn đến biến chứng mất thị lực. Vì vậy việc phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

Vi khuẩn lậu là cầu khuẩn Gram (-) hình hạt đậu, thường đứng thành đôi quay mặt vào nhau, không di động, không tạo nha bào, thường thấy trong bào tương của bạch cầu đa nhân trung tính với tính đề kháng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ, môi trường khô và thuốc sát khuẩn thông thường. Chúng gây bệnh tại các vị trí niêm mạc như niệu đạo, âm đạo, cổ tử cung trực tràng, họng – miệng, bao hoạt dịch và mắt.

Thanh niên trẻ hốt hoảng khi phát hiện bệnh lậu ở... mắt - Ảnh 4.

Hình ảnh nhuộm Gram thấy nhiều song cầu Gram (-) hình hạt cafe trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính. Nguồn: CDC

Thời gian ủ bệnh tương đối ngắn, dao động từ 2-5 ngày. Bệnh có thể lây khi người bệnh đang trong thời gian ủ bệnh, chưa có triệu chứng, đây chính là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng.

Bệnh lậu ở mắt có thể chia thành hai hình thái lâm sàng riêng biệt: Lậu mắt ở trẻ sơ sinh với tỷ lệ mắc trên thế giới dưới 1% và lậu mắt ở người lớn có quan hệ tình dục với tỷ lệ lưu hành tại Hoa Kỳ khoảng 146 ca trên 100.000 dân.

Cách lây truyền hết sức đa dạng:

- Với nhóm trẻ sơ sinh: Trẻ bị nhiễm lậu cầu khi được sinh thường qua ngả âm đạo ở bà mẹ bị nhiễm lậu thời kỳ mang thai, ngay cả khi trẻ được sinh mổ vẫn có nguy cơ bị nhiễm lậu cầu.

- Với đối tượng người lớn: Sự lây truyền chủ yếu thông qua quan hệ tình dục, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch cơ thể có chứa vi khuẩn lậu.

Bệnh nhân có thể bị lậu mắt khi:

  • Người bị bệnh xuất tinh hoặc đi tiểu vào hoặc xung quanh mắt bạn tình
  • Bị nhiễm bệnh lậu ở những cơ quan khác và lây lan sang mắt.
  • Tay chạm vào mắt sau khi tiếp xúc với nước tiểu, tinh dịch hoặc dịch âm đạo bị nhiễm bệnh.
  • Dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt làm cho vi khuẩn xâm nhập vào mắt.

2. Triệu chứng mắt nhiễm lậu

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau 2-5 ngày sau nhiễm, một số trường hợp có thể xuất hiện sớm sau 1 ngày hoặc muộn tới 14 ngày với các biểu hiện:

  • Mắt đỏ, sung huyết
  • Sưng nề mi mắt và tổ chức quanh mắt
  • Khó mở mắt
  • Chảy dịch mủ trắng, vàng hoặc xanh lá cây số lượng nhiều, liên tục tạo thành một lớp vảy trên mắt
  • Đau, rát nhiều
  • Giảm độ nhạy cảm với ánh sáng
  • Ngoài ra, với nhóm đối tượng người lớn có quan hệ tình dục, có thể xuất hiện thêm các triệu chứng ở cơ quan khác ngoài mắt

Bệnh lậu diễn tiến cấp tính, rầm rộ, tuy nhiên lậu mắt ở người trưởng thành tương đối hiếm gặp, do đó việc bỏ sót chẩn đoán hoặc chẩn đoán muộn có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho bệnh nhân:

  • Viêm và tổn thương giác mạc, bao gồm sẹo và loét.
  • Mất thị lực một phần hoặc toàn bộ.

Do vậy, trong bệnh lậu mắt, thời gian là vô cùng quan trọng, việc phát hiện chẩn đoán càng sớm càng tốt, giúp giảm thiểu các nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân. Chẩn đoán lậu mắt ngoài các biểu hiện lâm sàng đặc trưng có thể kết hợp thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Nhuộm Gram
  • Nuôi cấy trên môi trường Thayer-Martin và/hoặc thạch sô cô la, thạch máu
  • Phản ứng chuỗi polymerase (PCR)
  • Đồng thời sàng lọc các bệnh lí lây truyền qua đường tình dục đi kèm khác
Thanh niên trẻ hốt hoảng khi phát hiện bệnh lậu ở... mắt - Ảnh 6.

Lậu mắt ở trẻ sơ sinh 3 ngày tuổi (ảnh trái). Lậu mắt bệnh nhân nữ (Ảnh phải).

3. Điều trị lậu mắt thế nào?

Để hạn chế tối đa nguy cơ tiến triển nhiễm lậu lan tỏa và biến chứng của mắt, bệnh nhân cần đến viện khám để đánh giá đầy đủ và điều trị sớm:

- Điều trị tại chỗ: rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch kháng sinh rửa mắt ngày nhiều lần.

- Điều trị toàn thân: Theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế năm 2021 về điều trị viêm kết mạc mắt do lậu cầu ở trẻ sơ sinh, lựa chọn một trong các phác đồ sau:

  • Ceftriaxon 50 mg/kg (tối đa 150 mg), tiêm bắp liều duy nhất
  • Kanamycin 25 mg/kg (tối đa 75 mg), tiêm bắp liều duy nhất
  • Spectinomycin 25 mg/kg (tối đa 75 mg), tiêm bắp liều duy nhất.

Điều trị dự phòng viêm kết mạc mắt do lậu và Chlamydia cho tất cả trẻ sơ sinh ngay sau sinh và cho cả hai mắt, lựa chọn một trong các phác đồ sau:

  • Mỡ tra mắt tetracyclin hydrochlorid 1%
  • Mỡ tra mắt erythromycin 0,5%
  • Dung dịch povidon iod 2,5% (dung môi nước)
  • Dung dịch bạc nitrat 1%
  • Mỡ chloramphenicol 1%

Đối với nhóm người lớn có quan hệ tình dục bị viêm kết mạc mắt do lậu, theo khuyến cáo của CDC 2021:

+ Ceftriaxon 1g, tiêm bắp, liều duy nhất

Kết hợp doxycycline 100mg, uống 2 lần/ngày trong 7 ngày để điều trị đồng nhiễm Chlamydia.

Trường hợp bệnh nhân nam giới trẻ tuổi đến khám đã được chẩn đoán xác định là tình trạng nhiễm lậu mắt, tương đối hiếm gặp với tổn thương cơ quan duy nhất là mắt phải, không có biểu hiện của lậu ở cơ quan sinh dục và vị trí niêm mạc khác.

Chính vì hình ảnh lâm sàng đặc biệt nên bệnh nhân đã bị bỏ sót chẩn đoán ở giai đoạn sớm khiến bệnh cảnh kéo dài đến 10 ngày.

Khi đến với bệnh viện, bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn và bắt đầu xuất hiện các biến chứng do lậu ở mắt nguy cơ dọa thủng giác mạc. Mặc dù vậy bệnh nhân đã được điều trị tích cực, kịp thời để giảm thiểu tối đa biến chứng nặng nề hơn.

4. Cách phòng bệnh lậu

Hiện tại, biện pháp tốt nhất để hạn chế được tình trạng lậu nói chung và lậu mắt nói riêng chính là việc nâng cao ý thức, sự hiểu biết của bệnh nhân trong phòng bệnh:

- Cần rửa tay sạch sẽ sau khi quan hệ tình dục, sử dụng xà phòng nhẹ và nước, là một trong những cách tốt nhất để tránh lây nhiễm vi khuẩn lậu ở mắt.

- Trong khi quan hệ tình dục, cố gắng để tinh dịch hoặc nước tiểu tránh xa mặt. Nếu bị dính tinh dịch hoặc nước tiểu vào mắt và không chắc chắn về tình trạng STD của đối tác, hãy rửa thật sạch bằng nước muối 0.9% để loại bỏ vi khuẩn ngay lập tức.

- Kiểm tra sức khỏe sinh sản mỗi năm một lần hoặc bất cứ khi nào có một mối quan hệ mới là một cách để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh lậu ở mắt và các nơi khác.

- Nếu bệnh nhân hoặc bạn tình có kết quả dương tính với bệnh lậu, cả hai nên đi khám và điều trị.

- Quan hệ tình dục lại sau tối thiểu 7 ngày kể từ khi điều trị.

Bệnh lậu ở mắt là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính có thể xảy ra từ lứa tuổi sơ sinh cho đến người lớn có quan hệ tình dục. Bệnh thường diễn biến cấp tính với lâm sàng rầm rộ và nguy cơ biến chứng cao gây hậu quả mất thị lực. Việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Bệnh nhân cần được đến viện điều trị theo phác đồ và đánh giá đầy đủ các biến chứng do lậu cầu gây ra. Vì vậy việc phòng bệnh chủ động và đi khám sớm khi có các triệu chứng nghi ngờ sẽ giúp người bệnh được tiếp cận sớm các chăm sóc y tế chuyên khoa, từ đó hạn chế các biến chứng nguy hiểm.


BSNT. Vũ Xuân Hương
Bệnh viện Da liễu Trung ương
Ý kiến của bạn