Hà Nội

Thanh niên suy thận từ độ 2 thành giai đoạn cuối vì tin thầy lang “chém” chữa được cả suy thận độ 8

27-09-2019 13:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời gian qua tại BV này các bác sĩ đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nặng do lạm dụng thuốc đông y.

Điển hình là trường hợp của bệnh nhân Đ. V.N, 31 tuổi, ở Hàm Yên, Tuyên Quang, bệnh nhân này đã phải vào viện cấp cứu vì suy thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân N chia sẻ, anh được chẩn đoán suy thận độ 2 tại bệnh viện huyện Hàm Yên, bác sỹ tư vấn nhưng anh không điều trị tại bệnh viện mà nghe theo lời mách tự bốc thuốc của một thầy lang gần nhà.  Anh N tâm sự: “thầy bảo, thuốc của thầy chữa được suy thận độ 8 chứ độ 2 đã là cái gì”. Và, sau 4 tháng dùng thuốc, bệnh thì không thấy đỡ, chỉ thấy người mệt mỏi, anh N đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.  Bác sĩ chẩn đoán anh đã bị suy thận giai đoạn cuối (độ 4), phải chạy thận cấp cứu vì thận không lọc được chất độc trong máu. Hiện anh N đang nằm điều trị tại khoa Nội thận khớp.

Bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang

Trước đây không lâu, tại khoa Nội tổng hợp, cũng có trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc D, 58 tuổi, Phường Phan Thiết – Tp Tuyên Quang phải tháo bỏ ngón chân hoại tử vì  biến chứng của bệnh tiểu đường do dùng thuốc nam. Bà D cho biết, bà được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 có biến chứng thần kinh ngoại vi và viêm mô tế bào ngón chân nhưng chưa có loét.  Bệnh nhân nghe người quen mách bốc thuốc về đắp, sau 3 – 4 ngày, chân sưng dần lên, chảy dịch.  Bệnh nhân đến BV khám  thì lúc này đã biến chứng nặng và phải tháo bỏ ngón chân hoại tử.

Theo, Bs. Lý Thị Thơ, Trưởng khoa Nội Thận khớp,  Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, không thể phủ nhận hiệu quả của y học dân tộc với đóng góp thiết thực cho nền y học nước nhà.  Và quan niệm sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) là an toàn và tốt cho sức khỏe – đúng, song chưa đủ. Bởi, thuốc nam, thuốc bắc được sử dụng mà không được kiểm nghiệm về chất lượng không rõ nguồn gốc rõ ràng thì rất nguy hiểm.

Thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng và ngộ độc thuốc đông y đang ngày một gia tăng trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, miền núi.  Hầu hết các bệnh từ nặng như  Gan mật, thận tiết niệu, cơ xương khớp, ung thư…đến các bệnh thông thường như viêm dạ dày, dị ứng, viêm mũi, viêm xoang  đều được một số ông Lang bà mế quảng cáo là chữa khỏi.

Bs. Thơ cũng cho biết thêm, tại đây, gần như tất cả các bệnh nhân suy thận phải chạy thận lọc máu cũng đều có thời gian dùng thuốc Nam kéo dài.

Những tác dụng không mong muốn của thuốc đông y mà người dùng chưa hiểu rõ:
Thuốc đông y khó kiểm soát được hoạt chất: Thuốc đông y bao gồm nhiều vị thuốc khác nhau, mỗi vị thuốc có thể có tác dụng điều trị, tác dụng không mong muốn và độc tính khác nhau. Việc phối hợp thuốc không đúng có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng tác dụng phụ và độc tính.
Thuốc đông y khó kiểm soát được liều dùng: Đơn vị tính thường là thang thuốc, việc định lượng liều rất mơ hồ, ranh giới giữa liều điều trị và liều độc không rõ ràng.
Thuốc đông y được sấy khô nên nếu cơ sở không đảm bảo có thể được bảo quản tránh ẩm mốc từ các hoá chất độc hại:  lưu huỳnh, chlor, thủy ngân, thậm chí có cả các kim loại nặng như chì, arsenic gây độc tế bào, rối loạn chuyển hóa cấp độ tế bào.
Nhiều “ông lang” vì lợi ích cá nhân trộn thuốc Tây y vào để tăng hiệu quả điều trị nên dễ bị quá liều cả hai, chưa kể các thuốc đông tây y phản ứng với nhau tạo ra chất độc hại cho người sử dụng.

Do đó, khi người bệnh muốn sử dụng thuốc đông y, nên đến khám thầy thuốc chuyên khoa y học dân tộc được đào tạo bài bản, nguồn gốc thuốc rõ ràng, chất lượng thuốc đảm bảo về màu sắc, thành phần, theo các bài thuốc gia giảm phù hợp.

Các bác sĩ khuyến cáo: Khi cảm thấy cơ thể không thoải mái, sức khỏe có vấn đề, hãy nên đến những cơ sở y tế hiện đại hoặc chuyên khoa để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị chính xác, không nên nghe theo những người không có chuyên môn kẻo “tiền mất tật mang”.


Thanh Yến
Ý kiến của bạn