Thanh niên 9X suýt nghỉ chơi bóng đá vì đau chân không chịu đi khám

07-04-2019 07:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ cho biết, với trường hợp của bệnh nhân C., nếu không được can thiệp kịp thời có thể phải ngừng hoạt động thể thao, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Bệnh nhân N.V.C (25 tuổi, ở Hà Nội) đến khám tại chương trình Khám miễn phí Chấn thương thể thao cổ bàn chân tại BV Hữu nghị Việt Đức ngày 6/4 cho biết, anh thường xuyên đá bóng và đã bị chấn thương lật cổ chân nhiều lần. Bệnh nhân xuất hiện đau, giảm hoạt động thể thao cách đây khoảng 3 tháng, đã điều trị tại nhà và châm cứu nhưng không đỡ. Bệnh nhân vẫn tiếp tục đau tăng lên và mất dần hoạt động đá bóng.

Đọc thông tin trên báo chí, anh C. đã đến khám tại Phòng khám Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có một tổn thương sụn và dây chằng delta cổ chân. Bệnh nhân có chỉ định mổ nội soi để giải quyết thương tổn.

Các bác sĩ cho biết, với trường hợp của bệnh nhân C., nếu không được can thiệp kịp thời có thể phải ngừng hoạt động thể thao, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt thường ngày.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những hệ quả cho người bệnh đó là làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh thăm khám cho bệnh nhân bị chấn thương khớp cổ bàn chân.


70% bệnh nhân chấn thương khớp cổ bàn chân do chơi thể thao

Riêng với khớp cổ chân, PGS. Khánh cho hay, cổ chân là một khớp phức tạp được cấu tạo bởi khớp giữa xương chày và xương mác, giữa xương chày và xương sên và hệ thống dây chằng cổ chân. Xương sên nằm gọn trong mộng chày mác và khớp cổ chân chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể khi đi lại khoảng 1/6 sức nặng là do xương mác chịu, 5/6 sức nặng là do xương chày chịu.

Vì vậy, khớp cổ bàn chân đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chức năng vận động của cơ thể con người. Trong số đó, tỷ lệ bệnh nhân chấn thương khớp cổ bàn chân do chơi thể thao được tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chiếm đến 70-80%, độ tuổi chủ yếu ở 20-35 tuổi.

“Nguyên nhân chính gây nên các chấn thương khớp cổ chân là do người dân khởi động không kỹ trước khi chơi thể thao, không có sự làm nóng các khối cơ, làm mềm dẻo khớp cổ bàn chân thì rất dễ chấn thương.

Thứ 2 là có sự va chạm, nhất là các môn thể thao có tính đối kháng, hoặc môn thể thao có sự va chạm trực tiếp như bóng đá, hoặc các môn thể thao dùng tay như bóng chuyền, bóng rổ…

Một nguyên nhân nữa là quá trình chơi người chơi chạy sai tư thế, mặt sân mấp mô, cổ chân xoắn vặn quá mức… gây ra chấn thương ở cổ bàn chân… Thậm chí cả ở việc chọn giày không phù hợp với từng môn thể thao, giày không đảm bảo chất lượng cũng có thể gây ra các chấn thương cổ bàn chân...”- chuyên gia chấn thương chỉnh hình cho hay.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh lưu ý: “Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ. Có trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chệm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp. Đặc biệt, có không ít bệnh nhân bị sưng khớp, trật khớp, đau mỏi còn điều trị bằng thuốc nam, châm cứu… sẽ làm cho bệnh càng nặng hơn”.

PGS. Khánh khuyến cáo người dân khi có những biểu hiện như: Đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị kịp thời tránh tự chữa bằng đắp lá, kéo, nắn giật... rất nguy hiểm, gây khó khăn cho điều trị.


Dương Hải
Ý kiến của bạn