Các bác sĩ Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức mới đây đã thực hiện mổ thay khớp háng toàn phần bên phải cho nam bệnh nhân N.N.L, 22 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội, bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi giai đoạn 4.
TS.BS Dương Đình Toàn, Viện Chấn thương chỉnh hình, việc thay khớp háng ở những bệnh nhân trẻ không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh sau mổ mà trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, người bệnh phải đối mặt với những lần mổ thay lại khớp do giới hạn tuổi thọ của khớp nhân tạo.
Theo nghiên cứu, những lần mổ thay lại khớp gặp nhiều thách thức và khó khăn hơn mổ lần đầu.
BS. Toàn cho biết, bệnh nhân L. vào viện trong tình trạng đau khớp háng 2 bên, đi lại khó khăn, phải dùng nạng hỗ trợ.
Bệnh nhân có tiền sử điều trị thuốc trầm cảm liên tục 3 năm, hiện nay đã dừng thuốc, thể trạng tăng cân. Phim chụp X- Quang cho thấy tổn thương gãy xương dưới chỏm và tiêu toàn bộ chỏm xương đùi bên phải.
Chỏm xương đùi bên trái cũng tổn thương tương tự, tiên lượng sẽ phải thay khớp háng bên trái trong thời gian ngắn.
TS.BS Dương Đình Toàn thăm khám lại cho nam bệnh nhân sau ca phẫu thuật
Theo các chuyên gia chấn thương chỉnh hình, hoại tử chỏm xương đùi bắt nguồn từ tổn thương mạch máu nuôi xương vùng chỏm xương đùi.
Nguyên nhân đến này vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên người ta thấy thường xuất hiện ở những người thợ lặn, công nhân hầm mỏ, những người sử dụng thuốc corticoid trong thời gian kéo dài, người có thói quen hút thuốc lá, bia rượu lâu năm. Bệnh diễn biến âm thầm, ngày càng nặng lên, cuối cùng đau, mất chức năng khớp háng, bắt buộc phải thay khớp.
Đối với trường hợp của bệnh nhân N.N.L mặc dù hiện tại trên y văn vẫn chưa ghi nhận mối liên quan giữa người bệnh dùng thuốc trầm cảm và tiêu chỏm xương đùi, tuy nhiên sự xuất hiện bệnh quá sớm, diễn biến nhanh trên bệnh nhân L vẫn chưa thể lý giải.
Cũng theo các chuyên gia của BV Việt Đức có nhiều phương pháp thay khớp háng nhân tạo được áp dụng cho bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi như: thay bề mặt khớp, thay khớp háng toàn phần và cho kết quả tốt, khoảng 99% người bệnh cảm thấy hết triệu chứng đau, đi lại gần như bình thường.
TS.BS Dương Đình Toàn cho hay: Trong hầu hết các trường hợp trước mổ do đau, chân ít vận động trong thời gian dài làm cho cơ đùi, mông teo nhỏ. Vì vậy sau mổ, đặc biệt trong 8 tuần đầu, nguy cơ trật khớp háng nhân tạo tăng cao. Thời gian sau đó, nếu người bệnh tập luyện tốt, cơ rắn chắc trở lại thì nguy cơ này sẽ giảm dần.
Trong quá trình tập luyện, người bệnh có thể bước đi trên khớp háng mới thay, tuy nhiên mới đầu sẽ đau và có cảm giác cứng khớp. Khi đó bác sĩ phẫu thuật sẽ khuyên bệnh nhân nên dùng nạng hỗ trợ khi đi lại và tỳ chân mức độ hợp lý, cùng với quy trình tập luyện được bác sĩ phục hồi chức năng đưa ra, người bệnh sẽ thích nghi dần, đau sẽ giảm dần, đến lúc hết đau.