Hà Nội

Thành lập thanh tra Tổng cục, Cục không làm tăng biên chế

14-11-2022 09:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 14/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức điện tử để thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi).

Kết quả biểu quyết bằng hình thức điện tử cho thấy, có 459 ĐBQH có mặt tán thành (chiếm 92,17%), Quốc hội chính thức thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi).

Thành lập thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng đầu mối đơn vị và biên chế - Ảnh 1.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi).

Trước khi các ĐBQH tiến hành biểu quyết, thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo Báo cáo, về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ (Điều 18); thành lập cơ quan thanh tra tại các đơn vị ngành dọc thuộc Tổng cục ở địa phương, đa số ý kiến tán thành quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì có thể làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Qua quá trình xem xét, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ như tại khoản 2 Điều 18; đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, tại khoản này đã bổ sung quy định "Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ" để bảo đảm chặt chẽ. Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các Tổng cục, Cục cụ thể.

Thành lập thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng đầu mối đơn vị và biên chế - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về tổ chức Thanh tra BHXH, bao gồm Thanh tra BHXH Việt Nam và Thanh tra BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Báo cáo của UBTVQH cho rằng, đối với BHXH Việt Nam, Luật BHXH năm 2014 quy định cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN và BHYT. Tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ theo quy định của Luật Thanh tra và luật chuyên ngành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ như trong dự thảo Luật, không quy định cụ thể về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra của BHXH trong Luật Thanh tra.

Về Thanh tra sở, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về Thanh tra sở như tại Điều 26 của dự thảo Luật.

Thành lập thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng đầu mối đơn vị và biên chế - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp sáng 14/11.

Đối với kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra, bảo đảm phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước và yêu cầu cải cách tiền lương trong thời gian tới; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ trích trong dự thảo Luật hoặc giao UBTVQH quy định.

UBTVQH cho biết, căn cứ thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành và yêu cầu thực tiễn, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định "các cơ quan thanh tra nhà nước được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra".

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 327/2016/TT-BTC quy định cụ thể phạm vi các khoản được trích, mức trích, việc quản lý, sử dụng và thủ tục dự toán, quyết toán. Thực tiễn thực hiện thời gian qua cho thấy quy định này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này trong dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, khoản 3 Điều 112 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giao UBTVQH quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ theo yêu cầu của pháp luật về ngân sách nhà nước và phù hợp với chủ trương thực hiện cải cách tiền lương.

Cũng trong sáng nay, các ĐBQH tiến hành biểu quyết bằng hình thức điện tử để thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi). Kết quả, có 472 số ĐBQH có mặt tán thành (chiếm 94,78%), Quốc hội chính thức thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi).

Trước khi các ĐBQH tiến hành biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Trên cơ sở 13 ý kiến phát biểu của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sởQuốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

SKĐS - Sáng 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, với tỷ lệ 443/455 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 88,96% tổng số ĐBQH).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11,12 | SKĐS


Lê Bảo
Ý kiến của bạn