Văn bản do bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT ký ngày 14/6 nêu: Ngày 8/6, Báo Sức khoẻ & Đời sống có đăng tải bài viết: Bất ngờ với vi phạm của 'chuyên cơ mặt đất' tuyến Hà Nội – Lào Cai.
Để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, Thanh tra Bộ GTVT đề nghị Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội và Thanh tra Sở GTVT – Xây dựng tỉnh Lào Cai thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện vận tải hành khách bằng xe ô tô của Nhà xe Hà Sơn Hải Vân vận chuyển hành khách tuyến Hà Nội – Lào Cai, trong đó có các nội dung phản ánh như báo chí nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân được biết đến là "ông lớn" trong ngành vận tải tuyến cố định Sa Pa – Lào Cai – Hà Nội.
Mỗi ngày, hãng xe này có khoảng gần 50 chuyến xuất phát ở cả 2 chiều Hà Nội và Lào Cai với tần suất 45 phút/chuyến. Nhưng sự coi thường tính mạng hành khách thể hiện khi đón khách ngay trên cao tốc, xe chở quá số người quy định.
Trong vai là hành khách từ Hà Nội đi du lịch Sa Pa (Lào Cai), chúng tôi tìm đến văn phòng bán vé của hãng xe Hà Sơn Hải Vân tại số 677, đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai). Tại đây, cứ khoảng vài chục phút là có một chuyến xe chạy. Nhân viên nhà xe thoải mái dừng đỗ xe ở lòng đường để đón khách và ký gửi hàng hóa.
Tương tự, tại văn phòng nằm trên đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm), 70 Ngô Gia Khảm (quận Long Biên) hay văn phòng số 78 Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), hãng xe Hà Sơn - Hải Vân vô tư đón trả khách ngay tại văn phòng chứ không ra vào bến theo đăng ký tuyến cố định.
Theo tư vấn của nhân viên bán vé, hãng xe này có nhiều loại vé cho hành khách với giá tiền khác nhau phụ thuộc vào mức độ nhanh chậm của xe.
Cụ thể, với vé xe thường sẽ đón trả khách dọc đường, dọc cao tốc Nội Bài – Lào Cai là 260.000 đồng/người (xe giường nằm 40 chỗ); vé xe nhanh là 290.000 đồng/người (xe giường nằm 34 chỗ chạy thẳng). Đặc biệt nhất là vé VIP có cabin đôi giá 750.000 đồng/2 người dành cho 10 khoang dưới và vé đơn 430.000/người dành cho 10 khoang trên tuyến Hà Nội – Sa Pa của gần hai chục chiếc "chuyên cơ mặt đất" được ra mắt cuối năm 2020.
Mỗi khoang giường ngăn với nhau bằng vách ngăn và rèm cửa tạo không gian cá nhân, riêng tư. Hãng xe Hà Sơn Hải Vân quảng cáo đây là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển ngành kinh doanh vận tải, du lịch Sa Pa, du lịch Lào Cai nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, qua tra cứu trên hệ thống đăng kiểm, hầu hết gần hai chục "chuyên cơ mặt đất" của Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân đều hoán cải để chở quá số người cho phép.
Ví dụ: Phương tiện 24B-008.79; 24B – 008.03; 29B-407.06… đăng ký cho phép chở 22 người nhưng thực tế luôn chở trên 30 hành khách trong 20 cabin…
Theo lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội, việc các nhà xe chở cabin đôi 2 người là vi phạm Luật an toàn giao thông đường bộ: Xe 20 hoặc 22 phòng đôi bên đăng kiểm cũng chỉ cho chở tối đa 1 người 1 phòng. Chở đôi là vi phạm pháp luật, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt lỗi quá số người quy định trên 1 xe.
Vị này chia sẻ, việc chở quá hành khách trong cabin đôi như vậy rất nguy hiểm, đặc biệt địa hình Lào Cai, Sa Pa là vùng núi, đường ngoằn ngoèo. Bởi khi hoán cải để chở từ 1 khách/cabin mà tăng lên 2 người thì lối thoát của khung xe này lại hẹp hơn, không thể đảm bảo an toàn.
Theo nghị định 100/2019/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định: Mức phạt đối với lái xe chở quá số người quy định 2020, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ: Mức phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng/mỗi người vượt quá (phạt tối đa 40 triệu đồng). Ngoài phạt tiền, trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép, sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép, bị tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng.
Không chỉ người lái xe chịu trách nhiệm nộp phạt mà theo quy định mới, chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong vấn đề này. Chủ xe là tổ chức: Với số lượng người vượt quá như trên. Mức phạt từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/mỗi người vượt quá khi đi quá 300 km thì mức phạt tối đa 80 triệu đồng.
Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo - chuyên gia kỹ thuật ô tô, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, cùng với việc dừng đỗ, đón trả khách tự do gây mất ATGT, việc hoán cải phương tiện thành cabin đôi nhằm mục đích chở thêm khách của nhà xe Hà Sơn Hải Vân cần phải được xử lý nghiêm.
"Việc không tuân thủ nội dung đăng kiểm, chở quá số người sẽ khiến tính năng của xe bị suy giảm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông", ông Tạo nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho hay: "Tình trạng xe khách dừng đỗ, đón trả khách tự do từ các tuyến phố nhỏ tới đường cao tốc gây bức xúc trong dư luận và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông".
Theo ông Quyền, nhiều xe khách sau khi rời bến là dừng đỗ tự do, lôi kéo, bắt khách giữa đường gây mất an toàn, hỗn loạn giao thông. Đồng thời, việc bắt xe giữa đường rất nguy hiểm đối với cả hành khách và người tham gia giao thông khác. Tình trạng này kéo dài, khiến dư luận bức xúc, làm xấu đi bộ mặt giao thông công cộng.
"Song song với việc xử lý dứt điểm tình trạng xe khách dừng đỗ, đón trả khách tự do kiểu xe dù, bến cóc lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra các phương tiện hoán cải, thay đổi kết cấu của xe nhằm mục đích chở quá số lượng hành khách", Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.
Trong quá trình ghi nhận chiều 14/6, phóng viên bắt gặp 2 phương tiện của nhà xe Hà Sơn Hải Vân mang BKS 24B – 007.65 và 24B – 008.65 thực hiện việc đón khách ngay tại văn phòng Hà Sơn Hải Vân Nội Bài (địa chỉ ngã ba Kim Anh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Đáng chú ý, 2 phương tiện này dừng đỗ hoàn toàn trong phần đường dành cho xe máy khiến nhiều phương tiện phải đánh lái sang làn đường dành cho ô tô.
Trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, những chiếc xe khách mang thương hiệu Hà Sơn Hải Vân thường xuyên chạy với tốc độ cao, kéo còi inh ỏi, liên tục tạt vào lề đường để đón trả khách và hành lý. Trên tuyến này, có rất nhiều "bến cóc" thường xuyên có những tốp 5 đến 7 người đứng ven đường đón xe. Hành khách cũng thường xuyên đi bộ băng qua đường, qua dòng xe chạy tốc độ cả trăm km/h để bắt kịp chuyến xe.
Theo người dân sống dọc theo tuyến cao tốc chạy qua địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai… nhiều điểm đã gần như trở thành điểm dừng đón xe cố định. Và từ đó, nhiều dịch vụ ăn theo phục vụ cho khách chờ đón xe cũng xuất hiện.
Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.