Tại Lễ Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bệnh viện E đã chính thức thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại bệnh viện. Tham dự lễ thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại bệnh viện có GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia…
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mở đầu năm mới 2024 là dấu ấn thành công của các ca ghép mô, bộ phận cơ thể người được triển khai đồng loạt ở các bệnh viện từ người cho chết não. Đây không chỉ là thành công của một bệnh viện mà là của toàn ngành y tế Việt Nam. Phương pháp ghép mô, tạng đang ngày càng nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành… Trong khi nhu cầu ghép tạng là rất lớn nhưng nguồn tạng lại hiếm, vì vậy vai trò của Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người là rất quan trọng.
Thông qua việc thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại BV E sẽ tăng thêm nguồn sức mạnh cho công tác vận động hiến tạng và giúp lan tỏa tới người bệnh và người thân người bệnh về ý nghĩa nhân văn này. Trong quá trình vận động, Bệnh viện cần chủ động nắm bắt thông tin của từng người bệnh có thể hiến mô, tạng để thành viên Chi hội, cũng như cán bộ y tế vận động người nhà người bệnh đồng ý hiến tạng; sử dụng hình ảnh, pano, áp phích để tuyên truyền về hoạt động hiến mô, bộ phận cơ thể người đến với người bệnh đến khám tại bệnh viện hằng ngày…
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Chi hội cần có lộ trình, phương án truyền thông nhằm lan tỏa hoạt động ý nghĩa này đến với người bệnh trong bệnh viện để nguồn tạng hiến đồi dào, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh.
Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mỗi ngày, khoảng 2.000-3.000 người bệnh đến khám và điều trị tại BV E được tiếp cận vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người thì sẽ nhân lên, số người một tháng được tiếp cận vận động hiến mô, bộ phận cơ thể sẽ rất lớn.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến hy vọng, việc thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện E sẽ có nguồn tạng để triển khai ghép tim, gan, phổi và nhiều bộ phận cơ thể khác trong tương lai gần. Việc triển khai vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người trong bệnh viện, không chỉ cần sự tham gia của các bác sĩ ở khoa Hồi sức tích cực, khoa cấp cứu… đánh giá về khả năng chết não của người bệnh, mà thành viên của Chi hội sẽ tiếp tục vận động người nhà người bệnh đồng ý hiến tạng, nhân lên sự sống cho nhiều người bệnh khác.
PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng, Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện E được thành lập với 56 hội viên trong đó Ban Chấp hành Chi hội có 16 thành viên, chủ yếu là cán bộ y tế để lan tỏa và tìm kiếm nguồn mô, bộ phận cơ thể người ngay tại Bệnh viện E. Những thành viên này cần được đào tạo bài bản và có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người bệnh về mục đích, ý nghĩa của hoạt động nhân văn này.
TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc BV E khẳng định, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Hàng năm, trên thế giới có hàng trăm, hàng nghìn người được ghép mô, tạng. Lượng người bệnh chỉ định ghép mô, tạng ngày càng gia tăng qua các năm. Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hoá, truyền thống của người Á Đông, nguồn tạng từ người chết não vẫn đang còn nhiều hạn chế, việc thay đổi nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng là việc phải làm tích cực.
Các nhân viên y tế và người lao động của bệnh viện cũng ý thức được tầm quan trọng của các hoạt động xã hội trong cộng đồng, tính nhân văn của việc hiến tặng các bộ phận cơ thể nếu một người không may tai nạn, bệnh tật mất đi mà vẫn có thể đem lại sự sống, thay đổi số phận cho người khác. Vì vậy, Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam của Bệnh viện E ra đời góp phần tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng ý nghĩa nhân văn đó.
Chi hội được thành lập với 56 hội viên đều là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế với quy chế hoạt động, triển khai hiệu quả, phù hợp với tình hình của Bệnh viện E: Theo dõi, ghi nhận các trường hợp có nguy cơ chết não đang được điều trị tại đơn vị và vận động người nhà người bệnh đăng ký hiến mô, tạng khi người bệnh được chẩn đoán chết não; Tuyên truyền, vận động cộng đồng, đội ngũ nhân viên y tế, người bệnh về mục đích, ý nghĩa của hoạt động hiến mô, bộ phận cơ thể người; Phối hợp với Trung tâm điều phối Ghép tạng Quốc gia trong việc tổ chức đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người; điều phối ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định.
Tại buổi lễ, TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E; TS.BS Phan Thảo Nguyên – Phó Giám đốc Bệnh viện E, ông Nguyễn Hồng Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội – Văn phòng Quốc hội cùng rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế BV E cùng đăng ký hiến mô tạng. Những người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người đã được trao thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia.