Hà Nội

Thành lập 40 đội phản ứng nhanh sẵn sàng ứng phó nCoV

28-01-2020 19:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều 28/1/2020, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống các bệnh dịch mới nổi để triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (n CoV) gây ra.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ ngành, địa phương triển khai thật cụ thể, thật sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp chiều 27/1/2020 cũng như Chỉ thị 05/CT-TTg.
Cập nhật tình hình phòng, chống dịch nCoV tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết đến 18 giờ, ngày 28/1/2020, Trung Quốc ghi nhận 4.515 ca nhiễm nCoV, 107 trường hợp tử vong. Có 18 quốc gia ghi nhận ca nhiễm nCoV với tổng số 65 trường hợp.
Tại Việt Nam, hiện có 27 trường hợp nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm (giảm 9 người so với ngày 27/1). Trong đó, tại miền Bắc có 24 trường hợp, miền Trung và Tây Nguyên không có trường hợp nào, miền Nam có 5 trường hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện tất cả các bệnh nhân thuộc diện nghi nhiễm nCoV đều đang được cách ly, điều trị như đã nhiễm nCoV trong khi chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo ngành y tế cần sớm hoàn thiện các kịch bản cho tình huống dịch bệnh xấu nhất có thể xảy ra


Về hai trường hợp nhiễm nCoV đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin: Người con đã khỏi bệnh, còn người cha mặc dù bị ung thư phải cắt phổi phải nhưng tình hình tién triển tích cực.
“Kết quả này cho thấy ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng điều trị thành công các ca bệnh nhiễm nCoV. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện phác đồ điều trị phù hợp các trường hợp nghi nhiễm đang cách ly, xét nghiệm thì sức khoẻ đều ổn định, tốt lên”, thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai hệ thống giao ban trực tuyến từ đầu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh đến các bệnh viện đang quản lý, cách, điều trị bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm nCoV và những địa bàn có thể co ca nghi nhiễm để thường xuyên cập nhật, trao đổi, thống nhất phương án, phương pháp điều trị, minh bạch thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang khẩn trương thành lập 40 đội cơ động, có thể, cách ly, khử khuẩn trong quá trình điều trị tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm nCoV.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng điều trị thành công các ca bệnh nhiễm nCoV

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đề nghị các bệnh viện báo cáo nhanh số khẩu trương, máy thở, cơ số thuốc men… có khả năng đáp ứng điều trị được bao nhiêu bệnh nhân. “Chúng ta cần tính đến khả năng mua dự trữ một số thuốc men, vật tư, thiết bị y tế đề phòng trường hợp xấu nhất”.
Qua báo cáo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất với nhận định: Dịch nCoV ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, tình hình dịch ở Trung Quốc diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu là sẵn sàng trong mọi tình huống, nhất định không để dịch lây lan ra.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế ngay trong ngày mai (29/1) phải hoàn thiện, cập nhật các phương án, kịch bản đối phó với dịch nCoV trong từng tình huống rất cụ thể.
Theo kịch bản hiện nay, tình huống dịch nCoV ở Việt Nam đang ở cấp độ 1 là có ca bệnh xâm nhập. Ngành y tế đã rất sẵn sàng với cấp độ 2 là có ca bệnh lây nhiễm tại chỗ và đã có phương án để ứng phó với cấp độ 3 theo quy chuẩn ASEAN là có trên 20 ca nhiễm bệnh. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai theo kịch bản này nhưng chi tiết hơn nữa, và tính đến tình huống xấu hơn là có hàng ngàn người bị nhiễm.

Bên cạnh đó, để phối hợp với phía Trung Quốc trong phòng, chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát, quản lý người đi qua lại đường mòn, lối mở và các cửa khẩu quốc tế. Trước mắt tạm thời không cấp thị thực du lịch (bao gồm cả thị thực điện tử, thị thực thông thường và thị thực cửa khẩu) cho khách Trung Quốc đến từ khu vực có dịch bệnh, trừ trường hợp khẩn cấp.

Đối với cư dân khu vực biên giới, thông thương qua các đường mòn, lối mở, các cơ quan chính quyền địa phương tăng cường biện pháp tuyên truyền, thuyết phục cư dân biên giới tạm thời hạn chế các hoạt động giao lưu, qua lại biên giới trong thời gian này. 

Để bảo đảm phòng, chống dịch nCoV nhưng không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế bình thường, các cơ quan chức năng khu vực biên giới, cửa khẩu sẽ tăng cường biện pháp phòng dịch và tiếp tục theo dõi sát với cảnh báo, khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để có các biện pháp ứng phó phù hợp.


“Tinh thần phải sẵn sàng hơn hết, luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Ngoài các đội cơ động của Trung ương, các bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thành lập đội phản ứng nhanh để ứng phó, can thiệp trên địa bàn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.


Anh Văn
Ý kiến của bạn