Như thông tin đã đưa, tuyến đê tả sông Càn, thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa xuất hiện những vết nứt lớn, sạt lở nghiêm trọng phần mái và thân đê, khoảng ½ mặt đê phía sông bị lún sâu từ 0,15 đến 0,3 m so với mặt đê cũ. Nhiều đoạn đê xuất hiện vết nứt dài khoảng 30m, có đoạn vết nứt dài khoảng 90 m, rộng từ 1,5 đến 3 cm, lún sâu lên đến gần 1m. Hiện nay, các vết sạt lở vẫn đang mở rộng, tiềm ẩn nguy cơ cao vỡ đê khi có mưa lũ xảy ra...
Được biết, tuyến đê tả sông Càn ngoài chức năng phòng chống thiên tai, bão lụt, ngăn mặn trong sản xuất nông nghiệp, còn là tuyến đường dân sinh độc đạo phục vụ cho nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của xã Nga Điền, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của gần 5.000 nhân khẩu.
Ngoài ra đây còn là đường cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố. Không những thế, tuyến đê này ngoài nhiệm vụ đảm bảo an toàn mùa mưa lũ cho xã Nga Điền, còn bảo vệ an toàn cho hàng vạn người dân thuộc một số xã của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (khu vực giáp ranh huyện Nga Sơn). Vì thế, nếu đê vỡ, sẽ gây ra thảm cảnh cho rất nhiều hộ dân hai tỉnh Thanh Hóa - Ninh Bình.
Trước tình hình đó, ngày 21/8, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra một số dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê và xâm thực bờ biển tại các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa và TP. Thanh Hóa, trong đó đến kiểm tra tiến độ khắc phục sự cố sụt lún, sạt, trượt mái đê tả sông Càn đoạn từ K6+570 - K6+690 m thuộc xã Nga Điền.
Qua kiểm tra, ghi nhận thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị ngành chức năng, huyện Nga Sơn khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ đê sông Càn; xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn cho người dân không chỉ khu vực bị sụt lún mà trên toàn tuyến đê theo phương châm "4 tại chỗ".
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất chủ trương đầu tư nâng cấp đoạn sụt lún đê sông Càn theo quy trình khẩn cấp về phòng, chống thiên tai. Giao ngành chức năng, huyện Nga Sơn căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án theo yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng lưu ý việc lựa chọn đơn vị tư vấn phải là những đơn vị có kinh nghiệm, năng lực và làm trên cơ sở khoa học. Tuyệt đối không lựa chọn đơn vị tư vấn và đưa nhà thầu thiếu kinh nghiệm vào thi công những công trình đê điều có tính chất quan trọng. Trong quá trình thi công mặt đê phải bảo đảm theo đúng quy hoạch, đồng thời tính toán, lựa chọn những điểm xung yếu để kè.
"Đây là dự án có tính chất khẩn cấp, nên tiến độ cũng phải nhanh chóng, khẩn trương. Tuy nhiên, chất lượng công trình phải được đặt lên hàng đầu nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất đời sống người dân cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trong mùa mưa, bão". Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.