PV: Thưa ông, BVĐK tỉnh Thanh Hoá hiện nay đã triển khai được những kỹ thuật gì trong việc điều trị các bệnh lý tim mạch?
Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Lê Văn Sỹ: Trong những năm qua, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã tập trung phát triển lĩnh vực điều trị tim mạch và hiện nay BV đã có khoa Tim mạch với quy mô trên 100 giường bệnh. Số lượng bệnh bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 120-130 người; số khám và điều trị ngoại trú hàng ngày khoảng 100-200 bệnh nhân.
Chúng tôi đã triển khai được kỹ thuật tim mạch can thiệp dưới sự giúp đỡ của các bác sĩ đầu ngành Viện Tim mạch Việt Nam. Trung bình mỗi năm có khoảng từ 300-500 bệnh nhân tim mạch được can thiệp động mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác bằng kỹ thuật can thiệp tim mạch.
Năm 2015 được sự giúp đỡ của Bộ Y tế và BV E Trung ương thực hiện chuyển giao theo Đề án BV vệ tinh, chúng tôi đã triển khai phẫu thuật tim hở và hiện nay các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã hoàn toàn chủ động thực hiện được các kỹ thuật phẫu thuật thay van tim cũng như các bệnh lý về tim bằng phẫu thuật.
Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Lê Văn Sỹ.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực điều trị nội khoa, chúng tôi thường xuyên cử các bác sĩ đi đào tạo sau Đại học cũng như là đào tạo cập nhật các kiến thức từ các Viện đầu ngành, đặc biệt từ Viện Tim mạch Việt Nam. Chính vì vậy những cập nhật về điều trị bệnh tim mạch nói chung cũng như trong lĩnh vực suy tim đều được cập nhật và điều trị đúng theo hướng dẫn mới nhất, cập nhật nhất của Viện đầu ngành. Do đó, chất lượng chuyên môn được không ngừng nâng cao và hiện chúng tôi có đầy đủ các dịch vụ kỹ thuật để phục vụ người bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong thời gian tiếp theo, chúng tôi đang cố gắng đầu tư nguồn lực để triển khai thí điểm các kỹ thuật về nhịp học. Đây là lĩnh vực tương đối khó, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai trong thời gian sớm.
PV: Bên cạnh những thuận lợi thì việc điều trị bệnh tim mạch ở tuyến cơ sở hiện nay còn những khó khăn gì? Và hướng khắc phục ra sao, thưa ông?
Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Lê Văn Sỹ: Một vấn đề khá khó khăn ở Thanh Hóa đó là điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng để thu dung, điều trị bệnh nhân còn hạn chế, có thời điểm bệnh nhân còn nằm đôi, nằm ghép. Đây là một điều bất lợi.
Thứ 2 là về các trang thiết bị đồng bộ còn thiếu so với nhu cầu của một BV tuyến tỉnh.
Bên cạnh đó là vấn đề quản lý đối với bệnh nhân tim mạch còn chưa thống nhất và đồng bộ cho nên có thực tế là các bệnh nhân không may mắc bệnh tim mạch còn chưa được quản lý và theo dõi điều trị ngoại trú một cách bài bản và chu đáo. Phần lớn các bệnh nhân nặng như là bệnh mạch vành hay bệnh van tim được quản lý và điều trị tốt nhưng các mặt bệnh khác của bệnh tim mạch thì chưa được thăm khám, theo dõi cũng như là điều trị một cách tốt nhất.
Thêm vào đó là một trở ngại từ phía người bệnh đó chính là ý thức chăm lo sức khỏe tim mạch của người dân còn hạn chế. Đa số người dân chỉ khi bệnh nặng lên thì mới BV điều trị nên khả năng hồi phục cũng như cải thiện chất lượng sống còn hạn chế.
Từ thực tế khó khăn này, chúng tôi sẽ xây dựng đội ngũ các y bác sĩ làm chuyên ngành tim mạch từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở để kịp thời tư vấn cho người bệnh có các biện pháp dự phòng tốt nhất để tránh mắc bệnh và khi đã mắc bệnh rồi thì phát hiện sớm và chuyển đến các cơ sở có điều kiện để chữa trị. Ví dụ như bệnh lý về động mạch vành cấp hoặc nhồi máu cơ tim chẳng hạn, khi mà tuyến cơ sở chẩn đoán được và chuyển sớm bệnh nhân đến cơ sở tim mạch thì chắc chắn bệnh nhân sẽ có cơ hội cứu sống và chất lượng sống của bệnh nhân được cải thiện đáng kể, cũng như chi phí điều trị sau khi mắc bệnh cũng tiết kiệm hơn rất nhiều. Phát hiện sớm và điều trị đúng thì sẽ hạn chế được hậu quả đáng tiếc do bệnh tật gây ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ông Quyền cũng bày tỏ mong muốn Thanh Hóa tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Bộ Y tế, các bệnh viện Trung ương, Hội Tim mạch học Việt Nam và các nhà khoa học đối với ngành tim mạch Thanh Hóa, nhằm giúp ngành y tế tỉnh có thêm nguồn lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.