Thanh Hóa: Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn

04-12-2023 10:21 | Xã hội
google news

SKĐS – Trong thời gian qua, Thanh Hóa đã có nhiều cách làm hay, độc đáo để đem lại nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, trong bảng xếp hạng Chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15 cả nước.

Thanh Hóa: Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn- Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ TT&TT và tỉnh Thanh Hóa cùng các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm của MISA.

Chuyển đổi số là xu hướng của thời đại

Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số (CĐS), từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy CĐS trên địa bàn. Từ đó, công tác CĐS của tỉnh đã và đang dần đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh nhà ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, là một những khâu đột phá đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới trong khu vực cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Theo ông Đỗ Hữu Quyết – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, quá trình CĐS đang tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công. Mục tiêu là lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm chủ thể và là mục tiêu, động lực của CĐS

Đến nay, đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng dữ liệu mở, cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực. Qua đó, góp phần cung cấp, chia sẻ dữ liệu kịp thời, công khai, minh bạch dữ liệu của cơ quan chính quyền tới DN và người dân được nhanh chóng, hiệu quả.

Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh đã hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Tỉnh hiện cũng thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử ở tất cả các cấp.

Thanh Hóa: Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn- Ảnh 2.

Sử dụng ki ốt phát số tự động và ứng dụng VNeID giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Hiện tại, Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, xã có hơn 85.000 tài khoản đăng ký với hơn 27,6 triệu lượt truy cập. Cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đồng thời tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia hơn 1.200 dịch vụ. Cùng đó, tỉ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trước và đúng hạn của tỉnh đạt 97,61%.

Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực của tỉnh cũng đã quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, tỉ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 8,28% với khoảng 6.500 DN đã tiếp cận và sử dụng nền tảng số.

Trong đó, một số DN đã tích cực thực hiện CĐS nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng phổ biến, điển hình như Internet Banking, Ví Momo, quét mã QR…, đã trở thành xu hướng chính trong giao dịch của người dân, DN.

Mục tiêu vì người dân, doanh nghiệp

Thanh Hóa: Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn- Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ TT&TT và tỉnh Thanh Hóa ấn nút khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa

Vào tháng 5/2023, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên ban hành bộ tiêu chí CĐS cấp xã và kết quả đạt được là đã có 94 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện. Đặc biệt, vào ngày 20/6 vừa qua, tỉnh đã lần đầu tiên thực hiện đánh giá, công bố bảng xếp hạng (BXH) mức độ CĐS của nhóm 1 là các sở, ban, ngành và nhóm 2 là các huyện thị, thành phố trong tỉnh, tính từ năm 2022. Kết quả, 2 đơn vị dẫn đầu nhóm 1 là Văn phòng UBND tỉnh (962,75 điểm) và Sở TT-TT (957,68 điểm). Hai đơn vị đứng đầu ở nhóm 2 lần lượt TP. Thanh Hóa và huyện Như Thanh.

Đến ngày 12/7, trong bảng xếp hạng CĐS năm 2022 do Bộ TT-TT công bố, Thanh Hóa tiếp tục nằm trong top đầu khi xếp thứ 15/63 toàn quốc, trong đó, một số chỉ tiêu thành phần có tăng mạnh, như: Nhận thức số (xếp thứ 1); hoạt động xã hội số (xếp thứ 3); an toàn thông tin mạng (xếp thứ 6).

Theo Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về CĐS. Đến năm 2030, nằm trong trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số; kinh tế số chiếm 30% trở lên trong GRDP của tỉnh; doanh nghiệp CĐS chiếm 80% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; 100% các huyện, thị xã, thành phố và 80% trở lên các xã, phường, thị trấn hoàn thành CĐS…

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Đỗ Hữu Quyết cho rằng, vấn đề ra đặt hiện nay là đầu tư phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để phục vụ CĐS. Khi đã xong bước này, phải xây dựng các quy định khung để khơi thông dòng chảy, chia sẻ dữ liệu để doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng thành quả từ CĐS.

Cùng với đó, phải khắc phụ được vấn đề cơ sở dữ liệu của các ngành hiện nay còn rời rạc, chưa đồng bộ; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành với các cơ sở dữ liệu tỉnh còn vướng mắc, chưa tích hợp được các loại giấy tờ của các cá nhân và chưa thực sự giảm được thời gian trong việc thực hiện TTHC.

Ngoài ra, việc hỗ trợ CĐS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định ngày 26/8/2021 của Chính phủ còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chậm ban hành thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính; một số nền tảng số do Bộ TT-TT công bố như nền tảng tổng hợp; phân tích dữ liệu; truy xuất nguồn gốc nông sản; tối ưu hóa chuỗi cung ứng... chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi triển khai chưa đem lại hiệu quả trong thực tế.




Gia Hân
Ý kiến của bạn