Trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hoá, hiện có nhiều ngầm tràn đi qua khe, suối nên thường xuyên bị ngập lụt. Sau quá trình sử dụng, một số công trình ngầm tràn có dấu hiệu xuống cấp, mặt tràn bong tróc, hư hỏng... Thời điểm mưa lũ, người dân phải mạo hiểm vượt qua ngầm tràn dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông và an toàn tính mạng, tài sản.
Theo khảo sát, hiện nay hầu hết 11 huyện miền núi Thanh Hóa đều có ngầm tràn đang bị xuống cấp cần sớm được đầu tư sửa chữa. Đơn cử, tại huyện miền núi Lang Chánh, trên hệ thống giao thông có hơn 100 ngầm tràn; trong đó, có 15 vị trí ngầm tràn thường bị ngập lụt khi trời mưa và 2 cầu đã xuống cấp.
Đặc biệt, những ngầm tràn tại đây luôn bị các con suối có độ dốc lớn chạy qua, khi mưa lớn nước dâng lên đột ngột, các ngầm tràn sẽ bị ngập nước. Với những hư hỏng, xuống cấp kéo dài, người dân khi đi qua đây luôn cảm thấy bất an bởi nguy cơ ngầm tràn có thể bị cuốn trôi theo dòng nước suối bất cứ lúc nào.
Người dân sống quanh khu vực ngầm tràn luôn mong muốn chính quyền quan tâm sửa chữa ngầm tràn hoặc xây cầu cứng để thuận tiện đi lại và học sinh vùng cao có thể đến trường an toàn, không bị cô lập mỗi khi có mưa lũ xảy ra.
Trên địa bàn 18 xã, thị trấn của huyện Như Xuân có 203 ngầm, tràn. Hiện nhiều ngầm tràn được xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn sông suối đổ về với lưu lượng lớn, khiến mực nước dâng nhanh, gây ngập sâu và chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn đối với người và phương tiện khi lưu thông qua các vị trí này.
Riêng đập tràn nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối xã Tân Bình với các xã lân cận, sau nhiều năm đi vào sử dụng và hứng chịu các đợt mưa lũ, hiện trạng của tràn đã hư hỏng. Mỗi khi mùa mưa bão đến, tràn thường xuyên bị ngập sâu gây chia cắt giao thông và cô lập hàng trăm hộ dân…
Tại huyện Bá Thước, sau khi thủy điện Bá Thước 2 đi vào hoạt động thì tuyến đường dân sinh thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung bị ngập không thể đi lại.
Năm 2013, Công ty Thủy điện Bá Thước 2 làm tạm một tràn qua suối để người dân đi lại. Tuy nhiên, hàng năm đến mùa mưa lũ, 13 hộ dân trong thôn Chiềng Ai bị chia cắt hoàn toàn. Để khắc phục, mỗi khi nước rút, chính quyền địa phương đổ tạm đá hộc cho bà con đi lại. Nhưng trận lụt năm 2023 đã cuốn đi tất cả, hiện tại giao thông qua tràn rất khó khăn do mái tràn bị sụt lún, chân khay sạt lở, mặt tràn bị bong tróc…
Thông tin từ UBND huyện Bá Thước được biết, hiện toàn huyện có 11/52 công trình ngầm tràn bị hư hỏng, ngập lụt cần sửa chữa. Mặc dù biết là rất cấp thiết trước mỗi mùa mưa bão, nhưng huyện không đủ sức để đầu tư sửa chữa. Trong thời gian tới, huyện rất mong Nhà nước đầu tư ngầm tràn để bà con đi lại xuyên suốt trong mùa mưa bão.
Trước thực trạng trên, ông Lý Văn Thích, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay số ngầm tràn hư hỏng nhiều mà nguồn lực để sửa chữa có hạn nên phải từng bước phân bổ để sửa chữa . Trong thời gian tới ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, các địa phương cũng cần huy động nguồn lực xã, dân đóng góp để sửa ngầm tràn, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ.
Hiện tại, mùa mưa bão đang tới gần, trong khi chờ đợi chính quyền địa phương tìm các giải giáp sửa chữa, thay thế ngầm tràn, thì người dân miền núi trên địa bàn Thanh Hóa đang phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập khi lưu thông qua các ngầm tràn xuống cấp, hư hỏng này khi mùa mưa lớn xảy ra. UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm cân đối hỗ trợ, bổ sung kinh phí cho Sở Giao thông Vận tải và các địa phương để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các ngầm tràn …
Theo số liệu rà soát của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, tỉnh có 42/95 ngầm tràn trên các tuyến tỉnh và 53/471 ngầm tràn trên các tuyến giao thông nông thôn có nhu cầu cần sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, với tổng kinh phí khoảng 336 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh đang có kế hoạch rà soát, ưu tiên phân bổ kinh phí để đầu tư các tràn hư hỏng nặng, thường xuyên ngập sâu kéo dài gây tắc đường mỗi khi có mưa lũ xảy ra.