Hà Nội

Thanh Hóa lần đầu tiên ghép thận thành công

17-07-2018 06:59 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Lễ công bố kết quả cặp ghép thận đầu tiên thành công và chúc mừng bệnh nhân ra viện. Việc triển khai kỹ thuật ghép thận tại Thanh Hóa không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm tải cho các Bệnh viện tuyến trên mà còn khẳng định vị trí của ngành y tế tỉnh trong nền y học Việt Nam.

Bệnh nhân được ghép thận là chị Nguyễn Thị Hà (31 tuổi, ở xã Sơn Lư, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Chị Hà bị suy thận mạn giai đoạn cuối cách đây 2 năm, phải lọc máu chu kỳ 3 lần mỗi tuần.

Người cho thận là mẹ ruột bệnh nhân và đã được xuất viện sau 10 ngày. Nữ bệnh nhân cũng được xuất viện sau 17 ngày tiến hành ca phẫu thuật. Các chỉ số chuyên môn của bệnh nhân trước khi ra viện đều đạt tiêu chuẩn (Ure máu 8.9 mmol/L, Creatinin máu 95 mmol/L, các chỉ số hóa sinh khác, huyết học, siêu âm mạch máu thận ghép trong giới hạn bình thường).

BSCKII Lê Văn Sỹ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện trao giấy ra viện cho bệnh nhân.

Bs.CKII Lê Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện cho biết;  để thực hiện ca phẫu thuật ghép thận đầu tiên này, ngày 16/1/2017, bệnh viện này đã được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) ký hợp đồng chuyển giao đào tạo, chuyển giao gói kỹ thuật ghép thận. Ngay sau đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã cử 46 cán bộ (trong đó có 30 bác sĩ) ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện việc đào tạo với thời gian từ 3 đến 6 tháng.  Đồng thời, Bệnh viện cũng đã thực hiện xong việc cải tạo, nâng cấp phòng mổ lấy và ghép thận; phòng điều trị sau ghép, phòng khám tư vấn và theo dõi điều trị ngoại trú lâu dài sau ghép; mua sắm, lắp đặt hoàn chỉnh các trang thiết bị y tế và đầy đủ dụng cụ phẫu thuật; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế cần thiết cho thực hiện kỹ thuật.

"Ca phẫu thuật đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương trong thời gian tới", ông Sĩ cho biết thêm.

Được biết, mỗi năm trung bình có 420 trường hợp mới mắc suy thận mạn tính điều trị nội trú tại bệnh viện. Hiện tại, hơn 400 trường hợp suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo. Việc triển khai kỹ thuật ghép thận tại địa phương sẽ giúp người bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn bình thường và góp phần tiết kiệm chi phí điều trị cho nhân dân trong tỉnh.

 


Thanh Lan
Ý kiến của bạn