Thanh hao hoa vàng, dược thảo của giải Nobel

29-10-2015 13:07 | Y học cổ truyền
google news

Đây là dược thảo được dùng để điều chế thuốc điều trị sốt rét. cây cỏ này đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời...

Ngày 5/10/2015, Ủy ban Nobel (Thụy Điển) công bố giải Nobel Y học năm 2015 được trao cho ba nhà khoa học William C. Campbell người Ireland, Satoshi Omura người Nhật, và Tu Youyou là nữ giáo sư người Trung Quốc.

Hai nhà khoa học William Campbell và Satoshi Omura được trao 50% giải Nobel Y học, nhờ có công phát hiện ra loại hoạt chất avermectine và bào chế thành dược phẩm Ivermectin, một phương thức mới dùng trị liệu các bệnh nhiễm do giun chỉ gây ra (la cécité des rivières, river blindness, bệnh mù sông) và bệnh phù chân voi (giun chỉ bạch huyết).

Nhà nghiên cứu Tu Youyou được trao 50% giải Nobel từ công trình nghiên cứu phương thức điều trị mới Artemisinin đối với bệnh sốt rét. Bà là người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên được trao giải Nobel Y học, và là người phụ nữ thứ 12 của thế giới được vinh dự nhận giải Nobel Y học trong số 106 người đoạt giải này.

Thuốc Artemisinin được chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng(Artemisia annua L., thuộc họ Asteriaceae).

Vài nét về GS. Tu Youyou và lịch sử nghiên cứu thanh hao hoa vàng

GS. Tu Youyou (Đồ U U); sinh ngày 30/12/1930) là nghiên cứu viên cao cấp Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc ở Bắc Kinh từ năm 1965. Từ năm 1965 đến năm 1978, bà trở thành trợ lý giáo sư tại Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc, sau đó trở thành giáo sư vào năm 1985.Bà đã nhận bằng Tiến sĩ từ Trường Dược, Đại học London, là một trong số rất ít các dược sĩ người Trung Quốc được đào tạo về Tây dược tại thời điểm đó

Bà đã tìm đọc trong các cuốn sách cổ về Đông y, gồm những bài thuốc có từ năm 350 sau Công nguyên, sàng lọc từ 640 toa thuốc, hơn 2.000 công thức nấu ăn truyền thống của Trung Quốc và chiết xuất 380 thảo dược, để tìm cho ra một phương thức trị liệu sốt rét có hiệu quả.

Trong những năm 1970, bà Tu Youyou và nhóm nghiên cứu của mình đã điều chỉnh quy trình chiết xuất để cuối cùng phân lập được hoạt chất artemisinin. Nhờ đó, bà đã xác định được rằng, artemisinin là một loại thuốc chống sốt rét, đã phổ biến ở Trung Quốc trước khi người phương Tây đặt chân tới đây.

Bà đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá về khoa học. Năm 2011, bà đã nhận giải Albert-Lasker về nghiên cứu y học lâm sàng với thuốc Artemisinin.

Hiện nay, artemisinin đã trở thành thuốc điều trị hiệu quả nhất và an toàn nhất chống lại bệnh sốt rét, đặc biệt hơn, thuốc này được coi là một dược phẩm có giá rất rẻ. Mặc dù sốt rét đang suy giảm mạnh trên hành tinh nhờ các hành động tích cực của Liên Hiệp Quốc, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có khoảng 198 triệu người nhiễm bệnh sốt rét vào năm 2013, và gây tử vong cho 584.000 người, chủ yếu là trẻ em ở châu Phi.

GS. Tu Youyou từng phát biểu: “Được trang bị với một kiến thức chuyên sâu trong cả y học cổ truyền Trung Quốc và khoa học dược phẩm hiện đại, nhóm nghiên cứu của tôi đã kế thừa và phát triển những tinh hoa của y học cổ truyền Trung Quốc, sử dụng khoa học và công nghệ hiện đại, và cuối cùng, chúng tôi thực hiện thành công việc phát hiện và phát triển của hoạt chất artemisinin (Qinghaosu) từ dược thảo Thanh hao (Qinghao, Artemisia annua L.).

Thanh hao hoa vàng và những công dụng

Cây thanh hao hoa vàng còn gọi là thanh cao, thảo cao, ngải si, ngải hôi, ngải đắng…

Trung Quốc: Caohao, Cao Qinghao, Cao Haozi, Chouhao, Chou Qinghao, Haozi, Jiu Bingcao, Kuhao, San Gengcao, Xianghao, Xiang Sicao, Xiyechao.

Anh: Annual wormwood, sweet wormwood, sweet annie.

Pháp: Armoise annuelle.

Nhật Bản: Kusoninjin.

Hàn Quốc: Chui-ho, Hwang-hwa-ho, Gae-tong-sook.

Tên khoa học Artemisia annua L., thuộc họ Cúc - Asteriaceae.

Cây thảo mọc hằng năm, cao từ 1,5 - 2m (cây trồng được chăm bón tốt có thể cao 3 - 4m); thân có rãnh, gần như không lông, có mùi thơm nhẹ. Lá mọc cách có phiến xoan, xẻ lông chim 2 lần, thành những dải hẹp.

Chùy cao ở ngọn mang chùm dài, hẹp; hoa đầu cao 1,8 - 2mm; lá bắc ngoài hẹp, có lông xanh; lá bắc giữa và lá bắc trong, xoan rộng; mỗi cành nhỏ có 3 - 7 cụm hoa. Mỗi cụm hoa có 25 - 35 hoa, trong đó có 20 - 25 hoa lưỡng tính ở giữa. Quả bế nhẵn, cao 0,5 - 0,8mm, không có mào lông, màu vàng hoặc nâu, với bề mặt sáng bóng có rãnh dọc và chứa một hạt duy nhất.

Thanh hao phân bố ở Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Cây mọc hoang ở ruộng, bờ ruộng, dọc theo các làng mạc vùng núi. Cũng được gây trồng.

Ở Việt Nam, có gặp ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... Thanh hao mọc hoang và chính thức được nhà thực vật học người Pháp Gagnepain phát hiện và mô tả vào năm 1922.

Mùa hoa tháng 6 - 11; mùa quả tháng 10 - 3. Thường lụi vào tháng 5.

Bộ phận sử dụng: Toàn cây, lá, hạt.

Lá cây thanh hao Artemisia annua được thu hái vào lúc cây sắp ra hoa, tốt nhất là vào mùa hè, khi cây có nhiều lá, cắt phần trên mặt đất, phơi khô, lắc hoặc đập cho lá rụng, loại bỏ thân cành, lấy lá phơi đến khô hoặc sấy nhẹ đến khô.

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng, tránh mốc, mọt.

Thanh hao đã được ghi trong các đơn thuốc Trung Quốc ở những văn bản tìm thấy trong ngôi mộ Mawagndui vào niên đại 168 trước Công nguyên, sử dụng cây thanh hao hoa vàng để chữa bệnh trĩ lậu.

Trong sách Trửu hậu bị cấp phương (năm 340 sau công nguyên), danh y Cát Hồng có hướng dẫn cách ngâm lá cây thanh hao để uống, có tác dụng làm hạ nhiệt cơ thể.

Đến năm 1596, trong sach Bản thảo cương mục, Lý Thời Trân đã xác định cây thanh hao có tác dụng trừ được cơn sốt nóng lạnh.

Năm 1798, trong sáchÔn bệnh điều biện, danh y Ngô Cúc Thông (Ngô Đường 1758 - 1836) đã có đề nghị dùng cây thanh hao sắc uống để chữa bệnh sốt rét.

Theo Đông y, thanh hao có vị đắng, cay, tính mát; tác dụng thanh nhiệt giải thử, trừ chưng, triệt ngược; bổ hư lao, lợi tiêu hóa, thông khí trệ, lợi tiểu.

Thường được dùng chữa sốt nóng khát nước, phiền nhiệt ra mồ hôi trộm, tối nóng sáng mát, thận chưng lao nhiệt, sốt rét cơn, ăn uống kém, bệnh vàng da, kết hạch, trẻ em cảm phong nhiệt, phát sốt, kinh giật.

Dùng ngoài chữa ghẻ lở, ngứa da, bằng cách nấu nước tắm rửa, ngâm, xát....

Ngày nay, người ta ghi nhận artemisinin có các tác dụng: kháng siêu vi khuẩn,ức chế sự nhân giống của nhiều vi khuẩn, chống ung thư, cókhả năng gây ra sự tự hủy của nhiều loại tế bào ung thư, đặc biệt trong trường hợp ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, chữa bệnh trĩ, được dùng chữa sốt nóng khát nước, phiền nhiệt ra mồ hôi, tối nóng sáng mát, hâm hấp sốt lâu ngày (lao nhiệt), sốt rét cơn, bệnh vàng da, bệnh ngoài da.

Người ta đã chọn được giống thanh hoa hoa vàng có hàm lượng artemisinin cao, có thể thu được từ 3,5 - 5kg trên một tấn nguyên liệu lá.

Sau đây là một số bài thuốc có dùng thanh hao hoa vàng:

Chữa đau nóng trong xương do nhiệt, ngày nhẹ đêm nặng (cốt chưng lao nhiệt):

Thanh hao 10g, sơn chi tử 10g, miết giáp 10g, hoàng kỳ 10g, tang bạch bì 10g, bạch truật 10g, tri mẫu 10g, hoàng liên 4g, sài hồ 8g, long đởm thảo 8g, cam thảo 6g.

Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Chữa sốt rét cơn:

Thanh hao 40g, rửa thật sạch, cắt nhỏ, ngâm trong 500ml nước khoảng 1 giờ, đem nấu sôi, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Hoặc đun sôi 1 lít nước, cho vào 10g lá thanh hao khô, chia 3-4 lần, uống trong ngày. Uống trà trong vòng 5 ngày.

Chữa bệnh kết hạch, sốt cơn, mồ hôi trộm, ăn uống kém:

Thanh hao hoa vàng 8 - 16g, nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Chữa trẻ em cảm phong nhiệt, phát sốt, kinh giật:

Lá thanh hao hoa vàng 10 - 15g, rửa thật sạch, giã nát, chế 100ml nước sôi vào hòa đều, gạn lấy nước cốt cho uống.

Lưu ý:

- Không nên dùng thanh hao cho phụ nữ đang mang thai, vì có thể gây sảy thai với liều cao.

- Những bệnh nhân có chứng rối loạn dạ dày - ruột, hoặc đang dùng thuốc kháng axít, cũng không nên dùng thanh hao, vì có thể làm gia tăng sự sản xuất axít dạ dày.

Artemisinin

Đã trở thành thuốc điều trị hiệu quả nhất và an toàn nhất chống lại bệnh sốt rét

Ở Việt Nam, vào năm 1989, nhà khoa học Đinh Huỳnh Kiệt và cộng sự công bố kết quả phân tích thành phần hóa học của cây thanh hao hoa vàng mọc hoang và chiết suất artemisinin để chữa sốt rét cho bộ đội.

Cũng từ năm 1989, Viện Dược liệu, Viện Khoa học Việt Nam, Viện Y học quân sự đều nghiên cứu các phương pháp để chiết suất artemisinin từ thanh hao hoa vàng và bán tổng hợp các loại thuốc chống sốt rét từ artemisinin như: Artesunat, Artemether, Arteether, đã sản xuất hàng triệu liều thuốc chống sốt rét cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Lương y Đinh Công Bảy

 


Ý kiến của bạn