“Thánh địa lá ngón” và những cái chết oan uổng

19-10-2009 08:04 | Xã hội
google news

Nhiều người dân huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai coi bản người Mông Mà Xa Phìn và Phìn Hồ thuộc xã Nậm Xây như một “thánh địa” của lá ngón.

Nhiều người dân huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai coi bản người Mông Mà Xa Phìn và Phìn Hồ thuộc xã Nậm Xây như một “thánh địa” của lá ngón. Cả hai bản chỉ có 88 hộ với gần 600 người sinh sống, nhưng những năm qua đã có không biết bao người chết vì ăn lá ngón. Giờ đây, mọi người vẫn đau lòng khi thảm kịch vì lá ngón vẫn chưa có hồi kết!

Màu xanh chết chóc

Cây lá ngón theo tiếng Mông còn gọi là "sua nào tùa", có nghĩa là cây chết người, được xếp vào loại thuốc độc bảng A, nghĩa là cực độc. Cây ngón không chỉ độc ở rễ mà chất độc còn chứa ở toàn thân. Nồng độ độc cao nhất là rễ rồi đến lá, hoa, quả, nhẹ nhất là thân cây. Lá ngón có hai loại, loại mọc ở đất cằn cỗi, trong bụi rậm thường không độc bằng loại mọc hướng theo mặt trời. Nếu ăn phải dù chỉ một lá mà không cấp cứu kịp thời thì cũng sẽ "tùa" (chết) ngay tức khắc. Nơi đây được mệnh danh là "thánh địa lá ngón" bởi vùng đất này đâu đâu cũng có sự hiện diện của màu xanh chết người. Theo anh Lù A Súa, Trưởng bản Phìn Hồ: Trước kia lá ngón nhiều vô kể, mọc tràn lan ở sườn đồi, các lối đi vào bản, chỉ cần ra đầu ngõ là gặp lá ngón. Nhiều gia đình, lá ngón còn bò cả vào nhà. Ngay khu vực Trường tiểu học Mà Xa Phìn, mỗi khi mùa thu đến cũng tràn ngập màu vàng của hoa ngón, ngón bò xuống tận sân trường, nơi hằng ngày các em vẫn vui chơi, học tập. A Súa cho biết: "Đêm về, hoa ngón tỏa ra một thứ mùi hắc rất khó chịu, nhất là kỳ hoa nở, nếu không quen thì không thể chịu nổi!". Cũng theo anh, lá ngón là một cây rất độc, nếu dùng nước ở nguồn có cây ngón rất hay ốm yếu, nếu đi qua, tay chân bị xước mà chạm phải cây lá ngón cũng rất dễ mất mạng.

 Lá ngón mọc xung quanh trường học.

Những năm qua, nơi đây có nhiều người bị chết vì lá ngón với vô số những nguyên nhân "không thuyết phục", có khi chỉ bị người trong nhà mắng mỏ hay va chạm nhẹ với bà con lối xóm, hay chỉ vì gia đình cấm đoán chuyện tình duyên, con bỏ học, bị bố mắng cũng tìm đến lá ngón, vợ chồng "xô bát, xô đĩa" cũng tìm ngay lá ngón, rồi hàng xóm cãi nhau con gà qua giậu cũng lại lá ngón... Những cái chết mà người ta không giải quyết được từ mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống. Anh Giàng A Páo, công an viên xã, người đã từng cứu chữa nhiều nạn nhân, cho biết: “Những người ăn lá ngón thường có biểu hiện như: uống nước nhiều, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, rồi răng cắn chặt, lịm đi không tỉnh lại nữa... Khi đã chết thì toàn thân tím đen, cơ thể sẽ phân hủy nhanh hơn”. Một số người ăn ngón được cứu sống, khi hỏi đều quan niệm: Do con ma ngón nó kéo, "cái số" của mình đã thế nên có quay về cũng không được! Và còn rất nhiều cái chết mà lý do cho đến bây giờ chưa ai lý giải nổi!

Chết cho bõ tức!

Ông Phà A Dở đau lòng kể lại chuyện có hai cô con gái nhà mình bị con "ma ngón" bắt mất. Bắt đầu từ người chị Phà Thị Tắt, đang hừng hực tuổi đôi mươi, cuộc sống gia đình đang ngọt ngào hạnh phúc. Rồi một đêm mưa, Tắt bỗng nhiên tìm đến lá ngón, bỏ lại phía sau là người chồng và hai đứa con thơ dại! Đau đớn chưa nguôi thì chưa đầy một năm sau, cô em gái mới 17 tuổi đời Phà Thị Di cũng theo chị "ra đi", bằng chính loại cây chết người này. Gần đây hơn, Phà Thị Sông tuổi mới 19 cũng chỉ vì chán cảnh làm nương rẫy mà tìm đến lá ngón như một sự giải thoát. Hay anh Giàng A Mua chẳng hạn, chỉ cãi nhau với vợ vì những chuyện cơm nước hằng ngày mà cũng "chết đi cho bõ tức"...

Cấm yêu thì… chết!

Trong buổi chiều tà chập choạng, công an viên Giàng A Páo chậm rãi lật từng trang trong cuốn sổ ghi tên tuổi những người ăn lá ngón tự tử, trong đó số người cứu được chẳng đáng là bao. Páo nói: “Đây là số người chết trong mấy năm gần đây, còn trước nữa thì không ai thống kê chính xác”. Ông đau xót kể: "Những người tự tử đa số là trẻ tuổi, cuộc đời còn dài lại đi "nằm" tận chốn rừng xanh. Đau lòng hơn, có cháu bé mới học lớp 3, lớp 4, đang tuổi ăn tuổi lớn cũng lăn ra chết vì ngón". Nói rồi, ông tức tưởi kể về đứa con trai mà ông yêu quý: "Cũng chỉ bởi nó yêu một cô gái ở bản bên, do gia đình cấm đoán vì đã hứa với đám khác mà hai đứa rủ nhau tìm đến lá ngón".

 Những đứa trẻ ở Mà Xa Phìn liệu có được bảo vệ trước cây ngón chết người?

Đến chết vì hoa ngón… đẹp

Anh Lù A Súa cho biết, hoa ngón có màu vàng rất đẹp nên thường gây sự thích thú, tò mò đối với lũ trẻ. Đây là một loại cây dây leo, thân cây có khía, những chiếc lá hình trứng, màu xanh ngọc, nhẵn, đầu nhọn mọc đối rất đều đặn. Nhiều trẻ khi cha mẹ lên nương, ở nhà thường rủ nhau đi hái về chơi. Có hôm nhìn chúng bện thành những vòng nguyệt quế rồi đội lên đầu một cách hồn nhiên mà thương xót, chúng có biết đâu mình đang chơi với "thần chết". Những lần như thế nếu không có người lớn phát hiện, can ngăn kịp thời thì mải vui, chúng bỏ vào mồm là rất có thể...! Em Phà Thị Thi, học sinh lớp 3 cũng là người chết vì ngón trong trường hợp như vậy. Bởi tính tò mò nên sau giờ học, hai em Phà Thị Già và Phà Thị Sâu - học sinh lớp 4 rủ Thi lên mảnh đồi sau trường để ngắm hoa ngón, thế rồi đang đói, thấy đẹp, các em hái ăn chơi. Hậu quả là em Thi bị tử vong, hai em kia được cứu kịp thời nên đã thoát chết.

Đặc biệt, ngày 7/10/2009 vừa qua, trước khi tác giả bài viết này rời bản Mà Xa Phìn xuống núi thì lại phải chứng kiến thêm một cảnh đau thương tang tóc bao trùm cả bản. Đó là cái chết của cô gái mới 17 tuổi đời Giàng Thị Phương, con Trưởng bản Giàng A Dia. Em đã tìm đến cái chết cũng bằng lá ngón và cũng chỉ vì lời mắng của cha mẹ. Bên cạnh những cái chết kể trên còn biết bao cái chết tức tưởi khác cũng chỉ vì những lý do... chẳng đâu vào đâu!

Câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ!

Trên thực tế đã có rất nhiều buổi họp bản diễn ra để tuyên truyền tác hại của loài cây này, thậm chí còn tổ chức những buổi ra quân triệt phá cây lá ngón. Ngay Trường tiểu học Mà Xa Phìn cũng là nơi được tuyên truyền về tác hại của lá ngón. Hằng ngày, những kiến thức về lá ngón đã được các thầy cô giáo lồng ghép vào trong mỗi buổi học cho các em như cách nhận biết, tính độc hại... để khuyên các em tránh xa lá ngón. Nhất là từ khi có sự xuất hiện của các thầy giáo, công tác tuyên truyền về tác hại của lá ngón còn được phổ biến sâu rộng tới từng nhà, khuyên can các em mọi lúc, mọi nơi nhưng do việc tuyên truyền đó chỉ mới có từ phía nhà trường nên sự chuyển biến cũng chưa đáng là bao.

"Càng phá càng lên xanh tốt, nó vẫn là cơ hội cho những người nhẹ dạ" - ông Tủa chia sẻ. Giải thích cho điều này - một già làng bức xúc: "Phần lớn đều do nhận thức của người dân quá mơ hồ, hiện tượng mê tín dị đoan còn nặng nề trong suy nghĩ của người Mông để rồi những cái chết vô cớ cứ "bám vào dân bản dai như con vắt, con sên". Còn một nguyên nhân nữa là trạm y tế cách quá xa, phải mất tới 4 giờ đi bộ nên nhiều trường hợp xuống tới nơi thì đã quá muộn. Ông Tủa thở dài, dõi mắt nhìn vô định ra màn mưa đang xối xả phía rừng xa: Rồi đây không biết sẽ còn bao nhiêu cái chết nữa đeo bám bà con dân bản. Một màu xanh lá ngón u ám vẫn ngày đêm bao phủ lấy bản người Mông này!

Bài và ảnh: Trung Kiên


Ý kiến của bạn