Hà Nội

Thành công của ca ghép gan hy hữu trong y văn thế giới cho thiếu nữ 15 tuổi

03-04-2017 18:26 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 3/4, BV Hữu nghị Việt Đức công bố đã thực hiện thành công ca ghép gan rất hy hữu cho bệnh nhân Dương Thị Phương Mai 15 tuổi từ người cho gan là bố đẻ. Bệnh nhân mang chứng bệnh hiếm gặp Wilson. Trước mổ, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê gan. Ca mổ được đánh giá là một trong những ca khó và hiếm gặp trong y văn thế giới.

Video Buổi họp báo công bố thành công ca ghép gan

Đánh giá về ca ghép này, GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết đây là ca ghép khó nhất trong 30 ca ghép gan từ trước tới nay mà BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện. Ca ghép gan này còn khó khăn hơn ca ghép gan cho một cụ già 60 hay 70 tuổi. Bởi bệnh nhân mắc căn bệnh Wilson, một căn bệnh khiến gan không thể đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Hơn nữa, trong quá trình mổ, bệnh nhân bị chứng rối loạn đông máu...

Bệnh nhân được ghép gan là cháu Dương Thị Phương Mai (15 tuổi), người hiến gan là ông Dương Văn Tiến (39 tuổi) - bố đẻ cháu Mai.

GS.TS Bùi Đức Phú – Giám đốc Bv Vinmec cho biết, sự thành công của ca ghép gan hy hữu này là sự phối hợp rất tuyệt vời của các bác sĩ hai bệnh viện Vmec và Bv Hữu nghị Việt Đức. Gs Phú chia sẻ: “Thực sự, chúng tôi đã rất trăn trở và tìm mọi cách thuyết phục để gia đình cháu Mai tiến hành ca ghép gan. Đã có lúc, gia đình cháu xin đưa cháu về “chờ chết”.

GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (bên phải), GS. TS. Bùi Đức Phú (bên trái) trong buổi họp báo chiều ngày 3/4

Ca ghép gan hy hữu trong lịch sử y văn Thế giới

Nói về tiền sử bệnh nhân, TS.BS. Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm ghép tạng BV Hữu nghị Việt Đức cho biết: cách đây 2 năm, bệnh nhân Mai mệt mỏi, vàng da, men gan tăng. Bệnh nhân Mai bị xuất huyết tiêu hóa, rối loạn ý thức và được chuyển tới bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán suy gan nhưng chưa tìm ra nguyên nhan. Sau đó, bệnh nhân Mai được chuyển sang BV Nhi Trung ương và được chẩn đoán suy gan do hội chứng Wilson. Căn bệnh Wilson là căn bệnh rất hiếm gặp. Người mắc bệnh Wilson, gan sẽ bị mất chức năng thải các chất độc.

Tại BV Nhi Trung ương, bệnh nhân được điều trị 2 tuần và sau đó được chuyển sang bv Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng tỉnh, vàng da toàn thân, viêm mạc nhợt. Sau đó, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Vinmec 4 ngày, tình trạng nhiễm trùng giảm nhưng chức năng thận kém, có biểu hiện bệnh suy gan độ 3 nên được chuyển sang BV Hữu nghị Việt Đức để chuẩn bị gép gan.

Video quá trình ghép gan

16h ngày 28 tháng 3, Bệnh nhân được chuyển sang BV Hữu nghị Việt Đức và dự kiến sẽ được ghép gan vào vào 7h ngày 29/3/2017. Tuy nhiên, điều trở ngại nhất là 6 giờ sáng ngày 29/3, bệnh nhân xuất hiện hôn mê,  suy hô hấp.

Trước tình hình nguy kịch, gia đình bệnh nhân Mai phân vân và quyết định không cho bệnh nhân tiến hành ghép gan vì một phần sợ tình trạng nguy kịch của cháu sẽ không qua khỏi và một phần vì lo sợ sức khỏe cho bố của cháu sau khi hiến gan, kinh phí ca ghép lớn.... nên quyết định đưa bệnh nhân Mai ra xe về “chờ chết”.

Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức và BV Vinmec giải thích suốt 2 giờ đồng hồ, gia đình đã suy nghĩ và đưa cháu Mai quay trở lại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tiến hành ca ghép gan.

Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí cấp cứu phù phổi cấp, thở máy, sau một thời gian cấp cứu, tim, phổi, thận trong tình trạng kiểm soát được nên các bác sĩ quyết định tiến hành ghép gan ngay.

11h ngày 29/3, ê kip tiến hành phẫu thuật lấy gan từ người cha. Tới 12h cùng ngày, các bác sĩ đã tiến hành ghép gan cho bệnh nhân Mai. Ca mổ kéo dài suốt 9 tiếng đồng. Ghép gan là một kỹ thuật rất khó, các bác sĩ phải tiến hành bằng kỹ thuật vi phẫu tức là thưcj hiện nối ghép các mạch máu nhỏ của gan trên kính hiển vi.

Đánh giá về ca ghép gan này, GS.TS Trần Bình Giang cho biết: ca ghép gan này gian nan gấp nhiều lần các ca ghép gan đã thực hiện ở BV Hữu nghị Việt Đức bởi bệnh nhân Mai đã bị suy gan kéo dài, các mạch máu đã teo nhỏ hơn người bình thường nên các bác sĩ phải sử dụng nhiều thủ thuật.

Trong ca ghép, bệnh nhân có rối loạn đông máu nặng từ trước ghép, hậu quả của suy gan cấp nên việc điều chỉnh đông máu trong mổ rấ quan trọng nhằm hạn chế chảy máy cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có bất thường bẩm sinh hẹp động mạch thân tạng, khiến không thể thực hiện nối động mạch bình thường mà phải nối dài,trực tiếp từ động mạch gan vào động mạch chủ.

36h sau ca ghép gan, bệnh nhân được rút ống thở nội khí quản và dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần này. Tới thời điểm chiều nay, ngày 3/4, sức khỏe của người cha bệnh nhân Mai cũng đã hồi phục sau ca phẫu thuật hiến gan.

"Rất mừng, là hiện tại bệnh nhân đã tỉnh, tự ngồi dậy và ăn uống được, không sốt, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng gan hồi phục tốt như dự kiến. Sức khỏe của cha cháu cũng đã hồi phục, dự kiến sẽ được xuất viện vào ngày 7/4 tới”, GS.TS Trần Bình Giang cho biết.

Một số hình ảnh về ca ghép gan hy hữu cho bệnh nhân Dương Thị Phương Mai

Bệnh nhân đã tỉnh táo, tự ngồi dậy và ăn uống được.

Ông Dương Văn Tiến (39 tuổi) - bố đẻ bệnh nhân Mai đã bình ổn sức khỏe sau ca phẫu thuật hiến gan cho con


Thanh Loan
Ý kiến của bạn