Thành công ca ghép phổi đầu tiên đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới

24-02-2017 21:56 | Y học 360
google news

SKĐS - Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi vào thăm và tặng quà bệnh nhân đầu tiên vừa được ghép phổi ở Bệnh viện 103, tối ngày 24/2.

 

Người được ghép phổi là cháu Ly Chương Bình, sinh năm 2010, đến từ thôn Na Cạn, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, từ hai người cho sống là bố và bác ruột tại BV Quân Y 103 ngày 21/2 vừa qua. Đây là ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên của  Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện 103- Học viện Quân y.

Tại đây, Bộ trưởng đã ân cần hỏi thăm sức khỏe của người bố và người bác ruột đã hiến tặng một phần cơ thế mình để hồi sinh sự sống cho con trai và cháu ruột của mình. Đồng thời, Bộ trưởng cũng động viên những thành viên khác trong gia đình hãy yên tâm, tin tưởng các bác sĩ ở đây về việc chăm sóc, theo dõi cho bệnh nhân sau ghép tạng và hai người cho tạng sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Trò chuyện với Bộ trưởng, bà ngoại bé Chương tên là Chạo Thị Mười (SN 1951), bày tỏ niềm vui khi người cháu ngoại 7 tuổi của bà được cứu sống, gửi lời cảm ơn tới các y bác sĩ trong và ngoài nước đã ghép phổi cho cháu ngoại của bà. “Giờ thì cháu tôi đã khỏe lại rồi. Tôi cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm” – bà Mười nói.

Tâm sự với Bộ trưởng, anh Ly Cù Toàn – 30 tuổi, bác ruột bé Bình cho biết, anh đã có hai con (1 trai, 1 gái), khi biết tin cháu Bình cần ghép phổi, anh đã tự nguyện hiến cho cháu để cứu sống cháu: “Cháu của mình bị bệnh, thương lắm! Lúc đầu tôi cũng hơi lo lắng, sợ, nhưng các bác sĩ động viên, phân tích nên cũng yên tâm” – anh Toàn nói. Bộ trưởng cũng động viên hai gia đình chỉ nên dừng lại ở 2 con, kế hoạch hóa gia đình để nuôi dạy con khỏe mạnh. Hai bệnh nhân cho phổi đã có thể ăn uống bình thường.

Còn chị Phàn Thị Tâm, mẹ bé Bình cho biết, từ khi sinh ra, hơn 2 tháng Bình bắt đầu ốm nặng nhưng tới 3 tuổi mới đưa con đi viện khám, khi đó viêm phổ, ho hen. Con điều trị ở viện 1 tuần mãi không khỏe, anh chị đưa con về nhà, hái thuốc Nam uống nhưng bé không khỏi hẳn. Đặc biệt cứ vào mùa đông lại càng ốm nặng hơn. Đến năm 2016, Bình bắt đầu ốm nặng hơn, anh chị đưa con đi viện tỉnh hơn 2 tuần. Khi cổ khò khè hết, anh chị lại đưa con về nhà. “Không biết con ăn phải cái gì lại tái phát, tôi lại lại đưa con về viện tỉnh, hơn 2 ngày chuyển lên BV Nhi trung ương. Nằm ở đó được 1 tháng thì thẻ hết hạn BHYT, gia đình xin bệnh viện cho con chuyển tuyến xuống BV 103. Chờ kết quả, cho nằm viện được 1 tháng lại ngược về Hà Giang. Sau đó các bác sĩ bảo phải ghép phổi.

Chị Tâm cho hay, trong thời gian cháu Bình đang ở nhà, các bác sĩ liên lạc hỏi thăm thường xuyên. Các bác sĩ cũng cho gia đình biết, nếu ghép phổi cho cháu Bình thì phải lấy phổi của người khỏe mạnh, cố gắng bố mẹ cho con để tăng tính tương thích. Khi gia đình bàn bạc, anh trai chồng cũng đồng ý, vậy là chị Tâm cùng chồng và anh trai chồng cùng đi đăng ký. Sau đó, các bác sĩ đã cho xe lên đón cháu Bình cùng gia đình về Hà Nội để ghép phổi.

Qua thăm trực tiếp, trò chuyện với người nhà bệnh nhân, Bộ trưởng chúc mừng và đánh giá cao nỗ lực của Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam. Đây chính là thành tựu của ngành y tế Việt Nam. Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh táo. Như vậy, cơ bản ca ghép đã thành công…. “Đây là một sáng tạo, quyết tâm rất cao, trong sự tranh thủ hỗ trợ hợp tác của bạn bè quốc tế” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Học viện Quân y, Bệnh viện 103. Nhờ đó đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới. “Đặc biệt, thành công của ca ghép phổi đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống. Đây là thành tích đáng tự hào đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2”- Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng nghị thời gian tới, Bệnh viện cần có mối liên hệ chặt chẽ với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng để có nguồn tạng ghép cho bệnh nhân; đồng thời tham gia thêm vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý đến nhu cầu ghép tạng của Việt Nam hiện rất lớn, tuy nhiên, nguồn tạng được hiến (đặc biệt từ người chết não) vẫn còn rất ít ỏi, vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động mạnh mẽ về ý nghĩa của việc hiến tạng.

Trước đó, ngày 21/2, bệnh nhân Lý Chương Bình- 7 tuổi ở Hà Giang bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp đã được ghép cả 2 lá phổi từ người hiến là bố và bác ruột. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra ngày 21/2, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện.

GS.TS  Đỗ  Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sau mổ cả bố và bác ruột đều ổn định sức khỏe. Bệnh nhi đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định và đang được điều trị tích cực.

Cũng theo GS Quyết, ghép phổi là một trong những cuộc ghép rất khó, không giống các tạng khác. Một trong những điều quan trọng với thành công của ca phép là chọn phổi khỏe để ghép. Rất may trong ca ghép này, tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ đã cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả 2 lá phổi cho trẻ.

Ca ghép lần này thuộc đề tài Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phần phổi từ người cho sống và người cho chết não. Để chuẩn bị cho ca ghép, Học viện Quân y đã cử cán bộ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Đại học Okayama; đồng thời phối hợp với các bệnh viện trong cả nước chọn bệnh nhân có chỉ định phổi phù hợp. Cháu bé 7 tuổi ở Hà Giang có các chỉ số ghép phù hợp nên được Học viện Quân y cùng Bệnh viện Nhi Trung ương lựa chọn. Các bác sĩ phối hợp chính quyền địa phương tư vấn, vận động gia đình thực hiện ghép phổi cho bé.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn