Hà Nội

Thành cổ Bắc Ninh, một trong bốn tòa thành đẹp nhất Bắc Kỳ

01-09-2017 09:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thành cổ Bắc Ninh, công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, được xây dựng từ năm 1805 thời vua Gia Long, triều Nguyễn, trên địa phận các làng Ðỗ Xá, huyện Võ Giàng (nay thuộc phường Ninh Xá); làng Hòa Ðình, huyện Tiên Du (nay thuộc phường Võ Cường) và làng Yên Xá, huyện Yên Phong (nay thuộc phường Vệ An), các địa danh trên nay đều thuộc thành phố Bắc Ninh.

Gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của cư dân nơi đây, thành Bắc Ninh từng đi vào câu ca quan họ với niềm tự hào Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ, ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh.

Thành trấn Kinh Bắc trước kia được đắp ở Đáp Cầu, thuộc huyện Võ Giàng, tháng 2 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long cho dời đến xã Lỗi Đình thuộc huyện Tiên Du.

Tài liệu Bắc Ninh tỉnh Dư địa chí (Tư liệu Viện Hán Nôm A.590) chép về thành Bắc Ninh vào năm Gia Long thứ 14 (tức năm 1815) như sau: “Thành xây năm Ất Sửu, chu vi 1 ngàn 77 tầm, 3 thước. Ngoài thành có hào nước vây quanh, có 3 cửa: trước, sau, bên phải, mở ra năm Ất Sửu. Cửa thành trên vuông, dưới vuông, hai bên xây tường đất, gạch đá lẫn nhau. Trên xây các tòa nhà, đều lợp ngói. Cửa bên trái xây vào khoảng năm Giáp Tuất. Cửa ấy trên vuông, dưới vuông, hai bên vách đứng và trên mảnh đất ấy xây đài (nhà dài) 3 gian, lợp bằng rạ”.

Cổng thành và cột cờ trong thành cổ Bắc Ninh.

Cổng thành và cột cờ trong thành cổ Bắc Ninh.

Lúc đầu, thành Bắc Ninh chỉ được đắp bằng đất, cho tới năm Minh Mạng thứ 6 (1825), thành được xây lại bằng đá ong và cuối cùng xây lại bằng gạch vào thời Thiệu Trị (1841).

Trước khi thực dân Pháp chiếm đóng, tỉnh lỵ của Bắc Ninh mới chỉ là một dãy phố trải dọc theo con đường chạm đá khoảng 1.500m, dân cư chủ yếu là hơn 1.500 người Hoa trú ngụ, còn quan lại và chính quyền đóng trong thành. Năm 1884, thực dân Pháp chiếm đóng và cai quản Bắc Ninh, tám năm sau, nhà thờ lớn của Tòa giám mục dòng Dominicain được xây dựng, kiến trúc đẹp và hoành tráng vẫn còn giữ đến ngày nay.

Theo GS.TS. Ðỗ Văn Ninh, tác giả cuốn sách Thành cổ Việt Nam, thành Bắc Ninh là thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo đồ án hình lục giác (6 cạnh). Về kiến trúc, thành Bắc Ninh là một trong bốn tòa thành đẹp nhất vùng Bắc Kỳ thời bấy giờ. Theo hệ đo lường cổ Việt Nam, thì chu vi thành dài 532 trượng, 3 thước, 2 tấc. Tường gạch cao 9 thước. Xung quanh có hào rộng 4 trượng, sâu 5 thước. Thành có 4 cổng, mỗi cổng đều có cầu đi qua hào. Nhiều năm qua, người và xe cộ ra vào thành cổ chỉ sử dụng cổng tiền ở phía Đông, cổng hậu ở phía Tây, tên hai cổng này cũng được đặt cho hai phố: phố Cổng Tiền thuộc phường Tiền An, phố Cổng Hậu thuộc phường Vệ An. Trong thành có sắp xếp các bộ phận gồm Doanh trấn thủ, Ðài bác vọng, Kho thuốc súng, Nhà công đồng. Ở sáu góc thành đều có pháo đài nhô ra ngoài, theo kiểu dáng điển hình vô-băng (vauban). Đây là một thành lớn sau thành Hà Nội, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của triều Nguyễn đối với tầm quan trọng mọi mặt của đất Bắc Ninh.

Thời nhà Nguyễn, thành Bắc Ninh là trung tâm bộ máy cai quản hành chính hai tỉnh Bắc Ninh - Thái Nguyên. Thời thuộc Pháp, xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của tòa thành này, ngày 16/5/1925, toàn quyền Ðông Dương đã ký quyết định xếp hạng di tích thành Bắc Ninh là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu.

Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam, thành Bắc Ninh từng là một vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, nằm trong tuyến phòng thủ phía Bắc, bảo vệ Thủ đô, ngăn chặn các đạo quân xâm lược trước cửa ngõ Kinh thành Thăng Long. Đây cũng là một trung tâm chính trị, quân sự, là lỵ sở của trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Thành cổ Bắc Ninh cũng là nơi ghi dấu những sự kiện gắn với quá trình phát triển của tỉnh và phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Ninh do Đảng ta lãnh đạo.

Giữa thế kỷ XIX, phong trào khởi nghĩa nông dân bùng nổ mạnh mẽ ở vùng Kinh Bắc. Nghĩa quân của Thủ lĩnh Cai vàng và một số thủ lĩnh khác đã nhiều lần vây hãm, tiến công thành Bắc Ninh, nơi đóng doanh sở của chính quyền phong kiến địa phương. Đồng thời, nơi đây là chiến trường của trận đánh tới 27.000 quân Pháp với quân Thanh và quân Việt năm 1884.

Tháng 8/1944, trong chuyến đi công tác từ huyện Thuận Thành sang xã Trung Mầu (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), đồng chí Văn Tiến Dũng(1), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ bị Lý trưởng làng Sen Hồ (Gia Lâm) bắt giam. Trong hai tháng rưỡi bị giam ở Sở Mật thám Hà Nội, bị tra tấn, cùm xích và chịu mọi nhục hình, đồng chí vẫn kiên trung, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản, bảo toàn bí mật các cơ sở và tổ chức cách mạng của Đảng. Tháng 11/1944, đồng chí Văn Tiến Dũng bị chuyển về nhà lao Bắc Ninh (trong thành) để chờ ngày mở phiên tòa xét xử. Sau hơn một tháng bị giam, đồng chí đã bí mật liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ để nhờ phối hợp giúp đỡ kế hoạch tổ chức vượt ngục.

Đồng chí Nguyễn Văn Trân(2), lúc đó là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ đạo giải thoát đồng chí Văn Tiến Dũng bằng một phương án táo bạo: Thông qua anh Thăng, người làng Đại Tảo (huyện Tiên Du), là lính gác xà lim, trộm mẫu chìa khóa cửa của nhà tù, giao cho người của ta làm chìa khóa khác. Đêm 26/12/1944, anh Thăng bố trí cho lính gác đánh bạc, uống rượu say; vào khoảng quá nửa đêm, anh Thăng dùng chìa khóa mở xà lim để đồng chí Văn Tiến Dũng cùng đồng chí Nguyễn Đức Phùng, tức Lê Quang Tuấn(3) đảng viên của Chi bộ Đình Bảng cùng bị giam, dùng dây thừng và chăn dạ vượt hàng rào dây thép gai ra khỏi nhà tù, hai đồng chí về đến Trung Mầu khi trời vừa sáng.

Những ngày trước Cách mạng Tháng Tám, chính quyền tay sai của phát xít Nhật ở Bắc Ninh hoang mang. Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, đứng đầu là đồng chí Trần Đình Nam, đã quyết định gấp rút tiến hành giành chính quyền ở tỉnh. Ngày 18/8/1945, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh được ban hành. Theo kế hoạch, sáng ngày 20/8/1945 từ đình Long Khám 400 tự vệ  tiến về tỉnh lỵ Bắc Ninh. Tại Đáp Cầu, Thị Cầu, các làng, các xã xung quanh tỉnh lỵ, quần chúng tự vệ cũng xuống đường hòa vào dòng người từ đường số 16, 18, 38 và Quốc lộ 1A. Đội ngũ quần chúng trùng trùng, điệp điệp, cờ đỏ sao vàng rợp trời tiến vào công sở ngụy quyền tay sai phát xít Nhật ở huyện lỵ Võ Giàng(4), trại bảo an binh, thành Bắc Ninh.

Một đơn vị khởi nghĩa do không nắm vững kế hoạch nên đã bao vây thành Bắc Ninh. Lực lượng tự vệ ném lựu đạn vào trong thành, nhưng vướng tường bật trở lại làm một vài người chết và bị thương. Chiều ngày 20/8/1945, đại diện quân Nhật đóng trong thành Bắc Ninh đã gặp chỉ huy quân khởi nghĩa xin giao thành cho ta. Đêm ngày 20/8/1945, UBND Cách mạng lâm thời được thành lập. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Bắc Ninh đã nổ ra kịp thời bằng bạo lực quần chúng và đã thành công tốt đẹp.

Sơ đồ thành cổ Bắc Ninh (vẽ năm 1909).

Sơ đồ thành cổ Bắc Ninh (vẽ năm 1909).

Sau chiến công oanh liệt “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 27/7/1954, lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Đúng 10 giờ ngày 8/8/1954, tên lính Pháp cuối cùng phải rút khỏi thị xã Bắc Ninh. Đoàn cán bộ của ta gồm 150 người cùng các đơn vị bộ đội Tiểu đoàn 434 (Trung đoàn 238), Tiểu đoàn 18 bộ đội chủ lực của tỉnh vào tiếp quản thị xã. Hàng vạn nhân dân thị xã và vùng lân cận, cùng với băng, cờ, khẩu hiệu, đứng chật hai bên đường vẫy chào bộ đội, cán bộ vào tiếp quản. Toàn tỉnh Bắc Ninh náo nhiệt như một ngày hội lớn. Đoàn người dồn về mỗi lúc một đông. Bộ đội, nhân dân diễu hành qua phố Tiền An, Ninh Xá tiến vào thành Bắc Ninh. Một rừng cờ, một biển hoa tràn ngập đường phố mừng quê hương hoàn toàn giải phóng.

Toàn bộ khuôn viên thành cổ Bắc Ninh hiện nay do Trường Sĩ quan chính trị (Bộ Quốc phòng) quản lý, sử dụng. Do chiến tranh và sự xâm lấn của con người trong nhiều năm qua đã làm cho di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Dấu tích còn lại của thành cổ Bắc Ninh là ba cổng thành, một phần bờ thành và dãy hào sâu, hai khẩu súng thần công, trong đó nổi bật là cổng tiền với đài gác vọng, cột cờ cao gần 20m.

***

Ngày 24/1/1981, thành cổ Bắc Ninh được UBND tỉnh Hà Bắc ban hành Quyết định số 144/QĐ-UB xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. Ngày 29/3/2005, HĐND thành phố Bắc Ninh đã có Nghị quyết số 23/NQ-HĐND về việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử thành cổ Bắc Ninh.

Năm tháng trôi qua, nhiều người trong tỉnh và sống tại thành phố Bắc Ninh cũng chưa một lần bước chân qua cổng thành cổ, nhưng mong muốn và kỳ vọng tòa thành, niềm tự hào của cư dân miền quê trầm lắng nhiều tầng văn hóa, sẽ sớm được phục dựng xứng tầm với giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị, quân sự...

(1) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng 1980-1986.

(2) Đồng chí Nguyễn Văn Trân, quê quán xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bí thư Trung ương Đảng khóa III, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

(3) Đồng chí Lê Quang Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc thời kỳ 1964-1976.

(4) Huyện lỵ Võ Giàng đóng ở dốc Suối Hoa.


Hồng Minh
Ý kiến của bạn