Con cá cơm song hành với đời sống
Cá cơm sau khi được các ngư dân đánh bắt từ các vùng biển về thì được phân chia thành hai nửa, một nửa đưa vào hấp, phơi khô và bán ra thị trường; một nửa được đưa vào chế biến nước mắm.
Hai nghề hấp cá cơm và làm nước mắm cá cơm là công việc chính của hơn 300 hộ gia đình ở Cà Ná. Mỗi năm ngôi làng này đưa ra thị trường hàng chục ngàn tấn cá cơm khô và hàng triệu lít nước mắm, nhiều người vươn lên làm giàu từ con cá. Những thế hệ cao niên không ngừng trao truyền kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ.
Gắn bó nhiều năm với nghề hấp cá cơm ở Cà Ná, ông Nguyễn Văn Thanh (xã Cà Ná) chia sẻ, để có được những hộp cá cơm thơm phức đưa đi khắp mọi miền cho mọi người sử dụng, như một sản phẩm đặc sản của vùng đất nắng gió Cà Ná, người dân đã phải trải qua rất nhiều công đoạn đó là chọn cá, hấp, phơi, đóng gói.
Những con cá cơm tươi rói vừa được vận chuyển từ những chiếc thuyền lên, người dân làm nghề hấp cá cơm sơ chế sạch sẽ bằng nước ngọt và đưa vào lò hấp, hấp xong thì phơi khô trên những tấm bạt, cuối cùng là đưa cá vào hộp, vào túi để bán ra thị trường. Theo kinh nghiệm, cá cơm cứ đưa vào lò hấp chừng 15 phút là đủ độ chín, giữ được mùi vị thơm ngon nhất.
Bao năm qua, niềm vui và nguồn sống chính của các gia đình đều đến từ con cá cơm, bà Phạm Thị Hạnh (Lạc Tân 2, xã Cà Ná, Thuận Nam) cho biết: Nghề hấp cá cơm rồi mang phơi thực sự đã đem lại đời sống ổn định cho rất nhiều gia đình ở vùng quê này. Ngay cả trong những thời điểm sản lượng cá cơm được đánh bắt ít nhất thì các lò hấp cũng cứ thay nhau đỏ lửa, tạo việc làm và duy trì đời sống cho người dân.
Như một quy ước ngầm, những người làm nghề hấp cá cơm ở Cà Ná luôn tự nhắc nhở mình rằng tất cả các công đoạn để đưa sản phẩm cá cơm khô ra thị trường đều phải được làm sạch sẽ, cẩn thận nhất, đặc biệt, trong quá trình chế biến cá cơm không dùng bất cứ phụ gia nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Muốn hương vị cá cơm từ vùng nắng gió vươn xa
Từng ra thành phố làm đủ thứ việc nhưng nhớ nghề hấp cá cơm ở quê hương, anh Nguyễn Công (Quốc lộ 1A, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) lại quay về gắn bó với nghề mấy năm nay và luôn tin rằng, trong tương lai, từ Cà Ná này hương vị cá cơm sẽ đi khắp trăm miền, vươn ra cả nước ngoài thông qua sự thu mua và xuất khẩu của các thương lái. Niềm tin của người Cà Ná dung dị nhưng không viển vông bởi hiếm nơi nào như Cà Ná, biển sạch, cá sạch, tươi, thơm lại được chế biến từ những bàn tay cần mẫn của người dân chất phác.
Cũng làm giàu từ con cá cơm nhưng thông qua việc chế biến nước mắm, ông Đông Thành (Quốc lộ 1A, xã Cà Ná, Thuận Nam) chỉ tay về phía một đoạn đường mà nhà nhà đều treo biển làm nước mắm cá cơm, khẳng định: "Trước đây nghèo, giờ không ít người dân đã "lột xác" nhờ làm nước mắm cá cơm. Bản thân tôi cũng đã có trên 20 năm gắn bó với nghề này. Ở đây, người dân đều sản xuất nước mắm cá cơm theo phương pháp cổ truyền, coi trọng sức khỏe cộng đồng, tuyệt đối không sử dụng hóa chất.
Cá cơm được chọn đưa vào muối trong bồn gỗ hoặc xi măng là cá tươi nên chất lượng đạm rất tốt, thời gian muối cá cơm mất ít nhất 1 năm mới lọc ra được mắm. Quy trình lọc mắm qua rất nhiều công đoạn công phu và kĩ lưỡng thì nước mắm mới được trong và sạch sẽ thơm ngon và để lại dấu ấn cho người sử dụng. Hiện nước mắm cá cơm từ Cà Ná chúng tôi đã gửi bán đi nhiều nơi như Bình Thuận; TP. Hồ Chí Minh; Hà Nội và đã được xuất khẩu sang Trung Quốc".