Thăng trầm thuốc chữa béo phì

09-12-2011 08:12 | Thời sự
google news

Leptin có cấu trúc protein gồm 167 aminoacid, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, tiêu hao năng lượng kể cả việc chuyển hóa và thèm ăn.

Từ một thử nghiệm trên chuột suốt ngày ham ăn, bị béo phì (BP), các nhà nghiên cứu ở Đại học Rockefeller (New York, Mỹ) cho rằng : “Có thể do thiếu leptin mà chú chuột ấy bị BP”. Họ thử tiêm leptin cho chú, và lạ thay, sau đó chú mất tính thèm ăn, mất dần mỡ, thon thả. Làm như thế cho các con chuột bình thường, chúng cũng giảm cân.

Những nốt thăng...

Từ kết quả cá biệt này, các nhà nghiên cứu nghĩ đến vấn đề khái quát: “Có thể do một đột biến gen nào đó gây trở ngại việc sản xuất hoạt động của leptin, làm cho chuột bị BP. Tìm được sự đột biến gen này sẽ hiểu được nguyên nhân và cách chữa BP”.

Leptin có cấu trúc protein gồm 167 aminoacid, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, tiêu hao năng lượng kể cả việc chuyển hóa và thèm ăn. Chúng được sản xuất ra từ các tế bào mô mỡ trắng; ngoài ra cũng có thể từ mô mỡ màu nâu, nhau thai, buồng trứng, cơ xương, dạ dày, các tế bào biểu mô vú, tủy xương, tuyến yên, gan. Đây là kích thích tố có nguồn gốc mỡ quan trọng, nằm trên nhiễm sắc thể số 7.

 Trong cơ thể, leptin hoạt động ở vùng dưới đồi (hypothalamus); chống lại tác động của neuropeptide Y (một chất kích thích sự thèm ăn tiết ra bởi các tế bào ruột và vùng dưới đồi); chống lại  các tác động của anandamid (một chất kích thích ăn mạnh khác thúc đẩy sự tổng hợp của Alpha-MSH, chất ức chế thèm ăn). Kết quả tổng hợp cuối cùng là leptin chống lại sự thèm ăn. Những người có đột biến gen leptoob  không sản xuất được leptin thì thèm ăn, ăn nhiều, bị BP.

Năm 1998 tại Anh có hai chị em  gốc Pakistan sống ở Anh bị BP rất nặng. Người chị 8 tuổi nặng 86kg, người em 2 tuổi nặng 30kg. Các nhà khoa học định lượng thấy leptin máu của hai chị em đều thấp; thấy một mảng trong gen leptoob bị mất. Điều này chứng tỏ gen leptoob bị đột biến không sản xuất được leptin. Sau thăm dò ấy, họ tiêm leptin cho người chị. Sau 12 tháng dùng leptin, khối lượng mỡ giảm16kg (PBF giảm từ 54% xuống  28,5%) song không ảnh hưởng gì đến phần xương, cơ. Kế đó, họ tiếp tục điều trị cho người em cũng cho kết quả tương đương. Trước đó chưa có một thuốc nào đạt được tốc độ giảm cân, giảm tỷ lệ mỡ nhanh đến thế.

Với thành công kỳ diệu này, các nhà nghiên cứu Đại học Rockefeller đề ra mục tiêu khái quát mới “Dùng leptin chữa BP cho chính con người” và có một dự tính thăng hoa như một bước ngoặt: dùng leptin đẩy lùi đại họa BP. Vào thời điểm đầy hứng khởi này, Công ty Sinh học Amgen không ngần ngại bỏ 20 triệu USD mua bản quyền phát minh và sau đó sản xuất ra leptin bằng công nghệ sinh học tái tổ hợp gen. Đây là bản quyền phát minh có giá cao nhất thời bấy giờ.

 Bìa một cuốn sách nói về mối liên hệ giữa leptin và béo phì.

Những nốt giáng...  

 

Thế nhưng khi dùng leptin điều trị cho người BP thì hiệu quả rất thấp (có làm giảm cân, song không có ý nghĩa thống kê). Nhưng khi dùng leptin điều trị cho người thèm ăn BP nặng thì có hiệu quả khá hơn (có giảm cân, sự giảm cân này có ý nghĩa thống kê). Có thể leptin chỉ có hiệu quả trên những người BP nặng do có đột biến gen leptoob. Trước đây, các nhà khoa học Đại học Rockefeller ước tính có khoảng 60-70% BMI có yếu tố di truyền. Thế nhưng sau khi tìm ra gen leptoob tính lại, thì  BP lệ thuộc vào gen leptoob chỉ chiếm khoảng 0,1%. Điều này có nghĩa là leptin có thể trở thành  loại thuốc có tiềm năng chữa bệnh cao, dùng khi BP bị nặng, song khó thể trở thành một thứ thuốc cho đông đảo cộng đồng người BP; không thể trở thành loại thuốc có thị phần lớn, đem lại lợi nhuận cao!

 Độ hòa tan của leptin thấp, chu kỳ bán hủy ngắn, phải tiêm leptin thường xuyên mới duy trì được hiệu quả giảm cân. Trong khi đó chế phẩm sinh tổng hợp leptin giá không hề rẻ. Các nhà khoa học đã tạo ra dạng leptin Fc (từ chuỗi gammaglobulin miễn dịch) có độ hòa tan cao hơn, chu kỳ bán hủy dài hơn, tác dụng sinh học mạnh hơn. Nhưng chất  này mới được thử nghiệm khá thành công trên chuột nhưng chưa được thử trên người.

Thêm nữa, nếu thiếu hẳn leptin thì việc điều trị bằng cách bổ sung leptin không khó. Tuy nhiên, có những trường hợp thèm ăn, BP nặng mà vẫn có leptin máu cao. Điều này chứng tỏ gen leptoob có bị đột biến theo cách vẫn sản xuất ra đủ leptin song leptin bị nhiễu, không có hoạt năng chống thèm ăn. Trong trường hợp này cần đưa leptin vào cơ thể nào và bao nhiêu là hợp lý, vừa chữa được bệnh mà không làm rối loạn chuyển hóa mỡ. Vấn đề gai góc này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Vì  một số lý do, đến nay leptin vẫn chưa thực sự trở thành thuốc chữa BP như từng hy vọng. Tuy thế, việc nghiên cứu chưa khép lại. Năm 2011, một công ty dược tại Mỹ đã sản xuất ra metreleptin. Thử nghiệm lâm sàng (2011) cho biết, metreleptin làm giảm đường huyết (HbA1c từ 9,4% xuống 7%) và giảm triglycerid từ 500mmol/L xuống 200mmol/L. Nghiên cứu trên động vật kết hợp metreleptin  với pramilintid (một thuốc chữa tiểu đường type 2) cũng cho kết quả đáng khích lệ, có tác dụng giảm béo khá bền vững. Trong tương lai có thể dùng metreleptin chữa rối loạn lipid máu, tiểu đường type 2. Trung tâm Y khoa  thuộc Đại học Texas  đã khởi động việc nghiên cứu này.

Con đường nghiên cứu thuốc chữa BP leptin có nhiều hấp dẫn, lắm thăng trầm. Người bệnh vẫn đang tin tưởng và hy vọng.  

DS. Bùi Văn Uy


Ý kiến của bạn