Cầm trong tay tập: Bản tường trình giấc mơ đi vắng của Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ thuộc "đận" @, quê ở Phú Yên, tôi chợt nhận ra: Cuộc đời này vẫn còn đáng để tin và để yêu, vì vẫn có những người trẻ tuổi như Thiếu Nhơn sau mỗi trải nghiệm cuộc sống, biết thảng thốt, giật mình để rồi tự nhận ra mình là ai, đang ở đâu.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. |
Tập thơ dày gần 80 trang, khá nền nã. 32 bài thơ, được chia làm các phần theo cách riêng của anh. Tương ứng với 4 phụ bản là 4 bức hình minh họa của Nguyễn Thị Hiền. Lê Thiếu Nhơn đã hai lần nhận được giải thơ trong cuộc thi Thơ 7 chữ trên "Áo Trắng" năm 1996 và giải thơ của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh (2006) với tập Trong bóng người xưa. Như vậy, xem ra con đường thơ của anh cũng không đến nỗi quá "truân chuyên" như một số người khác. Thế nhưng "cơm áo không đùa với khách thơ". Rõ nhất là ở lần anh xuất bản tập Bản tường trình giấc mơ đi vắng (2009), khi chính Lê Thiếu Nhơn đã vừa tâm sự, vừa tự PR cho mình trên trang web của VDC có tên là Home.vnn.vn: "Ngay khi cặm cụi viết thêm vài bài báo để kiếm tiền in thơ, tôi đã nắm chắc chuyến đi buôn thi ca này nếu không lỗ vốn từng phần thì cũng lỗ vốn toàn phần. Thế nhưng, nhìn 1.000 cuốn sách rời khỏi nhà in với dáng vẻ tương đối trang nhã, tôi cảm thấy thật bất công, nếu mỗi tập thơ không được xem như một sản phẩm trong nền kinh kế hàng hóa tác động từng ngày lên đời sống chúng ta...".
Các bài trong tập thơ nói trên của Lê Thiếu Nhơn viết khá đều tay, bút pháp hiện đại, giọng thơ phóng túng, ít có "sạn" và không có bài nào quá khó đọc, khó hiểu theo lối "đánh đố" độc giả. Anh rất có ý thức viết thơ nhằm hướng đến đối tượng độc giả nào mỗi khi cầm bút. Điều ấy thật sự đáng quý, vì thực tế đời sống thi ca nước nhà chừng chục năm trở lại đây có không ít người đã quên đi mình là người Việt, làm thơ bằng tiếng Việt, cho người Việt đọc. Quý là vậy, hay cũng là vậy, nhưng anh vẫn luôn thảng thốt sau mỗi lần trải nghiệm cuộc sống: "Tôi quảng cáo Bản tường trình giấc mơ đi vắng không phải nhằm thu lợi từ tập thơ. Tôi quảng cáo để tự an ủi mình giữa thời buổi cái gì cũng lên giá, chỉ có nhân phẩm đang có nguy cơ xuống giá, và thi ca thì đã rớt giá! Tôi quảng cáo thơ chưa hẳn đã bán được thơ, nhưng tình cờ bạn đọc liếc mắt qua những dòng quảng cáo này cũng giúp tôi có phút giây tự tha thứ cho mình khi hình dung những cánh rừng xanh biếc bỗng có một gốc cổ thụ bị đốn ngã để làm giấy in!".
Thảng thốt vì Lê Thiếu Nhơn cần những phút giây tự tha thứ, như là một cách cứu rỗi linh hồn mình khỏi sự cô độc giữa một miền mông mênh trời, trống hoác người chỉ độc có người thơ đang mải mê, cặm cụi làm một cái mà chẳng ai cần, nên đã bị rớt giá đến thậm tệ như thế.
Ba bài thơ trong tập và cũng là ba bài gửi cho thi hữu, những người không được nhận sách tặng của anh, thể hiện khá rõ sự thảng thốt của Lê Thiếu Nhơn: Đồng nghiệp tung hô hậu hiện đại giễu nhại xã hội/ Ôi, sự bất lực khó chịu đến thế ư?/ Trốn tránh vào đâu cũng hao mòn trai trẻ/ Cha già, nhà xiêu, vợ dại, con thơ/ Sự thật giản dị như vết chém triền miên trên thân cây buồn tẻ!/ Tôi kỳ lạ chính mình giữa loay hoay lạ kỳ/ Sao cứ thấy bàn tay chụp giựt đè lên bàn tay cặm cụi?/ Lo cận thị cao độ, mỗi tuần tôi đo mắt một lần/ Người tốt bóng mờ bóng nhỏ vừa lầm lũi vừa vô tận trong mưa! (Bất chợt rùng mình). Các cụ ta ngày xưa đã đúc rút thật chí lý: Chẳng nghề nào nuôi nổi nghiệp đâu. Lê Thiếu Nhơn hẳn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, nên anh: Không thể giá như chuyện này, giá như chuyện nọ/ Tôi quen dần phản xạ thân cô thế cô/ Thêm lần cúi đầu vì cha mẹ yên phận dân nghèo/ Thêm lần cúi đầu vì anh em lầm lũi áo cơm/ Thêm lần cúi đầu vì bạn bè bé họng thấp cổ/ Tôi cúi đầu, cúi đầu, cúi đầu/ Tôi cúi đầu đi đâu, về đâu? (Lá thư hy vọng).
Thấp thoáng sau những câu thơ trên là hình bóng một Lê Thiếu Nhơn nhỏ bé đến mong manh, dễ vỡ khôn cùng. Anh đã từng có những phút giây gồng mình lên trong im lặng để chống chọi với đời và chống chọi với cả sự đam mê thi ca đến cháy lòng. Để rồi, khi viết nên những chữ thơ, bạn đọc luôn cảm thấy một Lê Thiếu Nhơn thảng thốt trong trống vắng.
Đỗ Ngọc Yên