Thẳng thắn và trách nhiệm với vấn đề cử tri quan tâm

26-03-2012 8:28 PM | Thời sự

Hơn 3 giờ đồng hồ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời rất thẳng thắn và trách nhiệm vào những nhóm vấn đề chính như quá tải bệnh viện, đảm bảo nguồn lực để phát triển công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện y đức trong ngành y tế,

Hơn 3 giờ đồng hồ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời rất thẳng thắn và trách nhiệm vào những nhóm vấn đề chính như quá tải bệnh viện, đảm bảo nguồn lực để phát triển công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện y đức trong ngành y tế, điều chỉnh khung giá viện phí, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ y tế…  mà 25 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với các ĐBQH diễn ra sáng ngày 26/3.

Nhiều bệnh viện đầu ngành sẽ được giảm tải

Trước khi trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có 10 phút để báo cáo các công việc mà ngành y tế đạt được thời gian qua, trong đó, khi đề cập đến vấn đề quá tải bệnh viện (BV), Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là lĩnh vực ngành y tế rất tâm huyết và trăn trở. Ngành y tế rất chia sẻ với những quan tâm của ĐBQH và cử tri đối với việc quá tải BV hiện nay, do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016, ngành đã xác định việc giảm tải BV là một trong các nhiệm vụ hàng đầu của ngành ở nhiệm kỳ này.

 
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Hoàng Phú

Trả lời câu hỏi làm gì để thực hiện giảm tải BV của đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (Kon Tum), ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên), ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)… Bộ trưởng cho biết: Giải pháp đầu tiên là phải tăng số giường bệnh. Theo đó, ngành y tế quyết tâm tăng cường mở rộng thêm giường bệnh của một số BV đầu ngành. Ngay trong năm nay và đầu năm sau, BV K sẽ có thêm 300 giường bệnh, Trung tâm Y học hạt nhân - BV Bạch Mai sẽ có thêm một tầng nữa, rồi tòa nhà 9 tầng dành cho chuyên ngành hô hấp và tim mạch của BV Bạch Mai cũng được xây dựng; BV Chợ Rẫy sẽ xây dựng cơ sở hai ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân…

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá: Bộ trưởng Bộ Y tế đã rất thẳng thắn và có trách nhiệm trong trả lời các câu hỏi chất vấn của ÐBQH. Với truyền thống đoàn kết, trong thời gian qua ngành y đã có nhiều thành tích trong công tác chuyên môn. Ngành đã triển khai công tác khám chữa bệnh hiệu quả các tuyến, cả ở y tế chuyên sâu, tuyến dưới và y tế dự phòng, quân dân y kết hợp… Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có được những kết quả đó, ngoài sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của Ðảng, Nhà nước là sự quyết liệt, tâm huyết với công việc được giao của đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế. Với năng lực chuyên môn của mình, đồng chí Bộ trưởng đã phát huy trí tuệ của tập thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, ngành y tế rất cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân để dần khắc phục những tồn tại của ngành nhằm nâng cao hơn nữa công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, để ngày càng đáp ứng hơn nữa nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ sở vật chất cho tuyến huyện, tuyến tỉnh. Bộ Y tế cũng đã xây dựng đề án xây dựng các BV vệ tinh của các BV Trung ương, với các chuyên ngành ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình và nhi. Để hạn chế số bệnh nhân vượt tuyến không cần thiết, Bộ Y tế sẽ phân tuyến kỹ thuật rất rõ, bệnh nào thì cần phải chuyển và bệnh nào tuyến dưới xử lý tốt. Còn nếu bệnh nhân cố tình vượt tuyến, BV tuyến dưới và tuyến trên sẽ cùng phải chịu trách nhiệm về chuyên môn. Phân tích điều này, Bộ trưởng đưa ra thực tế: ở nhiều nước, để chuyển viện cần qua tuyến chăm sóc ban đầu, còn ở nước ta, việc chuyển viện còn rất tự do và… theo yêu cầu của bệnh nhân. Nhiều bệnh có thể chữa khỏi được tại tuyến dưới, nhưng bệnh nhân vẫn ồ ạt lên tuyến Trung ương, tạo nên sự quá tải ảo, đồng thời gây lây nhiễm BV trong cộng đồng rất lớn.

Hiện nay, việc luân chuyển cán bộ ngành y cho tuyến dưới để giảm tải cho tuyến trên đang là vấn đề khá nan giải, ngành y rất khó “giữ chân” bác sĩ, nhất là những người có tay nghề cao. Để việc thực hiện giảm tải BV có hiệu quả, tới đây Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về “nghĩa vụ xã hội” đối với các bác sĩ mới ra trường, giống như ngành giáo dục, các thầy cô giáo phải lên vùng núi làm “nghĩa vụ” trong khoảng thời gian nhất định. Hiện nay Bộ Y tế đang tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ các nước để xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Nêu ra các giải pháp như vậy, tuy nhiên, Bộ trưởng rất thẳng thắn cho rằng: Để thực hiện giảm tải BV có hiệu quả thực sự không phải một sớm một chiều làm ngay được và không chỉ riêng sự cố gắng của ngành y tế mà đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội.

 Các địa phương cũng cần quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Hương (Nghệ An), ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre), ĐB Uông Chu Lưu (Thanh Hóa) về các vấn đề liên quan đến việc đào tạo bác sĩ cho y tế dự phòng chưa được quan tâm, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tại sao ngân sách dành cho y tế dự phòng còn thấp…, dẫn đến công tác y tế dự phòng tuyến cơ sở bị coi nhẹ trong khi bệnh dịch nhiều, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nguồn lực cho lĩnh vực y tế dự phòng hiện còn rất thiếu và yếu.
 
Đối với công tác đào tạo, từ năm 2007, Bộ Y tế mở thêm mã ngành cho các trường y với số điểm chuẩn “ưu ái” cho các thí sinh (điểm đầu vào thấp hơn các ngành khác từ 3 - 5 điểm) nhằm khuyến khích, thu hút nguồn lực vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít học sinh mặn mà với ngành học này. Có những tỉnh 5 - 6 năm không tuyển được một bác sĩ y tế dự phòng. “Để giải quyết vấn đề thiếu cán bộ y tế dự phòng tuyến cơ sở, Bộ Y tế đã đưa giải pháp mở rộng các loại hình đào tạo như đào tạo liên thông cho các cán bộ, y sĩ đã từng làm công tác y học dự phòng, đào tạo theo địa chỉ”- Bộ trưởng cho biết...

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn ngân sách cho công tác y tế dự phòng, đặc biệt ngân sách dành cho chống dịch, phụ cấp chống dịch cho y tế dự phòng còn rất hạn hẹp, Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho hoạt động y tế dự phòng, trong đó chú trọng đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên ngoài cố gắng của ngành, các địa phương cần cố gắng thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 18 của Quốc hội là dành 30% ngân sách chi cho y tế dự phòng.

 Nhiều bệnh nhân tuyến dưới tự ý vượt tuyến trên gây nên tình trạng quá tải BV. Ảnh: Đức Anh

Thực hiện y đức: Cả thầy thuốc và bệnh nhân cùng vào cuộc

Trước câu hỏi của ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và một số ĐB khác về lĩnh vực được dư luận quan tâm là y đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: Y đức là phạm trù không chỉ của ngành y tế mà còn của tất cả các ngành. Riêng đối với ngành y tế để làm nghề đòi hỏi phải có cả y lý, y đức và y thuật vì nếu chỉ có y đức không thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tình trạng thiếu nụ cười cũng xảy tại một số cơ sở nhất là những nơi quá tải ở phòng khám ngoại trú, phòng khám bệnh, quá đông, chật chội. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã và đang thực hiện việc gắn với Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ y tế đã được ban hành.
 
Tuy nhiên, khi BV quá tải, người bệnh, người nhà muốn được khám chữa bệnh nhanh nên đã chủ động đưa quà biếu cho cán bộ y tế. Do đó, việc thực hiện y đức có hiệu quả phải từ hai phía. Ngành y tế đã có một khảo sát ngẫu nhiên về thái độ của bệnh nhân với cán bộ y tế. Ví dụ hơn 90% bệnh nhân nội trú ở BV Bạch Mai bày tỏ thái độ hài lòng với cán bộ y tế. Việc thực hiện y đức cũng phải vừa phê phán vừa biểu dương vì đa phần cán bộ trong ngành đều yêu nghề, đều say mê với nghề, trong khi lương thấp, học lâu và chế độ đãi ngộ chưa phải đã phù hợp. Tôi cũng mong xã hội thông cảm với cán bộ ngành y tế. 

Thái Bình


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH