Thẳng thắn và trách nhiệm

14-11-2012 21:10 | Xã hội
google news

Tại phiên trả lời chất vấn trong hai ngày chiều 13 và sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn, trả lời rõ ràng, đầy đủ và khúc chiết các vấn đề của ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm như: giải đáp các ý kiến chất vấn về vấn đề y đức,

(SKDS) - Tại phiên trả lời chất vấn trong hai ngày chiều 13 và sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn, trả lời rõ ràng, đầy đủ và khúc chiết các vấn đề của ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm như: giải đáp các ý kiến chất vấn về vấn đề y đức, giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân khám bệnh, xử lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, hàng loạt các câu hỏi về những vấn đề được cử tri quan tâm khác như giá thuốc, tác động của việc tăng viện phí, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh..., cũng được người đứng đầu ngành y tế trả lời cụ thể.

Nhiều nỗ lực của ngành y tế

Về vấn đề phong bì của bệnh nhân, theo Bộ trưởng, nếu bệnh nhân đang trong tình trạng đau đớn, cần điều trị mà bác sĩ nhận tiền trước khi khám là sai, nhưng sau khi trị bệnh thành công, bệnh nhân cảm ơn bác sĩ qua hình thức quà, hoa, phong bì là bình thường. Từ trải nghiệm của mình và cả gia đình công tác trong ngành y, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến xúc động khi nhắc đến nhiều đồng nghiệp phải đứng mổ suốt 8 giờ ròng rã, trong khi tiền bồi dưỡng trước kia chỉ có 25.000 đồng. Trong khi đó, khi đứng trước những ca bệnh khó, các thầy thuốc phải chịu áp lực “cân não” lo lắng, chịu trách nhiệm về tính mạng của bệnh nhân, có lúc lo đến căng thẳng, mồ hôi ướt đầm lưng áo.
 
Thẳng thắn và trách nhiệm 1
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 14/11/2012. Ảnh: Minh Điền
Những lúc như vậy, theo Bộ trưởng, họ thực sự không tính toán lợi nhuận. Nhận phong bì chỉ là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh" trong khi không ít bác sĩ chịu những hy sinh thầm lặng, có những bác sĩ trẻ bị hành hung. “Chúng tôi nhận được rất nhiều lời khen ngợi, nhưng "con sâu làm rầu nồi canh" làm đau lòng không ít người. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã hy sinh thầm lặng ở các trạm y tế xã, ở các bệnh viện huyện và có những người đã hy sinh tính mạng, chúng tôi đã đến thăm và chia sẻ. Có những bác sĩ ở tuyến huyện sau giờ làm việc là đi làm ruộng và khi họ mất đi trên người chỉ còn ống nghe và bộ quần áo công tác. Không cầm được nước mắt vì những đồng nghiệp như vậy!

Lương thấp cũng là một vấn đề tác động đến y đức. Bộ trưởng so sánh hình ảnh BV Bạch Mai và BV Việt - Pháp cách nhau chỉ một bức tường nhưng ở BV Việt - Pháp không có hiện tượng phong bì, thái độ thiếu y đức. Trong khi ở BV Bạch Mai phải phát động phong trào, kiểm tra. Đề cập nhiều giải pháp cải thiện y đức như giảm quá tải cơ sở khám chữa bệnh, chế độ tiền lương, phụ cấp, cơ cấu giá thành dịch vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nêu một biện pháp hành chính mạnh mẽ đang triển khai. Đó là giao các giám đốc bệnh viện thực hiện nếu phát hiện bất cứ điều dưỡng, y tá, bác sĩ, cán bộ nào nhận phong bì thì cho nghỉ việc luôn. Hai BV đang làm tốt biện pháp hành chính này là BV Việt Đức và BV Đại học Y. “Về phía người nhà bệnh nhân và thân nhân, chúng tôi mong rằng cử tri dứt khoát không đưa phong bì. Đồng thời giám sát, nếu nơi nào còn cảnh đưa phong bì, chụp ảnh và ghi lại tên người điều dưỡng, bác sĩ, cán bộ y tế đó gửi cho Giám đốc bệnh viện và gửi cho chúng tôi. Tuy nhiên, công việc này không phải một sớm một chiều, mà đây là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác và sẽ phải kéo dài, chúng tôi cũng mong được sự ủng hộ của cử tri cả nước” - Bộ trưởng nói.

Về vấn đề tai biến sản khoa diễn ra gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong hội nghị mới đây tổ chức tại Mỹ, nước ta là 1 trong 8 nước trong nhóm dẫn đầu được đánh giá có tỷ lệ tử vong mẹ giảm 8 lần trong 20 năm trở lại đây. Đây là một điểm sáng trong thiên niên kỷ. Đồng thời, bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi cũng đã được giảm xuống 3 lần trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, không thể chủ quan, vì trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tử vong sản khoa ở nước ta đứng thứ tư, nhưng so với một số nước khác, tỷ lệ tử vong như vậy vẫn còn cao. Về giải pháp, Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo các Sở Y tế tích cực kiểm tra, kiểm thảo làm rõ nguyên nhân và có biện pháp sớm khắc phục. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vấn đề con người. Tăng cường đào tạo bác sĩ sản nhi. Tập huấn cho cán bộ y tế ở tất cả các tuyến về quy trình điều trị và kỹ thuật chuyên môn. Thời gian qua, Bộ Y tế đã mở được 158 lớp tập huấn với hơn 4.000 cán bộ được tham dự...

Thẳng thắn và trách nhiệm 2
 Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương - đoàn Hải Dương.

Về phát triển mạng lưới y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong Hội nghị Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức mới đây tại Việt Nam, Giám đốc Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã đi thăm ngẫu nhiên 3 huyện miền núi và các trạm y tế xã. Các bạn nước ngoài đều khẳng định, về mạng lưới y tế cơ sở không cần đi đâu xa, hãy đến Việt Nam mà học. Theo các đồng nghiệp nước ngoài, họ không hình dung được một đất nước thu nhập bình quân đầu người chỉ 1.000USD mà có trạm y tế xã khang trang, vùng núi có thể đỡ đẻ, tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta cũng là điểm sáng trong thiên niên kỷ, chăm sóc suy dinh dưỡng, hướng dẫn, vấn đề tuyên truyền, các bệnh không nhiễm khuẩn, chương trình mục tiêu quốc gia... dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu và có cả quầy thuốc ở đó.

Vấn đề ATVSTP, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đối với những mặt hàng nhập khẩu chính ngạch, đều được cơ quan y tế và ban, ngành liên quan làm test nhanh nên hoàn toàn yên tâm. Lo lắng nhất vẫn là mặt hàng nhập tiểu ngạch, do đường biên giới nước ta dài. Hiện, Bộ Y tế đã và đang phối hợp tích cực với các ngành liên quan giải quyết. Được sự cho phép của Chủ tịch QH, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã bổ sung những vấn đề về ATVSTP: “Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 91 về an toàn thực phẩm, qua đó các biện pháp, chế tài có thể xử phạt vi phạm đến 100 triệu đồng và có thể tịch thu phương tiện... Nếu chúng ta làm quyết liệt thì có thể xử lý được vấn đề này” - Phó Thủ tướng nói.

Chỉ rõ bất cập, nguyên nhân và giải pháp

Trước đó, trong cuối giờ chiều 13/11 với hàng loạt các câu hỏi về những vấn đề được cử tri quan tâm như giá thuốc, tác động của việc tăng viện phí, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh... Các ĐB: Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Trương Văn Vở (Đồng Nai) đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về việc vì sao thuốc qua đấu thầu lại đắt hơn giá thị trường trong khi lẽ ra phải rẻ hơn? Với tinh thần thẳng thắn và rất trách nhiệm trước QH và cử tri cả nước, Bộ trưởng đã chỉ ra bất cập và nguyên nhân, đó là quy định cho các đơn vị khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế quản lý giá thuốc là không hợp lý vì như vậy chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi” vì Bộ vừa sản xuất, vừa kê thuốc, vừa quản lý giá thuốc.
 
Thẳng thắn và trách nhiệm 3
 ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) tại phiên họp chất vấn.
Bộ trưởng thẳng thắn: Không nên để tình trạng này tiếp tục diễn ra. Bộ Y tế chỉ nên quản lý về chuyên môn, đảm bảo đủ thuốc đến tay người bệnh. Để giải quyết căn cơ thực trạng này, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành thông tư chia các nhóm thuốc thành xuất xứ khác nhau trên cơ sở kỹ thuật; đồng thời quy định giá đấu thầu phải thấp hơn giá trước đó kê khai để quản lý. Bộ Y tế cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ủy ban đấu giá Quốc gia về thuốc với sự tham gia của liên ngành: Tài chính, BHXH, Y tế để đảm bảo cân đối, xem xét và đưa ra giá thấp nhất.
 
Trả lời câu hỏi của các ĐB xung quanh tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giãi bày: Qua nhiều nhiệm kỳ, 8 lần Bộ Y tế có ý định trình tăng giá dịch vụ nhưng vẫn không được. Bộ trưởng khẳng định việc điều chỉnh giá viện phí sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho những người nghèo, người tham gia BHYT, trẻ em dưới 6 tuổi. Liên quan đến câu hỏi của ĐB Huỳnh Tấn Dương (Hải Dương) về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, Bộ trưởng Bộ Y tế xác nhận: Tình trạng này ngày càng trầm trọng, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Có tỉnh, tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái ra đời hiện đã chênh đến mức 130/100.
 
Trả lời về cách giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính, Bộ trưởng cho rằng, Bộ Y tế chỉ có thể là xử phạt hành vi siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi; tổ chức kiểm tra. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đoàn ĐBQH tăng cường giám sát việc này ngay tại địa phương mình, đồng thời đề nghị các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là các cơ quan truyền thông, cả xã hội phải tích cực vào cuộc hơn nữa. Cũng trong phần trả lời chiều 13/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời một số câu hỏi của các ĐB xung quanh công tác quản lý tiền chất, quản lý hoạt động KCB có yếu tố nước ngoài.

Thủ tướng trả lời nhiều vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm

Làm rõ thêm một số vấn đề mà cử tri và ĐBQH quan tâm, sau khi báo cáo trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trả lời câu hỏi của các ĐB về giải pháp, động lực bao trùm để đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự quản lý của Nhà nước để thực hiện đồng bộ, đồng thời, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng đã đề ra. Thủ  tướng cho rằng trong khi thực hiện tổng thể, đồng bộ, đồng thời các chủ trương đó, giải pháp có ý nghĩa động lực, bao trùm, có ý nghĩa nhất là thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân, là lòng dân, là đồng thuận của xã hội. “Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Đây là giải pháp cơ bản, bao trùm”, Thủ tướng khẳng định.        

Tuệ - Tuấn

*  ĐBQH Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH: Tôi ghi nhận sự tích cực của Bộ Y tế

Thẳng thắn và trách nhiệm 4

Những vấn đề các đại biểu QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế đều là những vấn đề trong mấy năm gần đây diễn đàn QH cũng như các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm, đề cập. Đối với các vấn đề như: giá thuốc, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vấn đề y đức,… tôi thấy rằng Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời khá cụ thể về tất cả các vấn đề này. Có thể thấy, những vấn đề này đã được Bộ Y tế nghiên cứu trong nhiều năm, trong quá trình đó đã đưa ra các giải pháp và các giải pháp về sau đã đáp ứng và tạo được sự chuyển biến phần nào. Tôi ghi nhận sự tích cực của Bộ Y tế từ nhiệm kỳ trước đến nhiệm kỳ này trong các vấn đề đang còn tồn tại nêu trên. Những vấn đề còn tồn tại này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, có những vấn đề có thể giải quyết ngay, có những vấn đề chúng ta cần phải có thời gian.

ĐBQH Trương Văn Vở (Đồng Nai): Cần quan tâm đến giá thuốc hơn

Thẳng thắn và trách nhiệm 5

Vấn đề đấu thầu giá thuốc tôi quan tâm, theo dõi từ kỳ họp thứ 2 đến giờ. Tôi cho rằng khâu thanh kiểm tra mà Bộ trưởng đã xác định là rất quan trọng, có thể cần phải đổi mới để từ đó tạo điều kiện và giúp cơ quan kiểm tra được làm tốt hơn. Về vấn đề quản lý giá thuốc mà Bộ trưởng đã trình bày, theo tôi ở đây cần phân biệt rõ rạch ròi, tách bạch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Nhưng đứng về mặt quản lý nhà nước tôi nghĩ rằng, hiện thời 2 bộ cần quan tâm đến vấn đề giá thuốc, vì đây cũng là vấn đề cử tri quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên): Bộ trưởng Bộ Y tế tạo được ấn tượng

Thẳng thắn và trách nhiệm 6

Tại phiên chất vấn lần này, các Bộ trưởng, trưởng ngành nói chung và Bộ trưởng Bộ Y tế nói riêng ít nhiều đã để lại ấn tượng. Tôi cũng như nhiều đại biểu khác đồng tình và đánh giá cao Chính phủ và một số Bộ trưởng đã có báo cáo xem xét giải quyết kiến nghị, ý kiến của cử tri, chất vấn của đại biểu QH. Đây là bước chuyển biến tốt, tích cực, nhưng làm sao từ báo cáo phải biến thành hành động trong cuộc sống và mang lại hiệu quả.


Ý kiến của bạn