Tháng Năm - Về thăm quê Bác

13-05-2012 14:26 | Xã hội

Lúc còn là học sinh, tôi đã từng đắm mình trong những bộ phim tư liệu, tranh ảnh và những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng như: Thanh Tịnh, Tố Hữu... viết về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và quê hương của Bác Hồ.

Lúc còn là học sinh, tôi đã từng đắm mình trong những bộ phim tư liệu, tranh ảnh và những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng như: Thanh Tịnh, Tố Hữu... viết về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và quê hương của Bác Hồ. “Hoàng Trù - quê Mẹ, Làng Sen - quê Cha” cứ khắc khoải trong tôi niềm ao ước được một lần về thăm. Và, mãi đến đầu tháng 5 này, lần đầu tiên trong đời tôi mới được về nơi mà hơn một thế kỷ qua Bác đã chào đời và sống những tháng năm thơ ấu...

Như còn ấm hơi Người

Dù mới đầu tháng năm, trời mùa hè miền Trung đang nắng gắt (nhưng do ảnh hưởng cơn bão số 1), và có lẽ cảm động trước tình Bác mênh mông... nên hôm đó trời chợt đổ mưa! Trong đoàn công tác có người “ngại ướt” ngồi lại trong ôtô, nhưng tôi nhảy ào xuống sân Khu di tích Kim Liên như một cậu bé ôm niềm khao khát được về thăm quê Bác bị dồn nén quá lâu rồi.
 
 Nhà quê nội Bác Hồ ở Làng Sen.      
Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là làng Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ. Lối dẫn vào nhà lưu niệm quê ngoại Bác là con đường nhỏ uốn lượn được rải bê tông thoáng sạch, hai bên đường xanh um tùm những hàng tre rì rào trong gió. Bước qua chiếc cổng vườn được làm bằng tre đơn sơ dung dị, toàn bộ khu vườn và hai gian nhà tranh được bao bọc xung quanh tường rào là những hàng tre già cao vút.
 
Các lối đi trong vườn rợp bóng mát của những hàng cau đứng thẳng tắp đu đưa quả mọng và hai bên lối đi là những hàng râm bụt được trồng, cắt tỉa vuông vắn đẹp mắt. Trên các lô đất còn lại trong vườn mùa này được trồng toàn loại cây đậu phộng (lạc) đang ra những chùm bông trắng nõn...

Khu vườn đang im lìm chợt rộn ràng bởi có đoàn học sinh tiểu học được các thầy, cô giáo đưa về thăm. Các em thiếu nhi, học sinh ríu rít như đàn chim non ùa vào nơi mà cách đây 122 năm cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời. Chất giọng “Nghệ” nhẹ nhàng của cô gái thuyết minh làm cho không gian khu vườn quê ngoại Bác ấm áp trong sáng tháng năm mưa đầu mùa hạ vây quanh...

Xe lượn qua một cánh đồng chừng 2km, chúng tôi đến Làng Sen - quê nội Bác Hồ. Khu di tích xã Kim Liên và cụm di tích Làng Sen được xây dựng rất khang trang trong một quần thể khép kín. Từ sân Khu di tích đến khu vườn nhà quê nội của Bác, chúng tôi đi bộ dưới những hàng tre già rợp mát. Và kia là những ao sen vươn những cành lá non lên trên mặt nước, nhu nhú vài búp sen hé nở thoang thoảng hương thơm.
 
Cũng giống như nhà lưu niệm quê ngoại, toàn bộ khu vườn quê nội của Bác được trồng những hàng cau thẳng tắp, đậu lạc và giữa khoảnh sân trước nhà là cây bưởi lớn chi chít quả non. Khu nhà có hai gian và toàn bộ vật dụng trong nhà được giữ nguyên cũ. Theo cô hướng dẫn viên giới thiệu, chúng tôi lặng lẽ thăm từng gian phòng trong căn nhà tranh dài mà ngày xưa gia đình Bác sinh sống.
 
Gian đầu tiên là gian thờ, trên chiếc bàn làm bằng tre đơn sơ, đặt một bát nhang bằng gốm sứ, đĩa trái cây (không một tấm di ảnh, không bài vị), đây là nơi thờ chung của cả gia đình Người: (song thân, chị gái - bà Nguyễn Thị Thanh, anh trai - ông cả Nguyễn Sinh Khiêm, Bác Hồ và người em trai út - Nguyễn Sinh Nhuận).
 
 Đơn sơ gian nhà thờ gia đình Bác Hồ ở Làng Sen.         
Gian kế bên còn đặt một cái tủ gỗ cũ làm nơi cất thức ăn và bên trên là chiếc mâm đồng mòn nhẵn, đây là gian nhà ăn của gia đình Bác. Gian cuối của căn nhà kê hai chiếc giường gỗ; một chiếc làm nơi nghỉ và đọc sách của ông Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Bác) và chiếc giường (kích thước ngắn hơn) dành cho ông cả Khiêm và Bác ngủ và học bài. Trong gian nhà dọc (nhỏ hơn) được bố trí làm bếp và khu sinh hoạt chung của cả gia đình...

Hai gian nhà tranh thấp, cột gỗ đã cũ đặt trên sàn nhà đất bóng loáng, bên trong là những vật dụng sinh hoạt đơn sơ nhưng được bày trí gọn gàng, sạch sẽ đã toát lên cốt cách đạm bạc mà thanh cao của gia đình một nhà nho yêu nước; nơi đã hun đúc, nuôi dưỡng để toả sáng một vĩ nhân, một con người vĩ đại đã làm rạng danh cho đất nước và dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại đều phải nghiêng mình - Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Làng Hoàng Trù - nơi Bác cất tiếng khóc chào đời và Làng Sen nuôi dưỡng Người lớn lên trong những tháng năm ấu thơ dữ dội. Lặng lẽ đặt từng bước chân trên quê hương Bác hôm nay, tôi chợt thấy lòng rưng rưng xúc động. Dường như đâu đó trong tiếng gió ru trên cành tre già, trong góc vườn hoa bưởi trắng, trong gian nhà tranh đơn sơ, trên những lối đi trong vườn, trên chiếc giường gỗ còn ấm hơi Người!

 Nhớ mãi tháng Năm…

Trong chuyến về quê Bác, tôi cùng đồng nghiệp còn đi thăm những di tích lịch sử, văn hoá của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, tôi đã leo 511 bậc tam cấp (lên và xuống) của núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ, thuộc làng Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An để viếng mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ).
 
 Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ.
Toàn bộ công trình có diện tích 65,2ha gồm các hạng mục: cổng đón và cổng kết, mộ cụ Hà Thị Hy (bà nội Bác Hồ), mộ bà Hoàng Thị Loan, mộ ông Nguyễn Sinh Nhuận (em trai út của Bác) và hệ thống lan can, các chòi nghỉ, bậc thang đá lên xuống dài hơn 1km. Công trình mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trong tổng thể Khu di tích Kim Liên được khởi công xây dựng ngày 21/7/2010 và khánh thành ngày 3/6/2011.
 
Đứng từ núi Động Tranh có thể nhìn toàn cảnh thành phố Vinh và xã Kim Liên như nằm trong lòng ngọn núi cao hùng vĩ. Đây là công trình thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước đối với một người mẹ kính yêu đã có công sinh thành, dưỡng dục một con người vĩ đại mà cả cuộc đời Người đã dành trọn cho nước, cho dân...

Hiện nay, khu mộ thân mẫu của Bác Hồ và cụm di tích Kim Liên trở thành nơi tham quan, nghiên cứu của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, mỗi năm khi tháng Năm về kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, Khu di tích Kim Liên trở thành nơi tìm về của nhiều đoàn du khách, của các thế hệ cháu con từ khắp mọi miền đất nước hành hương về nguồn cội!

Với tôi, lần đầu tiên được về thăm quê Bác đã để lại trong tâm hồn mình nhiều cảm xúc rất khó tả, những tình cảm rất thiêng liêng về một địa danh, về một quê hương, nơi “mạch nguồn” đã sinh ra một con người, một anh hùng kiệt xuất của dân tộc! Dù là kẻ đi sau, đến muộn, nhưng tôi thấy thật ấm lòng. Bởi:

“Ta đến muộn. Đừng lo, Người vẫn đợi
Với Bác Hồ Người thương nhất kẻ đi sau…”          

        (Tố Hữu)

  Bài và ảnh: Thanh Dương Hồng


Ý kiến của bạn