Tháng Năm, tìm về hơi ấm của Người
SKĐS - Ngôi làng nhỏ nằm nép mình dưới những rặng tre mát rượi ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dường như không bao giờ ngớt người đến viếng thăm. Bên mái lá đơn sơ, cánh võng mộc mạc, chiếc khung cửi thân thương… nghe câu chuyện về Bác lại thấy đâu đây hơi ấm của Người.
Nhân cách lớn trong ngôi nhà đơn sơ
Tháng 5, trên quê hương Kim Liên, Nam Đàn cái nắng đầu hè rạo rực như lòng người về thăm quê Bác. Đường về làng Sen và Hoàng Trù rợp bóng cây xanh. Từng đoàn người từ khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S cùng đến đây, tri ân, tưởng niệm cũng như để tận mắt nhìn thấy quê hương, ngôi nhà cùng những kỷ vật gắn bó suốt thời niên thiếu của Bác Hồ kính yêu. Quê Bác, hai tiếng thân thương, gần gũi biết bao trong tâm thức con người đất Việt.
Làng Hoàng Trù hay còn gọi là làng Chùa, cũng như bao làng quê yên ả khác ở xứ Nghệ, với những con đường làng quanh co, bờ giậu thanh bình xanh mướt. Ngôi nhà nơi Bác Hồ sinh thành nằm khuất sau những hàng cau. Từ mái nhà tranh đơn sơ, vào một buổi sáng tháng 5 thơm ngát hương sen 134 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cất tiếng khóc chào đời.
Kể chuyện quê ngoại Bác, giọng nói vô cùng tha thiết của các thuyết minh viên xứ Nghệ dẫn dắt người đến thăm bởi câu chuyện cảm động về vị thân sinh ra Bác, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng với tinh thần ham học, học giỏi nên cụ được thầy giáo của mình, là cụ Hoàng Xuân Đường rất mực yêu quý đưa về nuôi nấng, dạy dỗ và gả cô con gái cho. Cụ Hoàng Xuân Đường còn chia cho mảnh đất, xây cho ngôi nhà ba gian, cùng chái bếp nhỏ ở phía tây khu vườn.
Trong ngôi nhà này, ngoài gian ngoài dùng để học tập và nghỉ ngơi của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, gian là một chiếc giường bằng gỗ xoan còn nguyên vẹn. Cũng nơi đây, những người con Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung lần lượt chào đời. Gian bên cạnh còn một khung cửi, nơi bà ngày đêm dệt vải, chăm lo cho cả gia đình.
Giữa căn phòng là chiếc võng mà thời ấu thơ Bác Hồ đã nằm nghe lời ru à ơi của mẹ. Chiếc khung cửi dệt vải ở gian thứ ba của thân mẫu Bác Hồ dùng để quay tơ, dệt vải kiếm sống nuôi cả gia đình.
Chuyện còn kể năm Bác về lại quê lần thứ nhất vào năm 1957. Bước vào ngôi nhà mái tranh vách nứa sau 50 năm xa cách, vào gian buồng của mẹ, thấy cái rương gỗ cũ của mẹ còn đó, Bác nghẹn ngào chẳng nói nên lời. Người lặng thật lâu bên cánh võng, mãi mới lên tiếng cảm ơn mọi người đã gìn giữ những kỷ vật của mẹ cẩn trọng đến vậy. Rồi mắt Bác rơm rớm.
Mỗi kỷ vật, mỗi góc nhà chái bếp hàng hiên đều mang đến một nỗi xúc động khôn tả, bởi đã nhắc lại cuộc đời vô cùng thanh cao giản dị của Bác, của gia đình Bác, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với nhân cách cao quý của Người sau này.
Ngôi nhà này sau khi Bác theo cha về quê nội, thân sinh Bác đã để lại cho bà con trong họ Hoàng Đường sử dụng.
Làng Kim Liên nằm không xa Hoàng Trù, dẫu không phải nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, nhưng lại ghi dấu suốt những năm thơ ấu đầu đời của Bác. Ngôi nhà lá năm gian này là ngôi nhà tình nhà nghĩa của bà con Làng Sen quyên góp xây nên để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng trở về làng vào năm 1901.
Lúc này mẹ Bác đã qua đời, nên gian chính của căn nhà cha Bác dùng để thờ bà, cũng như đọc sách, tiếp khách. Các gian khác dùng để nghỉ ngơi, nấu nướng, có riêng một gian nhỏ cho bà Thanh, người chị duy nhất của Bác Hồ. Cây cối trong vườn cũng do người dân làng Sen trồng giúp, tạo nên một màu xanh tình nghĩa tỏa bóng mát bốn mùa.
Trong ngôi nhà gợi lên những cảm xúc thân thương khó tả thành lời. Nhiều đoàn khách đến viếng, các vị cựu chiến binh, các bạn học sinh, sinh viên… đều xúc động nghẹn ngào khi nhìn thấy những chiếc phản gỗ để Bác và cha, anh nằm ngủ, chiếc giường con xinh xắn của chị, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ, vài vật dụng đơn sơ...
Quê Bác đã trở thành "Quê chung"
Là một cựu chiến binh ở Phú Thọ, về thăm quê Bác trong tháng 5 đặc biệt, bác Bùi Kim Đĩnh cho biết, đây là lần thứ 2 về thăm quê Bác. "Mỗi lần về thăm quê Bác mang một cảm xúc riêng. Tôi trở lại quê Bác thấy nhiều thứ khác biệt lắm, đẹp hơn ngày trước rất nhiều. Dẫu cảnh vật có đổi thay, nếp nhà tranh và những hiện vật ở quê Bác vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Nhưng điều tôi ấn tượng hơn cả là việc lưu giữ những kỷ vật gắn với Bác Hồ từ ngày xưa vẫn còn rất nguyên,như cầu nối lịch sử. Xem lại những kỷ vật, tôi càng hiểu hơn con người của Bác và kính trọng trước một nhân cách cao đẹp, giản dị…", bác Bùi Kim Đĩnh chia sẻ.
Vừa tâm sự vừa lau vội giọt nước mắt, bà Nguyễn Thị Thành (TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) kể, Cao Bằng vinh dự là nơi đón Bác trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. "Hôm nay, chúng tôi về đây, được tận mắt chứng kiến những vật dụng đơn sơ trong ngôi nhà nơi Bác sinh, ai cũng xúc động. Nhà Bác đơn sơ mà bình dị quá. Đến đây tôi lại càng kính trọng Bác nhiều hơn. Tôi sẽ kể cho con cháu nghe để các cháu hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về sự giản dị và những cống hiến to lớn của Bác cho đất nước", bà Nguyễn Thị Thành tự hào nói. Tình cảm của ông Đĩnh, bà Thành cũng là tình cảm chung của mọi người dân Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu.
Chính trong ngôi nhà mái lá này, sau hơn nửa thế kỷ xa cách, Bác chỉ mới về thăm được 2 lần, trào dâng cảm xúc thiêng liêng: "Quê hương nghĩa trọng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình". Người thân mật trò chuyện cùng bà con quê nhà: "Tôi xa quê hương đã năm mươi năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tôi không buồn không tủi. Tôi rất vui. Vui vì khi tôi ra đi nhân dân còn là nô lệ, bọn đế quốc phong kiến đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do".
Người vẫn nhớ như in cảnh vật xung quanh, sự bài trí trong nhà. Bác nói: "Xưa ngõ nhà Bác đi theo lối này, một bên có hàng chè mạn hảo, bên kia có hàng râm bụt". Trong vườn, cán bộ xin phép trồng hoa nhưng Bác muốn trồng hoa màu: "Hoa khoai lang vẫn đẹp" để nâng cao đời sống nhân dân làm ai cũng thấy nghẹn lòng.
Đã bao năm qua, "Nhà ông Phó bảng"- ngôi nhà Bác gắn bó thời niên thiếu trở thành nơi hội tụ của nhân dân Việt Nam và bầu bạn thế giới. Làng Sen đã trở thành "Quê chung" của tất cả mọi người.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên (H.Nam Đàn, Nghệ An) cho biết, mỗi năm, nơi đây đón hàng triệu lượt khách về thăm viếng, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, các đoàn cấp cao của các nước. Mọi người đến đây là để bày tỏ lòng biết ơn, ngưỡng mộ một con người vĩ đại, một tấm gương đạo đức cao cả, một cuộc sống trong sáng, giản dị, thấm hồn dân tộc, một nhân cách yêu nước thương nòi.
Cho đến hôm nay, "Nhà ông phó bảng" hơn trăm năm qua vẫn luôn được bảo quản, gìn giữ chu đáo. Mái lá hằng năm lợp lại. Gỗ mộc, phên tranh xử lý ẩm mốc. Mảnh vườn trồng hoa màu, bờ cây râm bụt, hàng chè mạn hảo ngay lối cổng đi vào được chăm chút, cắt tỉa cẩn thận. Du khách về thăm như tìm thấy hơi ấm tuổi thơ của Người.
Hàng năm, đặc biệt là vào dịp sinh nhật Người, du khách muôn phương lại về đây thăm lại vùng đất địa linh nhân kiệt nằm ở hạ lưu sông Lam. Mọi người về đây để được thưởng ngoạn không khí làng quê xứ Nghệ thanh bình, mộc mạc, được nghe làn điệu dân ca thấm đượm nghĩa tình, nghe kể về những năm tháng ấu thơ của Người mà còn để trải lòng mình trong những khoảnh khắc không thể nào quên trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của vị lãnh tụ kính yêu.
Nhiều vị khách nước ngoài khi đến viếng nơi đây cũng không khỏi ngỡ ngàng, bởi họ cũng không thể tin được là quê hương của một con người cao quý lại quá đỗi thanh bình như thế, và ngôi nhà thơ ấu của Bác lại quá mức giản dị và đơn sơ đến thế.
Về thăm quê Bác một ngày tháng 5, sẽ cảm thấy bao nhiêu xúc cảm dâng tràn lên trong trái tim của mỗi người con đất Việt.
Hoàng Trinh