1.000 năm trước, ngày Quý Sửu, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Điện tiền chỉ huy sứ triều Lê - Lý Công Uẩn lên ngôi mở đầu thời hưng thịnh Đại Việt. Giữa năm sau (Canh Tuất 1010), sau chuyến xa giá về quê bái Tổ ở châu Cổ Pháp (Tiên Sơn, Bắc Ninh nay), Thái Tổ Lý Công Uẩn tự tay viết Chiếu dời đô, chọn đất Đại La làm "nơi thượng đô của kinh sư muôn đời".
Đất ấy "ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam - Bắc - Tây - Đông, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh... thực là chỗ tụ hội của bốn phương...". Bước ngoặt của Đại Việt - thiên đô, được vị vua chí lớn và uyên bác quyết đoán sáng suốt với một tầm nhìn chiến lược cả về địa - chính trị, lẫn về phong thủy.
Dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần ở hố D4 - D6 (khu D). |
Còn như phong thủy của Đại La, mà từ mùa thu 1010 được Lý Thái Tổ đặt tên mới: Thăng Long, thì trong văn Chiếu, vua nói về cái thế đất "Rồng cuộn hổ ngồi", có "hình thế núi sông sau trước", "tụ hội (khí) của bốn phương", nên đã thấy hiển nhiên "muôn vật phồn thịnh".
Nói đến phong thủy Thăng Long, xưa nay người ta vẫn thường truyền tụng về chuyện Cao Biền nhà Đường, khi làm An Nam Tiết độ sứ, bồi đắp thêm thành Đại La làm lỵ sở đô hộ, đã từng trấn yểm long mạch Đại La. Cao Biền từng đem bùa yểm để trấn hãm bớt khí dữ của Bạch Hổ, mong giữ vượng bền khí lành của Thanh Long, ngõ hầu giữ ách đô hộ ngoại bang bền lâu mãi mãi. Nhưng tinh khí đất này linh diệu quá, nhân tài đất này tuấn kiệt quá, khiến cho mọi phép thuật phù thủy của họ Cao phải bại, cũng như mọi thế lực bên ngoài không thế nào khuất phục. Hẳn do cái hồn cốt của chuyện cao xa sảng khoái quá, nên nhiều khả năng là khám phá về phong thủy Thăng Long của các thế hệ người Việt kế tiếp nhau dày dặn mãi lên, nhưng người ta vẫn nói do Cao Biền dò tìm mà biết, rồi làm tấu bẩm với vua Đường. Đúng sai thế nào chưa biết chắc, nhưng phong thủy Thăng Long theo như truyền tụng đến nay thì quả là tuyệt diệu.
Nhìn đại cục, thì một mạch đất cực lớn (đại cán long) khởi từ núi Côn Lôn xứ Bắc chạy đến nước ta đã chia làm 3 chi lớn, trong đó có tới 27 "ngôi đất kết" (đất "thăng" khí mạnh từ "long mạch"), có thể phát tới thiên tử, còn lại là hàng nghìn ngôi đất lớn nhỏ kết phát nhân kiệt.
Có một diễn ca tương truyền do Cao Biền soạn, bằng chứng là còn nói đến tên đất "Giao Châu", vì thế hai chữ "Thăng Long" là để chỉ "khí thăng lên từ long mạch" - diễn ca nói về thế đất Đại La mà sau đó là kinh đô Thăng Long của Đại Việt. Nay Thủ đô Hà Nội ta mở rộng địa giới về phía Tây, thì những "rồng chầu" (sông châu tuần), "hổ phục" (núi che chắn) từ ngoại vi xa lại hóa ở gần kề:
"Thăng Long đệ nhất đại huyệt mạch, đế vương quý địa (Huyệt mạch thăng khí từ long mạch lớn nhất, đất quý phát đế vương).
Giao Châu hữu chi địa, Thăng Long thành tối hùng (Giao Châu có một ngôi đất như thế, khí thăng từ long mạch hùng mạnh nhất).
Tam hồng dẫn hậu mạch (Ba sông lớn dẫn hậu mạch - đó là sông Thao, sông Lô, sông Đà).
Song ngư trĩ tiền phương (Hai con cá dẫn phía trước - hẳn là hai doi đất nổi trên sông Hồng).
Tản Lĩnh trấn Kiền vị (Núi Tản Lĩnh, tức Ba Vì, trấn tại phương Càn - Tây Bắc).
Đảo Sơn đương Cấn cung (Núi Tam Đảo giữ phương Cấn - đông Bắc).
Thiên phong hồi Bạch Hổ (Nghìn ngọn núi quay về Bạch Hổ).
Vạn thủy nhiễu Thanh Long (Muôn dòng nước từ 3 con sông Thao, Lô, Gâm hội nhau ở Bạch Hạc rồi chảy về bao quanh Thanh Long).
Ngoại thế cực trường viễn (Thế bên ngoài cực rộng dài).
Nội thế tối sung dong (Thế bên trong rất mạnh, đầy).
Tô Giang chiến hậu hữu (Sông Tô Lịch dẫn mạch từ phía sau, bên phải).
Nùng Sơn cư chính cung (núi Nùng đóng chính cung).
Chúng sơn giai củng hướng (Mọi núi non đều hướng đến).
Vạn thủy tận chiều tông (Nơi tận cùng tụ hợp mọi dòng nước từ thượng nguồn dẫn khí mạch về).
Vị cư cửu trùng nội (Là nơi ở của đế vương).
Ức niên bảo tộ long (Bền vững tới chục vạn năm)”.
Quả là thế vượng địa trường cửu, xứng đáng là "Nơi thượng đô của kinh sư muôn đời" vậy.
Với vượng khí Thăng Long, nhà Lý làm chủ xã tắc 216 năm, trải 9 triều vua; nhà Trần 175 năm, 12 triều vua; nhà Lê cộng thời Lê sơ, Lê trung hưng, Lê mạt 356 năm, 26 triều vua.
Tuy nhiên, trong lẽ thịnh suy xoay vần muôn thuở, dẫu sao "đất" cũng chỉ là một trong ba ngôi tam tài "Thiên - Địa - Nhân). Có "Thiên thời" - thời vận, thời cơ; có "Địa lợi" - lợi thế địa lý, phong thủy, tài nguyên, nhưng phải có nhiều "Nhân kiệt" hết lòng vì dân vì nước mà chèo lái cơ đồ và "Nhân hòa" - thuận lòng dân cả nước, thì nghiệp lớn mới thành, cơ đồ mới vững, hưng vượng mới bền lâu.
Lại nữa, các triều đại dù thời thịnh hay thời suy (cả thời nhà Nguyễn đóng đô ở Huế, giáng Thăng Long xuống là "tỉnh thành Hà Nội"), thì tuy trị thủy sông Hồng, mở mang phố xá, bồi trúc hay mở rộng thành lũy, xây cất biết bao cung điện, đền chùa, miếu mạo... cũng kiêng không chạm đến long mạch Thăng Long, tránh làm phương hại hay biến dị núi non, làm úng ngập phố xá, hay làm ô uế, nghẽn tắc các dòng sông lạch muôn đời chuyển vận khí từ thượng nguồn về làm vượng khí đất này. Sông Tô Lịch vốn là nhánh sông Hồng ở phía đông đô thành, chảy qua phía Bắc thành, vòng phía Tây xuống phía Nam rồi lại đổ nước ra sông Hồng. Sông Kim Ngưu là nhánh của Tô Lịch ở phía Tây, chảy ra sông Nhuệ. Dòng nước hai sông dẫn khí lưu thông yên ả. Hồ Lục Thủy - Hồ Gươm thì đến thời Lê - Trịnh, chúa Trịnh vẫn đến xem duyệt thủy quân, thuyền chiến từ đó theo lạch nước mà diễn ra bến Đông tập trận trên sóng sông Hồng. Trong đô thành lại lắm hồ ao thiên tạo làm nhuần thêm khí mạch...
Mới hay, cái thế "Địa lợi" Thăng Long - Hà Nội, với linh khí và tinh khí của núi sông và từ lịch sử oai hùng nghìn năm tàng ẩn, biết gìn giữ và bồi đắp, thì có thể muôn đời hưng vượng.
Thế Văn