Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do NXB Hà Nội thực hiện đang bước vào giai đoạn “đua nước rút”. Hiện tại, 21/96 đầu sách đã được triển khai in; 25 đầu sách phổ thông về Thăng Long - Hà Nội được tổ chức biên soạn, tái bản và in mới... Trong số này, cuốn Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - đàng Ngoài thế kỷ XVII (700 trang) chuẩn bị vào nhà in là một cuốn sách chứa đựng những tư liệu thú vị về vùng đất Thăng Long gần 400 năm trước.
Thế kỷ 17, có hai thương cảng của Hà Lan và Anh ở Hà Nội. |
Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, chủ biên cuốn sách, công trình được triển khai tư liệu từ giữa năm 2007 qua sự giúp đỡ và kế hoạch khai thác tư liệu của Dự án Tủ sách. Nhưng trên thực tế, việc tìm hiểu về khối tư liệu này đã bắt đầu từ trước đó. Cuối năm 1990, các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài đã bắt đầu giới thiệu về khối tư liệu đang được lưu giữ tại Lưu trữ Quốc gia Hà Lan ở thành phố La Haye. Năm 2001 – 2006, ông Tuấn sang Hà Lan học và đã tiến hành khai thác khối tư liệu ở khía cạnh giao dịch, buôn bán. Việc thu thập tư liệu phục vụ cho công trình của Dự án Tủ sách chỉ thực sự bắt đầu từ tháng 8/2008 và chính thức quá trình khai thác tư liệu, xây dựng bản thảo từ năm 2009. Theo thống kê, số lượng tài liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) trực tiếp về đàng Ngoài/Thăng Long vào khoảng 8.000 trang viết tay (tư liệu các thương điếm Nhật Bản, Đài Loan, Batavia...; liên quan đến đàng Ngoài vào khoảng 4.000 trang), hiện được lưu trữ trong điều kiện rất tốt tại Lưu trữ Quốc gia Hà Lan ở thành phố La Haye (Den Haag). Còn danh mục tư liệu của Anh (EIC) về đàng Ngoài/Thăng Long hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Anh có khoảng 1.000 trang. Khá vất vả và mất công cho quá trình khai thác tư liệu, sao chép văn bản, dịch từ tiếng Hà Lan sang tiếng Hà Lan hiện đại, sau đó là tiếng Việt. Hơn 1 năm đánh vật với công việc mà đụng đâu cũng chạm phải khó khăn, bản thảo cuốn sách đã được nghiệm thu với những nhận xét đánh giá cao. Nói về cuốn sách đang vào nhà in, ông Nguyễn Khắc Oánh, Tổng Giám đốc NXB Hà Nội quả quyết, rất nhiều điều kỳ bí nằm trong 9.000 trang tư liệu về Thăng Long thế kỷ XVII của Anh và Hà lan mà dự án đã sưu tầm được. Từ cuối năm 1630 -1700, cùng với trào lưu buôn bán của các thế lực hải thương phương Tây tại phương Đông cuối thời trung đại, người Hà Lan và người Anh thông qua các Công ty Đông Ấn của mình đã lần lượt đến buôn bán và mở quan hệ ngoại giao với chính quyền Lê/Trịnh tại Thăng Long (Hà Nội). Trong suốt gần 7 thập kỷ lưu trú tại kinh thành Thăng Long, người Hà Lan đã để lại khoảng 10.000 trang tư liệu viết tay (người Anh có khoảng 1.000 trang) về tình hình thương mại, kinh tế, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng... của đàng Ngoài mà thực ra phần lớn liên quan đến toàn bộ đời sống của Thăng Long - địa bàn cư trú và buôn bán chính của họ. Nhiều sự kiện xảy ra ở Thăng Long giai đoạn lịch sử này được ghi chép khá kỹ, chưa hề xuất hiện trong các các bộ chính sử của VN. Đơn cử như cuộc nổi loạn của các con Chúa tại kinh thành năm 1644; những diễn biến chính trị trong triều đình và sự kiện hoạn quan Hoàng Nhân Dũng bị xử tử (trong khi Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi văn tắt trong 2-3 dòng) năm 1653... Đợt phản công của quân đội đàng Ngoài vào đất đàng Trong năm 1661 được phản ánh rất khác so với những ghi chép trong các bộ thông sử nước ta. Theo người Hà Lan, trước sức ép của quân đàng Ngoài, chúa Nguyễn đã phải chạy vào phía Nam và ẩn náu gần biên giới Campuchia (?)... Năm 1694, người Anh đã dành khoảng 15 trang để mô tả phản ứng của triều đình Lê - Trịnh về vấn đề Thiên chúa giáo mà đỉnh cao là vụ đốt cờ có hình chữ thập của người Anh (trong khi các bộ chính sử Việt Nam hoàn toàn không ghi chép)... Năm 1697, chính quyền Thăng Long phản ứng dữ dội sau sự kiện người đàng Ngoài làm thuê trên thuyền buôn Anh bị trôi dạt vào đàng Trong và bị họ Nguyễn bắt giữ; ban bố chính sách cấm xuất dương tuyệt đối với người đàng Ngoài (chính sử Việt Nam hầu như không phản ánh!)... Ngoài ra, có vô số những mô tả và ghi chép (dù đôi khi vắn tắt) của người Hà Lan và Anh về các hoạt động văn hóa, lối sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán của đời sống đô thị Thăng Long... GS.TS. Đỗ Thanh Bình đánh giá cao giá trị tư liệu của cuốn Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - đàng Ngoài thế kỷ XVII và cho rằng khối tư liệu trong cuốn sách là một sự bổ sung quý báu vào kho tư liệu của chúng ta và cũng cung cấp cái nhìn nhiều chiều của người nước ngoài về Thăng Long - Hà Nội, về những sinh hoạt kinh tế, những quan hệ phức tạp giữa phủ Chúa với nước ngoài, giữa đàng Ngoài với đàng Trong.
Cùng với cuốn Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII qua tư liệu Anh - Hà Lan, trên cơ sở những tư liệu đã sưu tầm được của nước ngoài, NXB Hà Nội cũng đang triển khai thực hiện cuốn Minh thực lục - Tư liệu về Thăng Long thế kỷ XIV-XVII (3.500 trang), Thanh thực lục – sử liệu chiến tranh Thanh- Tây Sơn (800 trang). Cả hai cuốn sách này đều chứa đựng những tư liệu lịch sử liên quan đến Thăng Long nói riêng và VN nói chung, trong đó có những sự kiện lịch sử liên quan đến VN được ghi chép khá kỹ thực sự là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu.
Chu Thu Hằng