Thăng hoa tranh lụa Việt

13-06-2018 06:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong khu vực châu Á, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản là những quốc gia phát triển sớm và tồn tại tranh lụa trong đời sống mỹ thuật từ xưa đến nay.

Thời gian gần đây, tranh lụa nước ta thăng hoa khi nhiều tác phẩm được bán với giá “khủng” trên sàn đấu giá quốc tế và triển lãm tranh lụa của các họa sĩ Việt đã được tổ chức tại xứ người.

“Đường đời” tranh lụa Việt

Các nhà nghiên cứu cho rằng, tranh lụa Việt Nam ra đời từ rất sớm, minh chứng là trong lịch sử nền mỹ thuật đã xuất hiện một số bức tranh lụa chân dung Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Trịnh Đình Kiên, Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích... từ thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Sau đó, tranh lụa hiện đại Việt Nam ra đời vào thập niên 30 của thế kỷ 20, đánh dấu sự khác biệt giữa kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ và tranh lụa hiện đại Việt Nam.

Bức tranh lụa Em bé cho chim ăn của danh họa Nguyễn Phan Chánh vừa được bán với giá gần 853.000 USD tại Hồng Kông.

Bức tranh lụa Em bé cho chim ăn của danh họa Nguyễn Phan Chánh vừa được bán với giá gần 853.000 USD tại Hồng Kông.

Theo đó, tranh lụa cổ thường được vẽ trực tiếp trên lụa khô, trong khi quá trình tranh lụa hiện đại giống như sự nhuộm đi nhuộm lại màu lên mặt lụa; lụa được căng trên khung gỗ và trong quá trình vẽ họa sĩ có thể rửa lụa nhiều lần rồi vẽ tiếp tới khi như ý. Về sau, nhiều người sử dụng cách can hình từ bản can giấy lên lụa để lưu lại nét vẽ một cách chính xác. Nét nổi bật của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam chính là đã tìm được một bảng màu riêng cho lụa, kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc, các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương, có sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Việt.

Kể từ khi tranh lụa hiện đại Việt ra đời, nhiều họa sĩ của dòng tranh này đã xuất hiện và rất nổi tiếng như Nguyễn Phan Chánh, Mộng Bích, Lê Kim Bạch, Nguyễn Thụ hoặc Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Quế, Lương Xuân Nhị... Tuy nhiên, người được xem là thành công và đã khai phá loại hình tranh lụa hiện đại Việt Nam là Nguyễn Phan Chánh. Trong hầu hết các tác phẩm tranh lụa của họa sĩ họ Nguyễn toát lên một phong vị đặc biệt Việt Nam, đồng thời phù hợp với quan niệm hội họa hiện đại: những mảng màu đơn giản, ấm áp, nhuần nhị, những đường viền mềm mại, những khoảng trống rất đúng chỗ. Thành công của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã lôi cuốn các bạn đồng nghiệp cùng lứa và các họa sĩ thuộc lớp sau, mỗi người đã đóng góp làm phong phú thêm kỹ thuật vẽ tranh lụa.

Tới nay, công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam đã biết đến nhiều bức tranh lụa nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh như Chơi ô ăn quan, Rửa rau cầu ao, Buổi sớm ra đồng, Chơi chim; Trần Văn Cẩn có Hai thiếu nữ trước bình phong. Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Thụ được biết đến qua tranh lụa Mưa, Mùa đông, Ghé qua bản, Dệt vải... Sau đó, nhiều tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật bằng tranh lụa đã được các họa sĩ sáng tác như Chiều trên đảo Hòn Tre (họa sĩ Lương Xuân Đoàn); Làm cỏ lúa Xuân (Lê Anh Vân), Mẹ con Tây Nguyên (Trần Huy Oánh), Cô gái (Nguyễn Thị Kim Thái), Hoa trái quê hương (Kim Bạch), Khiêu vũ (Đào Minh Tri)…

Bay xa và lan tỏa

Không chỉ bền bỉ tồn tại và hòa cùng dòng chảy mỹ thuật nước nhà, tranh lụa Việt gần đây còn bay xa và lan tỏa khi trên trường quốc tế. Mới đây, hai bức tranh lụa Người bán ốcEm bé cho chim ăn của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã được đấu giá thành công và tạo nên cơn sốt giá tại nhà đấu giá Christie's Hong Kong (Hồng Kông). Theo đó, Người bán ốcEm bé cho chim ăn lần lượt được bán với mức giá gần 600.000 USD và 853.000 USD. Trong khi đó, bức tranh lụa Tắm của họa sĩ Lê Phổ vẽ vào khoảng năm 1938 - 1940 được bán với giá gần 300.000 USD. Đại diện nhà đấu giá Christie's Hong Kong cho biết, bức tranh lụa Em bé cho chim ăn chính là tác phẩm của một họa sĩ Việt Nam được bán với giá cao nhất từ trước đến nay tại nhà đấu giá Christie’s cũng như trên sàn đấu giá quốc tế. Trước đó vào năm 2013, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh nắm giữ kỷ lục khi bức tranh lụa Người bán gạo do ông sáng tác được bán với giá 390.000 USD cũng tại Hồng Kông.

Trước đó, cuối tháng 3/2018, bức tranh lụa Thôn nữ Bắc Kỳ của cố họa sĩ Nam Sơn được đấu giá thành công với mức 205.000 euro tại phiên đấu giá Aguttes diễn ra ở Paris (Pháp). Bức tranh của danh họa Nam Sơn vẽ vào khoảng năm 1935, từng xuất hiện tại hội chợ Salon de la Sadeai ở Hà Nội năm 1936 và nằm trong một bộ sưu tập tư nhân tại Hà Nội suốt hơn nửa thế kỷ. Cũng tại phiên đấu giá Aguttes, bức mực nho và màu trên lụa Thiếu nữ bên hoa hồng của họa sĩ Lê Phổ đã được bán với giá 160.000 euro.

Không chỉ có các tác phẩm được bán với giá “khủng” kể trên, một số triển lãm tranh lụa Việt cũng được tổ chức ở nước ngoài thời gian qua và tạo được tiếng vang. Gần nhất phải kể tới triển lãm “Tranh lụa và sản phẩm lụa Việt Nam” diễn ra cuối tháng 9/2017 tại TP. Oakland, bang California (Mỹ). Triển lãm này đã giới thiệu tới công chúng quốc tế 40 tác phẩm tranh lụa khắc họa thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao, nông thôn và miền núi với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, trong trẻo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam... của 29 họa sĩ vẽ lụa tiêu biểu ở nước ta. Qua đó, triển lãm đã kết nối, tăng cường sự hiểu biết, giới thiệu nghệ thuật và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.


Trung Kiên
Ý kiến của bạn