Từ ngày 15/4 – 15/5 hàng năm, cơ quan chức năng các địa phương lại tiến hành ra quân thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP). Năm nay, Tháng hành động quốc gia vì ATTP với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. So với các năm trước, năm nay chủ đề kiểm soát, phòng tránh ngộ độc rượu đã được đặt ở mức quan tâm đặc biệt.
Rượu vào “vòng ngắm”…
Sau một loạt các ca bệnh tử vong do ngộ độc rượu có cồn công nghiệp chứa methanol - một hóa chất lỏng, có độc tính cao, xảy ra trên địa bàn huyện Phong Thổ, Lai Châu và khi giữa Thủ đô liên tiếp ghi nhận những ca ngộ độc rượu có cồn công nghiệp, người ta mới giật mình “để mắt” quan tâm nhiều hơn tới thức uống không thể thiếu trong hầu hết cuộc vui, bữa nhậu. Hà Nội đã làm ráo riết, tiến hành truy quét tổng lực rượu độc trên diện rộng và cam kết xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở kinh doanh rượu nào vi phạm các quy định về ATVSTP nhằm kịp thời xử lý và cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng. Động thái này của Hà Nội được người dân đánh giá cao.
Kiểm tra mẫu rượu xét nghiệm hàm lượng methanol tại Hà Nội. Ảnh: D.L
Để thể hiện sự quyết liệt trong việc truy tìm nguồn gốc rượu gây ngộ độc, ngay trong ngày đầu chiến dịch ra quân truy quét rượu rởm trên địa bàn, đoàn liên ngành các cấp của TP. Hà Nội đã niêm phong và tiêu hủy hơn 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong 2 tuần truy rượu giả, cơ quan chức năng đã kiểm tra gần 1.600 cơ sở, niêm phong gần 20 nghìn lít rượu, tiêu hủy 140 lít không nguồn gốc và tiến hành xử phạt 149 cơ sở với số tiền gần 500 triệu đồng.
Theo đó, kể từ ngày ra quân đến ngày 17/4, các đoàn kiểm tra đã kiểm tra 7.260 cơ sở sản xuất kinh doanh rượu . Trong đó, niêm phong 57.576,8 lít rượu, 1.385 chai rượu các loại, 17 bình rượu; 2 chum rượu (67kg), 4,9kg men rượu, 1.559 vỏ chai rượu nhãn hiệu “Sơn Tinh”, 28.500 nhãn rượu nếp nương “Vĩnh Thái”, 1.054 quả dừa có rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng cũng cảnh cáo, xử lý 907 cơ sở. Tiêu hủy 2.316,2 lít rượu không nguồn gốc. Phạt tiền 1.510.260.000đồng. Kết quả xét nghiệm nhanh methanol: 2.449 mẫu rượu, có 5 mẫu chứa methanol vượt giới hạn cho phép. Đáng nói là, quận Cầu Giấy có số người ngộ độc rượu cao nhất trong tổng số những ca ngộ độc rượu của Hà Nội. Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm từ ngày 16/3 - 4/4, toàn quận Cầu Giấy đã phát hiện 78 cơ sở vi phạm trong 634 cơ sở được kiểm tra, thu giữ và tiêu hủy hơn 5.300 lít rượu, xử phạt hơn 117 triệu đồng. Quận Cầu Giấy cũng đã yêu cầu 100% các cơ sở ký cam kết không bán rượu không rõ nguồn gốc.
Trước đó, để tuyên chiến với rượu rởm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng đã khẳng định, Hà Nội sẽ đồng loạt ra quân tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở từ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu tại các cửa hàng, nhà hàng, quán nước... UBND TP. Hà Nội đặt quyết tâm chống rượu giả gây ngộ độc mạnh như ra quân dẹp vỉa hè, không mang tính hình thức, cao điểm mà phải duy trì kéo dài sau đó.
… Và ngộ độc vẫn ghi nhận
Cam kết mạnh mẽ, ra quân quyết liệt để bài trừ rượu rởm của Hà Nội đã thực hiện và thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra vẫn đang tiến hành thì vẫn ghi nhận số người mắc tăng lên. Theo đó, chỉ trong vòng gần 2 tháng, Hà Nội có đến 25 người bị ngộ độc rượu có chứa methanol. Trước đó, 8 sinh viên uống rượu vỉa hè ngộ độc hồi tháng 3 chưa kịp lắng xuống thì Hà Nội lại liên tiếp ghi nhận các trường hợp ngộ độc rượu nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch: hôn mê sâu, tổn thương cả hai bên bán cầu não, toan chuyển hoá nặng, nồng độ cồn methanol trong máu là 45mg/dl. Người thứ 2 cũng là nam giới, 41 tuổi, trước khi vào Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với các biểu hiện tương tự sốc nhiễm trùng, nồng độ cồn methanol trong máu là 25mg/dl. Gần đây nhất ngày 19/4, Hà Nội lại ghi nhận thêm một bệnh nhân bị ngộ độc methanol. Đó là ông Đỗ Tấn M., 40 tuổi, ở Đồng Xuyên, phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh nhân vào Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, mắt nhìn mờ. Các bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc methanol. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, hàm lượng methanol 98,2 mg/dL. Gia đình cho biết, người đàn ông này có tiền sử hay uống rượu. Bệnh nhân uống 500ml rượu trắng mua tại nhà dân ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội…
Câu hỏi đặt ra, sau khi đã thực hiện tổng lực truy tìm rượu giả, Hà Nội sẽ làm gì nữa để ngăn chặn tình trạng ngộ độc hay chỉ thực hiện truy quét ráo riết, quyết liệt khi có sự cố nào đó xảy ra? Thiết nghĩ, bên cạnh công tác thanh kiểm tra được triển khai quyết liệt, Hà Nội cần phải có chiến dịch truyền thông sâu rộng đến các cơ sở, các hộ sản xuất kinh doanh rượu nhỏ lẻ và người tiêu dùng về việc sử dụng thực phẩm an toàn, đặc biệt là tác hại của rượu không rõ nguồn gốc, rượu không đảm bảo chất lượng đến sức khỏe người sử dụng. Kết hợp với tuyên truyền phổ biến luật ATTP, các nghị định, quy định của pháp luật với 1.011 lượt phát thanh, phát 2.930 tờ rơi, 22 đĩa tuyên truyền các loại.
Song song với việc bắt buộc các cơ sở nấu rượu phải cam kết đảm bảo ATTP, cấm pha cồn công nghiệp vào rượu. Cần sát sao yêu cầu các hộ kinh doanh ăn uống, hàng tạp hóa, trà đá,... trên địa bàn quận không kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có chứng từ hóa đơn... Cùng với đó người tiêu dùng cũng không nên quá dễ dài trong việc lựa chọn thực phẩm nói chung và rượu nói riêng, bởi vẫn còn một số cá nhân vì lợi ích trước mắt cố tình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, khó nắm bắt và phát hiện.