Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, 5 đoàn liên ngành trung ương sẽ kiểm tra tại 10 tỉnh, thành

02-04-2025 18:39 | Y tế

SKĐS - Từ ngày 15/4 - 15/5, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ lập 5 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa thông tin Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố".

Mục đích của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, sự kiện này cũng nhằm thúc đẩy thực thi pháp luật, tôn vinh chuỗi thực phẩm an toàn và kịp thời cảnh báo các cơ sở vi phạm.

Theo đó, căn cứ chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố từ 15/4 đến 15/5 trên phạm vi toàn quốc.

Các tỉnh, thành phố này gồm: TP HCM, Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Điện Biên và Lai Châu.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, 5 đoàn liên ngành trung ương sẽ kiểm tra tại 10 tỉnh, thành- Ảnh 1.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố".

Đoàn số 1 do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), 1 đơn vị thuộc Bộ Công thương, 1 đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện kiểm nghiệm trực thuộc Bộ Y tế tiến hành kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước.

Đoàn số 2 do Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), 1 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 1 đơn vị thuộc Bộ Công thương, đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh/thành phố Quảng Bình và Quảng Trị.

Đoàn số 3 do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với 1 đơn vị thuộc Bộ Công thương, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), 1 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 1 đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Bắc Giang.

Đoàn số 4 do 1 đơn vị thuộc Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với 1 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), 1 đơn vị thuộc Bộ Công thương, đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Công thương tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đoàn số 5 do 1 đơn vị thuộc Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với 1 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 1 đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An), đơn vị kiểm nghiệm thuộc Bộ Công thương tiến hành kiểm tra tại 2 tỉnh/thành phố: Điện Biên và Lai Châu.

Bên cạnh 5 Đoàn liên ngành Trung ương, các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động.

Tại địa phương, căn cứ Kế hoạch triển khai Tháng hành động năm 2025 của Trung ương, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra trên địa bàn (gồm cả tuyến thành phố/thị xã/quận/ huyện và thị trấn/xã/phường) trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện; bảo đảm hoàn thành kế hoạch kiểm tra trước ngày 15/5/2025.

Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho biết, việc tổ chức Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở có bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Bộ Y tế: Truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc khiến 37 người nhập viện ở TP HCMBộ Y tế: Truy xuất tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc khiến 37 người nhập viện ở TP HCM

SKĐS - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP HCM tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc khiến 37 người nhập viện sau ăn bánh mì; truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân...

Thái Bình
Ý kiến của bạn