Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2018: Nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu 90-90-90

14-11-2018 14:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phát động từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2018. Trong thời gian này nhiều hoạt động thiết thực được diễn ra, hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.

Mục tiêu của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 nhằm tăng cường các hoạt động Dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS...

Để thực hiện các mục tiêu trên, nhằm hướng tới mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virut kiểm soát được số lượng virut ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) vào năm 2020, nhiều hoạt động đã được diễn ra trong tháng hành động. Cụ thể:

Tổ chức các hội nghị, hội thảo

Tùy điều kiện cụ thể, các địa phương, đơn vị tổ chức các hội nghị, hội thảo xoay quanh các chủ đề: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng; đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; huy động và đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; Chi trả các chi phí điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế; kiểm điểm việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng, tại trường học và nơi làm việc; kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Y tế về tăng cường các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế...

Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế....

Nhiều hoạt động truyền thông diễn ra trong Tháng Hành động phòng, chống HIV/AIDS.

Nhiều hoạt động truyền thông diễn ra trong Tháng Hành động phòng, chống HIV/AIDS.

Hoạt động truyền thông, vận động gây quỹ người nhiễm HIV

Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2018 tổ chức tập trung tại cấp bộ, ngành và tỉnh/thành phố. Các cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia như Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12/2018). Ngoài lễ mít tinh, sẽ diễn ra các sự kiện phối hợp như diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông và chiếu phim lưu động hoặc tổ chức các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Nội dung truyền thông cần chú trọng vào các nội dung sau: Lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao: Lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV, lợi ích tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương; bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS: các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV: Lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV, sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV;  dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn