Quasimodo, thằng gù xấu xí nổi tiếng nhất thế giới - hình tượng bi thảm trong tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” của văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885) theo những ghi chép thuộc sở hữu của Galery Văn học Tate Britain (Anh), là nhân vật lịch sử, có thật.
Thợ điêu khắc bên lề cuộc sống
Việc khẳng định, Hugo xây dựng hình tượng thằng gù xấu xí điếc tai trở thành người đánh chuông nhà thờ yêu đắm đuối cô gái Digan Esmeralda hơn mọi thứ trên đời có thể bắt nguồn từ nguyên mẫu người thợ điêu khắc gù lưng, được Henry Sibson (1795-1870) - thợ đục đá kiêm điêu khắc người Anh mô tả trong bài viết đăng trên tạp chí Art Review.
Thực tế, Sibson từng làm thuê tại Nhà thờ Đức Bà Paris thời kỳ những năm 20, thế kỷ XIX. Đó là thời gian Sibson tham gia các công việc sửa chữa cung Thánh theo phong cách tân cổ điển. Hugo bắt tay viết Nhà thờ Đức Bà năm 1828 và xuất bản năm 1831. Nhà văn phản đối việc đưa vào cung Thánh những thành phần tân cổ điển và ủng hộ phong cách Phục hưng.
Tranh minh họa: Chàng Quasimodo xấu xí si tình bên nàng Esmeralda xinh đẹp.
Trong những ghi chép của mình Sibson mô tả người thợ điêu khắc sành nghề gù lưng, nhân vật đứng bên lề cuộc sống và không thích giao du với đồng nghiệp chuyên thực hiện cho anh những mẫu vật đá ban đầu.
Sibson cũng gặp nhóm thợ đục đá và điêu khắc này vào thời gian sau, tại công trình xây dựng khác. Ở đó Sibson gặp lại người thợ cả điêu khắc gù lưng (trong bài viết, Sibson dùng từ “Le Bossu”, tiếng pháp là “thằng gù”). Le Bossu ra lệnh cho đốc công có tên Trajan, thuê “tay thợ người Anh nhỏ con” (tức Sibson).
Trajian, nguyên mẫu thứ hai
Những ghi chép của Sibson được phát hiện tại phòng dưới mái nhà trong một tư dinh ở Penzance. Galerie Tate Britain sở hữu tư liệu quý từ năm 1999, song cách đây không lâu, mãi cuối năm 2016, người ta mới tình cờ phát hiện những ghi chép liên quan đến “thợ điêu khắc gù lưng” trong quá trình thống kê kho lưu trữ, nhân kỷ niệm 40 năm ngày ra đời galery.
Cuốn Almanach de Paris xuất bản năm 1833 là bản danh sách những người Paris thực hiện những nghề khác nhau có điểm danh “Trajina” ở khu phố Saint German-des-Pres, nơi Hugo từng sống cùng thời gian.
Một suy đoán khác, những thợ điêu khắc và thợ đục đá thời đó đóng vai trò gợi ý sáng tác cho Hugo là phiên bản đầu tiên tiểu thuyết Những người cùng khổ, trong đó nhân vật chính là “Trejean”, trong phiên bản sau tác giả đổi thành “Jean Valjean”.
Về nhân vật Trajian, Sibson mô tả: “Ông là người tử tế nhất tôi có thể gặp trong đời. Một con người luôn thể hiện tình cảm thân thiện và hết lòng yêu thương dành cho đồng loại”.