Hội Xoan
Diễn ra tại làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng. Lễ hội này diễn ra trong 3 ngày, từ 7 – 10 tháng Giêng âm lịch.
Khởi đầu lễ hội là tiệc cầu Xuân dâng Thành hoàng, theo truyền thống dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong. Tục truyền việc mổ trâu “nồi da xáo thịt” diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu để tế thần sông.
Hội Xoan còn tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có hát xoan - di sản văn hoá vô giá của tỉnh Phú Thọ. Tại Hội Xoan, nhân dân địa phương lại thể hiện những làn điệu hát xoan mượt mà, thắm đượm tình quê, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, mồng 10 tháng Giêng, Hội Xoan còn diễn trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng. Các vai diễn cày, bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn.
Hội chợ Viềng
Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm tại xã Kim Thái, Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Hội chợ Viềng hàng năm thường có du khách thập phương về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau. Tiếng là "hội chợ" nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép…Du khách còn có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm vật dụng linh tinh khác.
Lễ hội Yên Tử
Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân tại xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an còn có các tiệt mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử.
Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Lên đến đỉnh Yên Tử như chạm cổng trời, sau khi thắp nén nhang ai nấy như mình đang đứng giữa trời, lòng lâng lâng thoát tục.
Từ nhiều năm nay, tỉnh Quảng Ninh đã cho xây dựng hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh, qua đó giúp du khách thập phương thuận tiện và rút ngắn được nhiều thời gian hơn trong việc hành hương, tham quan và vui lễ hội.
Lễ hội đền Trần (Nam Định)
Diễn ra 3 ngày, từ 13 - 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại di tích Đền Trần, tỉnh Nam Định. Lễ hội Đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống lớn, niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định nói riêng và cả nước nói chung khi nhớ về cội nguồn, các bậc đế vương và của dân tộc Việt Nam.
Tại Lễ hội này, điểm nhấn là Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng -một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Tại đền Cố Trạch các bô lão tề tựu đông đủ để lễ đức Thánh Trần, sau đó tham dự buổi lễ khai ấn đầu năm.
Hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Quả nhỏ trên mặt khắc hai chữ “ Trần Miếu”, quả lớn có khắc những chữ: “ Trần Triều Tự Điển, Tứ phúc vô cương” theo kiểu chữ triện. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.
Lễ hội Bà chúa Kho ( Bắc Ninh)
Diễn ra tại Đền bà chúa Kho làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) “cầu tài phát lộc”. Đây cũng là một lễ hội lớn và thể hiện nét truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam vì đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam.
Theo truyền thuyết, Bà Chúa Kho là người phụ nữ chịu khó, sau khi lấy vua nhà Lý, bà xin vua cho về vùng Vũ Ninh chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tổ chức sản xuất ở 72 trang ấp. Bà còn trông nom kho lương thực, bảo quản tốt quân lương trong và sau chiến thắng quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) năm 1076.